Tàu khảo sát mới Hướng Dương Hồng 10 TQ sẽ hoạt động cả ở Biển Đông

30/03/2014 07:01
Đông Bình
(GDVN) - Đây là tàu khảo sát khoa học biển xa đầu tiên được chế tạo bằng vốn của cả tư nhân và nhà nước, sẽ tập trung cho Ấn Độ Dương, nhưng cũng khảo sát ở Biển Đông.
Tàu khảo sát khoa học tổng hợp Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc đưa vào hoạt động ngày 28 tháng 3 năm 2014
Tàu khảo sát khoa học tổng hợp Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc đưa vào hoạt động ngày 28 tháng 3 năm 2014

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 29 tháng 3 đưa tin, tàu khảo sát tổng hợp khoa học hải dương Trung Quốc "Hướng Dương Hồng 10" ngày 28 tháng 3 đã chính thức biên chế cho Đội tàu khảo sát biển quốc gia tại bến cảng ở Trường Châu, Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Chủ nhiệm Dương Quan Minh thuộc Văn phòng đóng tàu, Viện nghiên cứu hải dương 2, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, đây là tàu khảo sát khoa học biển xa đầu tiên của Trung Quốc được chế tạo khi sử dụng cả vốn tư dân và vốn nhà nước, tới đây tàu này sẽ trực tiếp đi biển xa thực hiện nhiệm vụ khảo sát khoa học.

Viện trưởng Viện nghiên cứu hải dương 2, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, Lý Gia Bưu cho biết, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 do Viện 2 hải dương và Công ty TNHH vận tải đường thủy Thái Hòa, Chiết Giang hợp tác chế tạo, đã mở ra mô hình mới "kinh tế hỗn hợp" của kinh tế biển.

Tàu khảo sát khoa học biển xa Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc
Tàu khảo sát khoa học biển xa Hướng Dương Hồng 10 Trung Quốc

Tàu này có khả năng triển khai quan trắc môi trường biển tổng hợp, thăm dò, lấy mẫu và phân tích hiện trường đối với biển gần, đại dương và biển sâu như tài nguyên dầu khí, hải dương học vật lý, địa chất biển, vật lý địa cầu, sinh học biển, hóa học biển, khí tượng biển; là một trong những tàu thử nghiệm di động trên biển nghiên cứu cơ bản khoa học biển ở biển sâu-đại dương, nghiên cứu phát triển công nghệ cao mới của Trung Quốc.

Theo mạng “Quan sát” tiếng Trung thì tàu Hướng Dương Hồng là tàu khảo sát khoa học tổng hợp tích hợp nhiều chức năng, nhiều công nghệ, đạt trình độ quốc tế về trình độ kỹ thuật và khả năng khảo sát, sẽ trở thành phương tiện trên biển quan trọng thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học biển lớn của Trung Quốc.

Bài báo còn cho biết, tàu Hướng Dương Hồng 10 trong tương lai sẽ tập trung hoạt động ở Ấn Độ Dương, đồng thời sẽ tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học ở các vùng biển như Đại Tây Dương, Biển Đông.

Tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 10 sẽ hoạt động ở Biển Đông
Tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 10 sẽ hoạt động ở Biển Đông

Theo tờ “Tin tức Trung Quốc”, tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 10 do Viện nghiên cứu 708, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế, bắt đầu chế tạo vào tháng 6 năm 2012 với số vốn được cấp là 200 triệu nhân dân tệ, hạ thủy và tiến hành lắp thiết bị vào tháng 8 năm 2013 tại Ôn Châu, Chiết Giang, chính thức chế tạo xong vào tháng 1 năm 2014, sau đó thực hiện chạy thử.

Tàu dài 93 m, rộng 17,4 m, sâu 8,8 m, tổng trọng tải 4.502 tấn, khả năng chạy liên tục 12.000 hải lý, nhân viên trên tàu 65 người (thuyền viên 24 người, nhà khoa học 41 người).

Tàu Hướng Dương Hồng 10 áp dụng hệ thống đẩy điện tiên tiến, có chức năng định vị động lực DP-1, phòng thí nghiệm các loại có tổng diện tích trên 500 m2. Tàu này được Dương Quan Minh giới thiệu là có tiếng ồn nhỏ, chấn động ít, chạy nhanh, linh hoạt, lắp một số thiết bị như súng bắn nước cực mạnh...

Tàu Hướng Dương Hồng 10 cũ bàn giao 35 năm trước là tàu khảo sát khoa học biển xa lớp 10.000 tấn đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, từng tham gia khảo sát khoa học Nam Cực lần đầu tiên của Trung Quốc.

Tháng 8 năm 1998, tàu Hướng Dương Hồng 10 cũ được cải tạo thành tàu khảo sát biển xa Viễn Vọng 4. Năm 2011, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc phê chuẩn chế tạo tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 10 mới.

Tàu khảo sát khoa học tổng hợp Hướng Dương Hồng khi hạ thủy
Tàu khảo sát khoa học tổng hợp Hướng Dương Hồng khi hạ thủy

Được biết, Đội tàu khảo sát biển quốc gia Trung Quốc được thành lập tại Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 4 năm 2012, phục vụ cho công tác nghiên cứu biển của nhiều bộ ngành Trung Quốc, phục vụ cho phát triển sự nghiệp biển và tham vọng của Trung Quốc.

Trung Quốc thành lập đội tàu này để thực hiện nhiệm vụ khảo sát biển mang tính cơ sở, tổng hợp và chuyên đề ở biển gần, biển sâu và biển xa, nhằm “mở rộng không gian phát triển biển, khai thác và sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ quyền lợi biển, bảo đảm an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường sinh thái biển”.

Hiện nay, theo số liệu trên trang baike.com.wiki tiếng Trung, Đội tàu khảo sát biển quốc gia Trung Quốc có 19 tàu khảo sát khoa học thuộc nhiều cơ quan khác nhau:

- Thuộc Cục hải dương quốc gia Trung Quốc có 9 tàu: Hướng Dương Hồng 06, Hướng Dương Hồng 09, Đại Dương 01, Hướng Dương Hồng 14, Hướng Dương Hồng 08, Hải Kham 08, Tuyết Long, Hải Giám 72, Thực Tiễn.

Tàu khảo sát khoa học tổng học biển Hướng Dương Hồng 10 hạ thủy vào tháng 8 năm 2013 tại Ôn Châu
Tàu khảo sát khoa học tổng học biển Hướng Dương Hồng 10 hạ thủy vào tháng 8 năm 2013 tại Ôn Châu

- Thuộc Viện Khoa học Trung Quốc có 4 tàu: Thực Nghiệm 1, Thực Nghiệm 3, Khoa Học 1, Khoa Học 3.

- Thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc có 3 tàu gồm: Dục Côn, Đông Phương Hồng 2, Hải Dương 2.

- Thuộc Viện nghiên cứu biển Phúc Kiến có 1 tàu: Diên Bình.

- Thuộc doanh nghiệp có 2 tàu: Nhuận Giang, Ý Hưng.

Như vậy, với việc biên chế tàu khảo sát khoa học Hướng Dương Hồng 10 cho Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, hiện nay Đội tàu khảo sát khoa học biển quốc gia Trung Quốc đã có 20 tàu.

Tàu khảo sát khoa học biển xa Hướng Dương Hồng "cũ" của Trung Quốc, từng tham gia khảo sát Nam Cực.
Tàu khảo sát khoa học biển xa Hướng Dương Hồng "cũ" của Trung Quốc, từng tham gia khảo sát Nam Cực.
Đông Bình