Tàu sân bay mang theo tham vọng toàn cầu của Trung Quốc

29/12/2015 11:20
Đông Bình
(GDVN) - "Chủ nghĩa dân tộc", lợi ích quốc gia và tham vọng "nước lớn toàn cầu" đang thúc đẩy Trung Quốc chế tạo tàu sân bay, "giành lại vị thế trong lịch sử".

Hãng tin Reuters Anh dẫn báo Giải phóng quân Trung Quốc ngày 25/12 cho biết, Trung Quốc hy vọng xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa để bảo vệ cái gọi là lợi ích ngày càng mở rộng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh
Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh

Hiện nay, Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trong việc thúc đẩy yêu sách lãnh thổ (vô lý, phi pháp và bành trướng) ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Sắp triển khai liên đội máy bay chiến đấu trên tàu sân bay

Từ đầu năm đến nay, số lượng triển khai máy bay hải quân trên tàu sân bay, lượt bay trong ngày, hiệu suất cất hạ cánh đều tiếp tục tăng lên, nhiều tốp máy bay chiến đấu hải quân J-15 đã cất hạ cánh thành công trên tàu và được chứng nhận.

Điều này đánh dấu công nghệ cất hạ cánh trên tàu sân bay đã có được “đột phá mang tính then chốt” cả trong nghiên cứu và ứng dụng thực tế.

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi vừa lên tàu sân bay Liêu Ninh gặp gỡ các binh sĩ, chỉ thị cho các sĩ quan chỉ huy lực lượng đường không trên tàu về việc thúc đẩy nhanh chóng xây dựng năng lực tác chiến của tàu sân bay.

Tờ Người quan sát ngày 27/12 cũng xác nhận, vào ngày 24/12, tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành huấn luyện phối hợp giữa tàu và máy bay ở biển Bột Hải, tốp máy bay chiến đấu J-15 mới đã hoàn thành huấn luyện nhiều khoa mục như hạ cánh rồi bay lên, hạ cánh bằng cáp hãm đà…

Báo Nhân Dân Trung Quốc ngày 25/12 dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho rằng, đây đều là những động tác cơ bản để huấn luyện phi công mới của tàu sân bay.

Doãn Trác nhận xét, số lượng phi công tàu sân bay của Trung Quốc còn lâu mới đủ. Cùng với việc sản xuất hàng loạt máy bay J-15, số lượng máy bay sẽ từng bước tăng lên, nhưng tốc độ huấn luyện phi công kém xa tốc độ chế tạo máy bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc và tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ có rất nhiều sự khác biệt quan trọng. Tàu Liêu Ninh không phải là tàu sân bay động cơ hạt nhân, máy bay không thể bay tầm xa, không thể mang theo trọng tải lớn, bởi vì nó không có máy phóng.

Trong khi đó, tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ có lượng giãn nước đầy 100.000 tấn, có thể triển khai hơn 60 máy bay chiến đấu. Hơn nữa, do nó là tàu sân bay động cơ hạt nhân, có thể tiến hành tuần tra tầm xa.

Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh
Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện cất hạ cánh máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh

Trung Quốc đang chế tạo 2 ít nhất tàu sân bay

Nhà nghiên cứu Seth Cropsey thuộc Trung tâm nghiên cứu sức mạnh biển Mỹ của Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở ở Washington cho rằng, mặc dù tàu sân bay Trung Quốc hiện nay không thể sánh ngang với tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ, nhưng không có lý do gì nghi ngờ Trung Quốc có thể chế tạo “siêu tàu sân bay” trong tương lai gần.

Theo Doãn Trác, đến nay khả năng chế tạo tàu sân bay của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt, từ khôi phục một chiếc tàu sân bay cũ đến việc hoàn toàn có khả năng tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tàu sân bay cỡ lớn cho thấy, Trung Quốc không chỉ có khả năng chế tạo tàu sân bay cất cánh kiểu nhảy cầu, mà còn có thể chế tạo tàu sân bay cất cánh kiểu máy phóng.

Các loại máy bay của liên đội máy bay tương lai như máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng, máy bay chiến đấu tấn công hai chỗ ngồi, máy bay săn ngầm hải quân, máy bay tuần tra cũng đang được nghiên cứu chế tạo.

Theo hãng tin Reuters Anh, báo chí và một số chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, trước năm 2020, Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay tự chế tạo, sử dụng thành công tàu sân bay Liêu Ninh lượng giãn nước vài chục nghìn tấn sẽ là bước đi dầu tiên để đạt mục tiêu trên.

