Tập làm lính đặc công

03/07/2012 12:57
Theo Tuổi trẻ
Giữa Rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM) - nơi ghi dấu chiến công của bộ đội đặc công - 44 bạn nhỏ đã hóa thân làm chiến sĩ đặc công trong học kỳ quân đội do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức.
Giữa Rừng Sác (Cần Giờ, TP.HCM) - nơi ghi dấu chiến công của bộ đội đặc công - 44 bạn nhỏ đã hóa thân làm chiến sĩ đặc công trong học kỳ quân đội do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức. Mục tiêu bị chiếm giữ. Ba lực lượng gồm đặc công thủy, đặc công bộ và đặc công đặc nhiệm nhận nhiệm vụ phối hợp tác chiến với mệnh lệnh phải chiếm lại bằng được mục tiêu và cắm cờ Tổ quốc tại vị trí cao nhất.
Học viên trải nghiệm kỹ năng sinh tồn của lính đặc công xưa bằng việc đánh lội đầm bắt cá - Ảnh: Q.LINH
Học viên trải nghiệm kỹ năng sinh tồn của lính đặc công xưa bằng việc đánh lội đầm bắt cá - Ảnh: Q.LINH
Vào trận Lực lượng đặc công thủy tiên phong mở đường. Để đến được mục tiêu, các chiến sĩ phải vượt qua đầm lớn. Trong trang phục bơi và ngụy trang bằng những khuôn mặt đen ngòm, các bạn bắt đầu lội sình, vượt đầm lầy cùng phao được ngụy trang bởi màu xanh của những cây sú, vẹt. Một không gian lặng thinh, ngay tiếng nước khua cũng thật nhẹ để không bị địch phát hiện. Bám sát mục tiêu, đặc công thủy ra tín hiệu để lực lượng đặc công bộ tiến lên. Chỉ có khuôn mặt được ngoi lên khỏi mặt nước để thở, những chiến sĩ đặc công bộ bắt đầu vào trận trên những chiếc bè đã được đặc công thủy chuẩn bị trước đó.
Đặc công bộ vượt đầm tiếp cận mục tiêu đang bị chiếm giữ - Ảnh: Q.LINH
Đặc công bộ vượt đầm tiếp cận mục tiêu đang bị chiếm giữ - Ảnh: Q.LINH
Để đến sát hơn mục tiêu, các chiến sĩ đặc công bộ còn phải leo lên thang dây đong đưa cách mặt nước vài mét. Lên khỏi mặt nước, họ còn phải vượt qua một tường rào thép gai bao bọc phía trước. Hai chiến sĩ Tuấn Kiệt và Ngọc Minh đi đầu, có nhiệm vụ cắt hàng rào kẽm gai mở đường cho đồng đội tiến lên. Đường đã được mở, mục tiêu đã gần hơn trước mặt, lực lượng đặc công đặc nhiệm nhận được ám hiệu xung phong tấn công. Thử thách mỗi lúc tăng lên. Để có thể lên đến mục tiêu cần chiếm lại, mỗi chiến sĩ phải qua hai lần đu dây nằm ngang và thẳng đứng vượt tường cao. Một thử thách không dễ ăn ngay cả với chiến sĩ nam, chứ đừng nói đến các nữ đặc công trong khóa huấn luyện. Tất cả chỉ là tình huống giả định nhưng mỗi bạn nhỏ đều vào trận bằng một khí thế như chính họ đang là những lính đặc công thực thụ. Trực tiếp chỉ đạo quá trình huấn luyện, trung tá Phạm Kim Hoàng - chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự huyện Cần Giờ, đơn vị phối hợp huấn luyện - chia sẻ: “Đó là những bài huấn luyện và thử thách rất gần với nhiệm vụ huấn luyện của lính đặc công thực thụ, chỉ cần các em dám đương đầu, sẵn sàng cắt rào, đu dây xem như đã thành công”. Trưởng phòng đào tạo Nhà văn hóa Thanh niên Nguyễn Hồng Lâm cho biết dự định ban đầu còn sử dụng cá sấu để giúp học viên cảm nhận được tính xác thực nhất mà bộ đội đặc công năm xưa trải qua. Tuy nhiên, phía quân đội không đồng ý phương án này để đảm bảo an toàn cho học viên. Kết thúc bài huấn luyện, nhật ký cuối ngày của nhiều học viên đã viết: đã có thể hình dung phần nào những khó khăn bộ đội đặc công trải qua, nể phục và tự hào về các anh biết bao.
