Tàu sân bay đón cao trào phát triển xuất phát từ lợi ích chiến lược

21/10/2013 08:58
Việt Dũng
(GDVN) - Các nước đang tiếp tục chạy đua tàu sân bay, các nước nhỏ có thể chế tạo, mua sắm tàu sân bay cỡ vừa và nhỏ để bảo vệ lợi ích chiến lược trên biển.
Mỹ vừa hạ thủy tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R. Ford
Mỹ vừa hạ thủy tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R. Ford

Ngày 18 tháng 10 đưa tin, ngày 11 tháng 10 giờ địa phương, Mỹ hạ thủy tàu sân bay mới nhất USS Gerald R. Ford, đã bước vào giai đoạn chế tạo mới. Ngày 12 tháng 8 trước đó, tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ hạ thủy ở Cochin.

Ngày 6 tháng 8, tàu sân bay hạng nhẹ Izumo (được Nhật Bản gọi là tàu khu trục trực thăng) hạ thủy ở Yokohama. Tàu sân bay - loại vũ khí đã ra đời hơn 100 năm này đã chào đón một cao trào phát triển mới.

Lực lượng hàng không trên biển phát triển nhanh

Hiện nay, trên thế giới có 10 nước chính thức sở hữu tàu sân bay, tổng cộng có 20 tàu sân bay hiện có, trong đó Mỹ chiếm 10 chiếc, toàn bộ là tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz; Italia sở hữu 2 tàu sân bay hạng nhẹ Garibaldi và Conte di Cavour; Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan mỗi nước hiện đều sở hữu 1 tàu sân bay.

Nhưng, hiện nay trên thế giới có tới 6 chiếc tàu sân bay đang được chạy thử và chế tạo, có kế hoạch thiết kế, chế tạo nhiều hơn, cộng với "tàu sân bay hạng nhẹ" do các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia chế tạo, hầu như tất cả các nước có thực lực đều đang dồn sức, khẩn trương xây dựng lực lượng hàng không trên biển.

Tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ hạ thủy ngày 12 tháng 8 năm 2013
Tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant của Ấn Độ hạ thủy ngày 12 tháng 8 năm 2013

Hiện nay, những nước sớm sở hữu tàu sân bay như Mỹ, Anh, Pháp đều đang thiết kế, chế tạo tàu sân bay thế hệ mới.

Tàu sân bay Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên của tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới Project CVN-21 của Mỹ. Anh cũng đang chế tạo 2 tàu sân bay thế hệ mới CVF kế thừa vinh quang xưa của Hải quân Hoàng gia: Tàu sân bay Nữ hoàng Elizabeth và Thân vương Wales.

Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học xây dựng tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles De Gaulle R91, Pháp hiện đang xem xét, cân nhắc tự thiết kế, chế tạo tàu sân bay cỡ lớn thế hệ mới PA2 hay hợp tác với Anh mua một chiếc CVF.

Hiện nay, tàu sân bay INS Vikramaditya (vốn là tàu Đô đốc Gorshkov) đang được Nga cải tạo, chạy thử cho Ấn Độ, có kế hoạch bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2013, cộng với tàu sân bay nội địa INS Vikrant, Ấn Độ hiện có 2 tàu sân bay đang chế tạo. Bản thân Nga cũng đã có kế hoạch bắt đầu thiết kế, chế tạo tàu sân bay thế hệ mới vào năm 2014.

Ngoài ra, các nước trên thế giới đang chế tạo nhiều tàu sân bay hạng nhẹ hơn, loại tàu chiến có đường băng nối thẳng, kiến trúc bên trên kiểu đảo tàu, kho chứa máy bay siêu lớn, trang bị lượng lớn máy bay trực thăng hải quân hoặc cải tạo một chút để có thể trang bị máy bay chiến đấu hải quân cất/hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn F-35B/C.