Năm 1998, Trung Quốc mua một chiếc tàu sân bay chưa hoàn thành chế tạo của Ukraine, sau nhiều năm cải tạo, đến năm 2012, Trung Quốc đặt lại tên cho chiếc tàu này là Liêu Ninh.

Tháng 9/2015, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng, Trung Quốc đang chế tạo 2 tàu sân bay có kích cỡ tương đương tàu sân bay Liêu Ninh.

Còn tờ nguyệt san Quốc phòng Mỹ cũng dẫn các nguồn tin cho rằng, Trung Quốc ít nhất đang chế tạo 2 tàu sân bay, thậm chí có thể còn 1 chiếc khác. Những tàu sân bay này sẽ là một phần trong quy hoạch tổng thể biến Trung Quốc từ “cường quốc lục địa” thành “cường quốc biển”.

Mặc dù báo chí nhà nước Trung Quốc ám chỉ rằng, Trung Quốc đang chế tạo tàu mới, nhưng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là bí mật quốc gia. Đầu năm nay, một báo cáo của Lầu Năm Góc Mỹ cho rằng, Trung Quốc có thể chế tạo nhiều tàu sân bay trong 15 năm tới.

Cựu Tư lệnh Hải quân Ấn Độ Arun Prakash cho rằng, khác với Ấn Độ, Trung Quốc tự hoàn thiện tàu sân bay chế tạo còn dang dở, đó là một quá trình “học tập”, trong 10 – 15 năm nữa thì họ có thể có thành tựu. Tàu sân bay tiếp theo có thể là tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc

Tham vọng toàn cầu

The National Interest Mỹ ngày 19/12 bình luận, một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc chính là “chủ nghĩa dân tộc”. Kế hoạch chế tạo tàu sân bay của họ có “nền tảng lòng dân” rất mạnh.

Trung Quốc muốn trở thành “nước lớn thế giới”, không có tàu sân bay là điều “không thể tưởng tượng”, chế tạo tàu sân bay là một “tất yếu lịch sử”.

Lịch sử Trung Quốc cận đại cũng là một nhân tố. Sở hữu tàu sân bay là hình ảnh thu nhỏ của bá quyền trên biển Mỹ, trong khi đó, thiếu tàu sân bay là điểm yếu lâu dài của Hải quân Trung Quốc.

Sự kiện Mỹ điều 2 tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương vào năm 1996 để đối phó với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan đã gây chấn động, điều này khiến Trung Quốc nhớ lại tình cảnh của họ vào thế kỷ 19.

Đối với người Trung Quốc, vị thế thống trị của tàu sân bay Mỹ làm nổi bật thế yếu của họ khi đối mặt với Hải quân Mỹ.

Chế tạo tàu sân bay có liên quan đến logic chiến lược tổng thể hoặc chiến lược biển của Trung Quốc. Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược lớn. Căn cứ vào chiến lược này, Hải quân Trung Quốc sẽ từng bước vươn ra Thái Bình Dương, mở rộng quyền kiểm soát biển của Trung Quốc theo từng giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là năm 2000 mở rộng phạm vi hoạt động biển gần ra chuỗi đảo thứ nhất. Giai đoạn thứ hai là năm 2020 mở rộng phạm vi hoạt động tới chuỗi đảo thứ hai. Giai đoạn thứ ba là năm 2050 Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc biển mang tính toàn cầu.

Trên thực tế, đến nay, hoạt động và năng lực điều động quân sự của Hải quân Trung Quốc thống nhất với thời gian biểu này.

Mặc dù chủ nghĩa dân tộc và sự thúc đẩy của hải quân là những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy Trung Quốc chế tạo tàu sân bay, nhưng nhân tố mang tính quyết định cuối cùng là logic chiến lược và cân nhắc tác chiến của Trung Quốc.

Kế hoạch phát triển của Quân đội Trung Quốc trong đó có hải quân không chỉ giới hạn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan.

Theo cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ James Fallon, đối với một quốc gia khát vọng đoạt lại vị thế của họ trong trật tự thế giới, tiến quân ra vùng biển cách xa lãnh thổ là điều rất tự nhiên.

Trong đối thoại giữa ông với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng cho rằng, Trung Quốc từng là một “nước lớn toàn cầu”, sự suy yếu trong 2 thế kỷ qua chỉ là một “chớp mắt” trong lịch sử 5.000 năm của họ. “Họ cho rằng, họ đang giành lại vị thế cần có” – James Fallon nói.

Ngoài ra, Trung Quốc tích cực mở rộng lợi ích trên toàn thế giới. James Fallon cho rằng: “Động lực kinh tế của Trung Quốc cần có nhiên liệu. Tài nguyên thiên nhiên của họ chủ yếu không phải đến từ trong nước”. 

Đông Bình