Đặc công nước hỗ trợ đưa đặc công bộ vượt đầm bằng phao đế tiếp cận gần hơn với mục tiêu cần chiếm lại - Ảnh: Q.LINH
Đặc công nước hỗ trợ đưa đặc công bộ vượt đầm bằng phao đế tiếp cận gần hơn với mục tiêu cần chiếm lại - Ảnh: Q.LINH
Trưởng thành và biết yêu thương Còn vô số thử thách mỗi ngày và được bí mật đến giờ chót với học viên. Song song với mục tiêu rèn kỹ năng, khóa huấn luyện còn là cơ hội tốt giới thiệu với học viên về lịch sử, chiến công anh hùng của bộ đội đặc công Rừng Sác. Đánh bắt cá cải thiện đời sống, vượt đầm tác chiến không để lại dấu vết, vượt tường rào, sử dụng và cài đặt các khối nổ để công phá mục tiêu, mở đường cho các lực lượng làm nhiệm vụ… là những bài huấn luyện xuyên suốt khóa học. Nữ chiến sĩ Ngọc Minh bộc bạch: “Lần đầu tiên mình đối diện với những thử thách khắc nghiệt như vậy trong đời và nghĩ rằng không thể nào vượt qua được nhưng quyết tâm, với tinh thần đồng đội, cuối cùng mình đã hoàn thành. Những bài học và kỹ năng không thể quên”. Huỳnh Gia Phụng cũng từng nghĩ chẳng có gì hứng thú khi bị mẹ bắt phải đi học kỳ quân đội. Nhưng chỉ sau vài ngày có mặt tại khóa học về biển đảo trước đó, Phụng đã nằng nặc đòi mẹ phải đăng ký cho bằng được để tiếp tục làm chiến sĩ đặc công. “Mình đã được đối diện với nhiều khó khăn, thử thách khác nhau và nhận ra đều có cách để vượt qua một khi mình quyết tâm” - Phụng quả quyết.
Đặc công bộ cắt kẽm mở đường để các lực lượng tiến vào đánh chiếm mục tiêu - Ảnh: Q.LINH
Đặc công bộ cắt kẽm mở đường để các lực lượng tiến vào đánh chiếm mục tiêu - Ảnh: Q.LINH
Dù hơi tiếc vì không vượt qua thử thách đu dây vượt địa hình khi đánh chiếm mục tiêu giả định, nhưng điều nữ chiến sĩ Anh Phương tâm đắc chính là những phút yoga trong ngày vì khi ấy như cảm nhận được từng nhịp sống đều đặn đang lan đi trong cơ thể. Nói về trải nghiệm vừa qua, Tuấn Kiệt bày tỏ: “Những ngày ngắn ngủi mình đã được sống như trong một gia đình, các học viên thân thiết với nhau như anh em, thầy cô huấn luyện như cha mẹ vì luôn quan tâm tới bọn mình trong mọi việc”. Một học viên lội đầm bị hàu cắt chân tứa máu không đi được, thầy cúi xuống cõng ra xe. Mấy học viên mải mê vận động rách quần áo, cô âm thầm mang về vá lại sau giờ huấn luyện, khi các bạn đã đi ngủ. Điều mà mỗi thành viên ban huấn luyện cảm nhận qua từng ngày chính là sự trưởng thành của từng học viên.
Đặc công đặc nhiệm đu đây vượt tường rào tấn công vào mục tiêu bị địch chiếm giữ - Ảnh: Q.LINH
Đặc công đặc nhiệm đu đây vượt tường rào tấn công vào mục tiêu bị địch chiếm giữ - Ảnh: Q.LINH
Phùng Đại Lộc đã viết trong nhật ký: “Mỗi ngày lại là một điều mới, mỗi hoạt động tuy gian khó nhưng cho chúng em sự kiên trì. Chúng em thấy được sự gian lao của cha ông trong công cuộc bảo vệ quê hương đất nước và hứa sẽ cố gắng sống xứng đáng với sự hi sinh ấy”.
Theo Tuổi trẻ