Ngày 6 tháng 8 năm 2013 Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo
Ngày 6 tháng 8 năm 2013 Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng Izumo

Loại tàu sân bay hạng nhẹ này chủ yếu có tàu vận tải lớp Osumi, tàu khu trục trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản và tàu tấn công đổ bộ lớp Dokdo Hàn Quốc. Nga đặt mua 4 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp, Australia đặt mua 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra của Italia - những tàu chiến này phần nào đều đạt trình độ tàu sân bay hạng nhẹ.

Mọi người thường chỉ quan tâm đến cụm tàu sân bay khổng lồ của quân Mỹ, nhưng không ngờ Mỹ còn đang sở hữu 13 tàu tấn công đổ bộ, trong đó 5 chiếc lớp Tarawa, 8 chiếc lớp Wasp, chúng đều có đường băng dài gần 250 m, lượng giãn nước đầy lên tới 40.000 tấn.

Điều cần đặc biệt chỉ ra là, tàu tấn công đổ bộ lớp America thế hệ mới do quân Mỹ đang chế tạo có lượng giãn nước đạt 45.000 tấn, đường băng dài 257 m, có thể mang theo 40 máy bay hải quân các loại, sức chiến đấu đã vượt rất nhiều tàu sân bay cỡ trung bình.

Lợi ích chiến lược: sự cân nhắc căn bản theo đuổi tàu sân bay của các nước

Ngày càng nhiều quốc gia gấp rút gia nhập "câu lạc bộ" tàu sân bay, tuyệt đối không phải là sự phát triển nhất thời, mà là xuất phát từ sự cân nhắc chiến lược an ninh của nước mình, hy vọng thông qua phát triển tàu sân bay để giành lấy lợi ích chiến lược lớn hơn.

Tàu sân bay Chakri Naruebet của Hải quân Thái Lan
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Hải quân Thái Lan

Một là giành được hoặc nắm lấy quyền chủ đạo trên biển. Ấn Độ nổi bật nhất ở điểm này. Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, Ấn Độ đã mua 1 tàu sân bay cỡ nhỏ từ Anh, đồng thời đặt tên là INS Viraat (vốn là tàu HMS Hermes). Trong chiến tranh Ấn Độ-Pakistan lần thứ ba vào năm 1971, con tàu này đã phát huy vai trò then chốt, đã tiến hành nhiệm vụ phong tỏa trên biển thành công đối với Pakistan.

Đến nay, Ấn Độ đã trở thành nước lớn trên biển số một ở khu vực Ấn Độ Dương, biến Ấn Độ Dương thành "biển của Ấn Độ", cuối cùng trở thành "bá chủ biển khu vực" là mục tiêu cuối cùng của Ấn Độ.

Hai là bảo vệ quyền lợi biển ngày càng mở rộng. Sau khi "Công ước Liên hợp quốc về Luật biển" được thông qua, các nước duyên hải ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của biển, lợi ích trên biển của các nước lớn khu vực mở rộng nhanh chóng. Biên đội tàu sân bay là lực lượng duy nhất có thể tiến hành tuần tra lâu dài ở vùng biển cự ly trung bình và biển xa trong thời bình và thời chiến, hoàn thành các nhiệm vụ phức tạp, có ưu thế trong bảo vệ lợi ích biển quốc gia.

Ba là dẫn dắt sự phát triển toàn diện của trang bị hải quân. Phát triển tàu sân bay hầu như sẽ "thúc đẩy liên hoàn", chắc chắn sẽ tác động đến sự phát triển và nâng cấp toàn diện về trang bị tổng thể, thể chế biên chế, chỉ huy tác chiến, xây dựng chiến trường, tiếp tế hậu cần của hải quân.

Không chỉ có vậy, chế tạo tàu sân bay có tác dụng thúc đẩy to lớn tới việc sản xuất, chế tạo, thiết kế của các ngành công nghiệp quan trọng như tàu thuyền, điện tử, vũ khí, động lực, hàng không, vũ trụ của tất cả các nước.

