Tàu lặn Giao long TQ lần đầu tiên đến Ấn Độ Dương mò sulfur kim loại

26/11/2014 09:17
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương bằng thăm dò, khảo sát khoa học đáy biển phục vụ cho tham vọng vươn ra đại dương, khai thác tài nguyên...
Tàu Hướng Dương Hồng 09 mang theo tàu lặn Giao Long khi còn ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
Tàu Hướng Dương Hồng 09 mang theo tàu lặn Giao Long khi còn ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Trang mạng sina Trung Quốc ngày 24 tháng 11 đưa tin, tàu lặn Giao Long mang theo con người lớp 7.000 m do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, thiết kế và thử nghiệm thành công trên biển ngày 25 tháng 11 đã khởi hành từ Giang Âm, Giang Tô, Trung Quốc đến tây nam Ấn Độ Dương thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2 và 3 ứng dụng thử nghiệm 2014 - 2015, đây là lần đầu tiên tàu lặn Giao Long đến Ấn Độ Dương và hoạt động ở khu vực nước nóng (thủy nhiệt) dưới đáy biển.

Nhà khoa học đi theo tàu, nhà nghiên cứu Đào Xuân Huy thuộc Viện nghiên cứu hải dương 2, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, lần này tàu Giao Long sẽ hoạt động ở 4 khu nước nóng đáy biển của tây nam Ấn Độ Dương, trong đó 1 khu nước nóng đang hoạt động, cũng được nhà khoa học quan tâm nhất.

Ông Đào Xuân Huy cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nhiều lần đối với hoạt động nước nóng khu vực này, lần này là muốn phát huy ưu thế hoạt động xác định vị trí, chính xác của tàu lặn Giao Long, tiến hành khảo sát vi mô, thu thập được thông tin mà các thiết bị và biện pháp khảo sát trước đây không làm được". "Tàu Giao Long hoạt động ở khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng đối với đánh giá tài nguyên và môi trường của khu vực này".

Chất sulfur thủy nhiệt trong khu hoạt động nước nóng đáy biển là một loại quặng đáy biển hiện ngày càng được quốc tế quan tâm. Nguồn gốc của nó ở chỗ nước biển từ khe nứt vỏ trái đất ngấm vào trong đất, gặp dung nham làm nóng lên, sau khi đã hòa tan các kim loại trong lớp nham thạch xung quanh như vàng, bạc, đồng, kẽm và chì, lại phun ra từ trong đất.

Những kim loại này thông qua phản ứng hóa học hình thành chất sulfur tích tụ ở đáy biển lân cận, chất đống như hình ống khói, còn được gọi là "ống khói đen".

Tàu lặn Giao Long được chở bằng tàu Hướng Dương Hồng 09
Tàu lặn Giao Long được chở bằng tàu Hướng Dương Hồng 09

Năm 2011, Trung Quốc nhận được khu vực khai thác chất sulfur kim loại 10.000 km2, chuyến đi Ấn Độ Dương lần này của tàu Giao Long chính là hoạt động ở khu vực khai thác này.

Chủ nhiệm Lưu Phong, Văn phòng Hiệp hội đại dương Trung Quốc cho biết, hiện nay, Trung Quốc tổng cộng đã nhận được 3 khu vực khai thác mỏ đáy biển có quyền khảo sát riêng và quyền ưu tiên khai thác, ngoài khu khai thác chất sulfur nhiều kim loại ở tây nam Ấn Độ Dương, còn có khu khai thác kết hạch nhiều kim loại 75.000 km2 nhận được ở đông bắc Thái Bình Dương vào năm 2001 và khu khai thác giàu cô ban (cobalt) 3.000 km2 giành được ở tây bắc Thái Bình Dương vào tháng 4 năm 2014.

Lưu Phong cho biết: "Hiện nay, Trung quốc là quốc gia giành được khu khai thác đáy biển có quyền thăm dò riêng và quyền ưu tiên khai thác ở các khu đáy biển quốc tế nhiều nhất trên thế giới". "Trước đó, tàu lặn Giao Long đều đã tiến hành hoạt động lặn ở các khu khai thác kết hạch nhiều kim loại và khu khai thác vỏ trái đất giàu cobalt, đây sẽ là lần đầu tiên tàu Giao Long đến khu chất sulfur nhiều kim loại với khá nhiều khu nước nóng đáy biển để hoạt động".

Thủy thủ lặn Trung Quốc là Đường Gia Lăng trả lời phỏng vấn cho biết, khu vực nước nóng đáy biển có địa hình đáy biển đặc biệt, tàu Giao Long chưa bao giờ đi qua, môi trường sinh vật và địa hình phức tạp hơn, nhiều nhân tố không xác định hơn so với các khu kết hạch nhiều kim loại và khu vỏ trái đất giàu cobalt trước đây.

Tàu lặn Giao Long được đưa lên tàu Hướng Dương Hồng 09
Tàu lặn Giao Long được đưa lên tàu Hướng Dương Hồng 09

Theo bài báo, lần này hoạt động của tàu lặn Giao Long sẽ chú trọng hơn tới ứng dụng, mục tiêu hoạt động và điểm hoạt động rất rõ ràng, độ khó cũng lớn hơn.

Được biết, lần này, tàu lặn Giao Long còn mang theo rất nhiều dụng cụ hoạt động mới để tiến hành thử nghiệm, mở rộng chức năng của tàu lặn Giao Long, bao gồm thiết bị lấy mẫu bảo đảm áp suất thủy nhiệt, mũ nhiệt độ cao đáy biển, máy cảm biến hóa học nhiều thông số, máy lấy mẫu sinh học lớn, thiết bị quan sát lâu dài đáy biển.

Sau khi tàu Hướng Dương Hồng 09 (mang theo tàu lặn Giao Long) khởi hành từ Giang Tô, dự kiến ngày 16 tháng 12 cập cảng Mauritius để tiếp tế, ngày 21 tháng 12 từ Mauritius đến vùng biển khảo sát triển khai nhiệm vụ khảo sát giai đoạn 2, dự kiến đến ngày 21 tháng 1 năm 2015 quay trở lại Mauritius tiếp tế, ngày 24 tháng 1 năm 2015 lại đến vùng biển khảo sát thực hiện nhiệm vụ khảo sát giai đoạn 3.

Sau khi kết thúc toàn bộ nhiệm vụ khảo sát khoa học, tàu Hướng Dương Hồng 09 tiếp tục đến cảng Mauritius tiếp tế, dự kiến ngày 19 tháng 3 năm 2015 trở về Thanh Đảo.

Năm 2012, tàu lặn Giao Long đã lặn sâu 7.062 m ở rãnh biển Mariana, Thái Bình Dương, năm 2013 đưa vào ứng dụng mang tính thử nghiệm, đã thu được các vật mẫu và thành quả khoa học phong phú, phát hiện ra giống loài mới ở Biển Đông. Lần này, tàu lặn Giao Long có kế hoạch lặn 20 lần trong hoạt động khảo sát khoa học ở tây nam Ấn Độ Dương.

Tàu Hướng Dương Hồng 09 chở tàu lặn Giao Long rời cảng
Tàu Hướng Dương Hồng 09 chở tàu lặn Giao Long rời cảng
Việt Dũng