Anh đang chế tạo tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth
Anh đang chế tạo tàu sân bay HMS Nữ hoàng Elizabeth

Nhưng, rất nhiều quốc gia đẩy nhanh phát triển tàu sân bay cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực. Một mặt, có thể làm trầm trọng mâu thuẫn và xung đột lợi ích biển sẵn có. Hiện nay, việc mở rộng và va chạm, xung đột lợi ích biển giữa các nước trên thế giới, đặc biệt là cá nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương trầm trọng hơn, trước đây giải quyết tranh chấp phần lớn sử dụng tàu chiến cỡ vừa và nhỏ để tiến hành tuần tra chấp pháp.

Nếu xuất hiện tàu sân bay trong tranh chấp biển, sẽ gây tác động tâm lý to lớn đối với các nước có liên quan. Biên đội tàu sân bay có quy mô to lớn, nếu bất ngờ xảy ra tình huống "cướp cò", khả năng diễn biến đối đầu trở thành xung đột vũ trang hoặc chiến tranh cục bộ tăng lên rõ rệt.

Mặt khác, có thể gây ra chạy đua vũ trang giữa các nước. Ngoài Anh, Pháp, các nước đang chế tạo tàu sân bay và "tàu sân bay hạng nhẹ" đều là các nước châu Á-Thái Bình Dương. Biên chế tàu sân bay sẽ tăng cường rất lớn năng lực tác chiến biển xa cho các nước, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân bằng sức mạnh vốn có của khu vực.

Để bảo vệ an ninh tự thân, bảo vệ lợi ích quốc gia, các nước cũng sẽ gia tăng đầu tư xây dựng hải quân, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang hải quân mới, điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng sâu xa đối với an ninh khu vực.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp

Tranh chấp nhiều, ưu thế tàu sân bay vẫn không thể thay thế

Hiện nay là thời đại thông tin và lĩnh vực quân sự đa sắc màu, tàu sân bay đã gây ra tranh cãi kịch liệt trong một loạt vấn đề như: giá trị chiến lược, xu thế phát triển, có thể thích ứng với sự thay đổi của điều kiện chiến trường thông tin hóa, bị các vũ khí khác thay thế hay không...

Không ít người cho rằng, tàu sân bay vẫn là một loại trang bị tác chiến của thời đại cơ khí hóa, sẽ hoàn toàn lỗi thời trong chiến tranh thông tin hóa hiện nay và trong tương lai, chỉ có thể bị động đối phó với sự tấn công của đối phương, là "quan tài sống" trên biển; có người thậm chí cho rằng, tàu sân bay chắc chắn sẽ bị tàu ngầm hạt nhân, hệ thống vũ khí tấn công chính xác tầm xa hoặc hệ thống vũ khí trong vũ trụ thay thế.

Tiêu điểm thứ nhất là tranh cãi về giá trị của tàu sân bay. Từ lâu, tàu sân bay được coi là "cỗ máy đốt tiền", chỉ có thể là "con thú" của các nước giàu có và nước lớn. Tàu sân bay động cơ hạt nhân Reagan lớp Nimitz của Mỹ có chi phí chế tạo (trước đây) khoảng 4,5 tỷ USD, còn chi phí chế tạo của tàu sân bay Gerald R. Ford cao tới 6,4 tỷ USD, cộng với các loại chi phí như bảo trì, bảo dưỡng, sử dụng (cao gấp mấy lần chi phí chế tạo) trong quá trình hoạt động của tàu sân bay - là những chi phí mà không phải nước nào cũng có thể gánh được.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo của Hải quân Hàn Quốc
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo của Hải quân Hàn Quốc

Nhưng, so với các tàu chiến khác, chi phí chế tạo và chi phí chi viện, sử dụng của tàu sân bay hoàn toàn không phải là cao nhất.

Quân đội Mỹ thống kế, tính theo so giá chi phí mua sắm mỗi tấn, chi phí mua tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles là 650 triệu USD, tính theo lượng giãn nước 6.900 tấn, so giá là 94.200 USD/tấn; chi phí mua sắm tàu tuần dương lớp Ticonderoga là 925 triệu USD, tính theo lượng giãn nước 9.600 tấn, so giá là 96.400 USD/tấn; chi phí mua sắm tàu sân bay lớp Nimitz là 8,3 tỷ USD, tính theo lượng giãn nước 100.000 tấn, so giá là 83.000 USD/tấn. So sánh ba loại tàu chiến trên, ưu thế của tàu sân bay rất nổi bật.

Tiêu điểm thứ hai là tranh cãi về phương hướng phát triển tàu sân bay. Trong tiến trình phát triển trăm năm của tàu sân bay, xoay quanh một số công nghệ lõi và tư duy chế tạo, luôn tồn tại sự tranh cãi một số vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là, tàu sân bay cỡ lớn hay cỡ nhỏ có ưu thế hơn. Thực ra, đây là vấn đề lựa chọn chiến lược của một quốc gia, nó tùy thuộc vào chiến lược quân sự và chiến lược biển của một nước, đồng thời còn tùy thuộc vào thực lực tổng thể mạnh yếu, đầu tư chi tiêu quân sự ít nhiều của một nước, hơn nữa nó còn bị ảnh hưởng bởi mức độ yêu thích và nhận thức của một nước đối với tàu sân bay.

Theo thống kê của Mỹ, càng là tàu sân bay cỡ lớn, tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí (cost-effectiveness) càng cao. Tàu sân bay cỡ lớn vẫn là sự yêu thích của hải quân các cường quốc và các nước lớn; còn tàu sân bay cỡ nhỏ và vừa vẫn là sự lựa chọn tất yếu của các nước vừa và nhỏ.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Canberra đầu tiên của Australia.
Tàu tấn công đổ bộ lớp Canberra đầu tiên của Australia.

Một vấn đề khác là động cơ tàu sân bay. Động cơ hạt nhân hay động cơ thông thường. Nhìn vào tình hình tàu sân bay của các nước hiện nay, loại động cơ tùy thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng như: nhu cầu chiến lược của hải quân các nước, tàu sân bay lớn hay nhỏ, có thể đầu tư chi phí bao nhiêu, năng lực chế tạo động cơ tàu chiến của một nước, trình độ khoa học công nghệ cao thấp của một quốc gia.

Nói một cách tổng thể, quân Mỹ là đội quân “lắm tiền nhiều của”, tỷ lệ giữa hiệu quả và chi phí của việc lựa chọn động cơ hạt nhân càng cao, năng lực khoa học công nghệ của họ cũng đủ để hỗ trợ. Về động cơ hạt nhân, các nước khác đều thiếu sự nâng đỡ công nghệ đầy đủ, sau khi Pháp trải qua những khó khăn trong vấn đề động cơ hạt nhân của tàu sân bay Charles de Gaulle R91, tàu sân bay tiếp theo bất kể là PA2 hay CVF đều sẽ lựa chọn lại động cơ thông thường.

Cần phải thừa nhận, từ khi bước vào thế kỷ 21, tàu sân bay đã gặp phải thách thức từ các loại vũ khí trang bị mới, cũng có không ít người cho rằng nó đã lỗi thời, không thể thích ứng với nhu cầu của chiến tranh tương lai. Nhưng, hiện nay vẫn có rất nhiều nước đổ xô gia nhập đội ngũ các nước thiết kế và chế tạo tàu sân bay, tàu sân bay hạng nhẹ, nguyên nhân căn bản ở chỗ, trong tình hình chiến lược quốc tế và điều kiện phát triển quân bị hiện nay, tàu sân bay vẫn là trang bị có năng lực tác chiến trên biển mạnh nhất, tỷ lệ giữa hiệu suất và giá cao nhất, không thể thay thế, càng khó vượt qua.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Cụm tàu sân bay USS Gerge Washington của Hải quân Mỹ triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương
Cụm tàu sân bay USS Gerge Washington của Hải quân Mỹ triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương
Tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa LHA5 của Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa LHA5 của Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ
Nga sắp bàn giao tàu sân bay động cơ thông thường INS Vikramaditya cho Ấn Độ.
Nga sắp bàn giao tàu sân bay động cơ thông thường INS Vikramaditya cho Ấn Độ.
Tàu sân bay động cơ thông thường Kuznetsov Nga
Tàu sân bay động cơ thông thường Kuznetsov Nga
Việt Dũng