Tàu sân bay nội địa Trung Quốc bước vào thời điểm đếm ngược?

06/10/2014 09:55
Đông Bình
(GDVN) - Theo bài báo, năm 2015, Trung Quốc sẽ có liên đội hàng không tàu sân bay, bản vẽ thiết kế tàu sân bay nội địa đã hoàn thành và sẽ bước vào giai đoạn chế tạo.
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc bảo trì tại nhà máy đóng tàu do vệ tinh Mỹ chụp được (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hình ảnh tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc bảo trì tại nhà máy đóng tàu do vệ tinh Mỹ chụp được (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 4 tháng 10 dẫn các nguồn tin cho biết, ngày 25 tháng 9 hai năm trước, tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã đi vào hoạt động, do đó Hải quân Trung Quốc đã bước vào thời đại tàu sân bay.

Đến nay, tàu Liêu Ninh đã kết thúc sửa chữa trung hạn tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, điều này được người Trung Quốc rất quan tâm.

Bài báo cho rằng, theo truyền thông quốc tế, tàu sân bay Liêu Ninh có thể sẽ bố trí liên đội hàng không vào năm 2015 hoặc sau đó, còn chương trình tàu sân bay nội địa của Trung Quốc đang được đẩy nhanh, có khả năng sẽ triển khai trong tương lai không xa.

Hoàn thành một loạt thử nghiệm

Tại cuộc họp báo thường lệ của Bộ Quốc phòng ngày 25 tháng 9, khi phỏng viên hỏi về khả năng có thời gian biểu để tàu sân bay Liêu Ninh thực sự hình thành sức chiến đấu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, hơn 2 năm qua, tàu sân bay Liêu Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện quân sự và thử nghiệm nghiên cứu khoa học với nhiều nội dung, trong tương lai sẽ tiếp tục triển khai công việc liên quan.

Khi tàu sân bay Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động ngày 25 tháng 9 năm 2012, Hải quân Trung Quốc xác định nó là tàu dùng để "thử nghiệm nghiên cứu khoa học". Trong 2 năm qua, tàu Liêu Ninh đã "trung thành" thực hiện nhiệm vụ của nó, đã hoàn thành lần lượt các đột phá trong lịch sử Hải quân Trung Quốc trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học và huấn luyện.

Tàu sân bay Liêu Ninh ở quân cảng Thanh Đảo (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay Liêu Ninh ở quân cảng Thanh Đảo (ảnh tư liệu)

Sau khi bàn giao 2 tháng, máy bay chiến đấu đã lần đầu tiên bay trên tàu. Ngày 26 tháng 2 năm 2013, tàu Liêu Ninh cập cảng chính Thanh Đảo. Tháng 5, lực lượng hàng không trên tàu đầu tiên của Hải quân Trung Quốc thành lập.

Tháng tiếp theo, máy bay trên tàu lần đầu tiên bay chạm tàu và cất cánh kiểu nhảy cầu. Tháng 9, máy bay J-15 hoàn thành cất hạ cánh trên tàu với trọng lượng tối đa và trọng lượng cất cánh khác nhau.

Ngoài ra, J-15 đã mang theo 2 quả tên lửa chống hạm Ưng Kích-83K và 2 quả tên lửa không đối không Tịch Lịch-8 chạm tàu thành công, thực hiện cất hạ cánh nhiều cấu hình vũ khí, hoàn thành nhiệm vụ liên tục cất hạ cánh nhiều loại, nhiều chiếc máy bay trong thời gian ngắn và điều kiện khí tượng phức tạp…

Sau khi thực hiện bay thử nhiều máy bay hải quân ở biển Bột Hải, tàu Liêu Ninh còn thực hiện chuyến đi xa xuống Biển Đông. Ngày 26 tháng 11 năm 2013, tàu Liêu Ninh khởi hành từ Thanh Đảo, ngày 29 tháng 11 cập quân cảng ở Tam Á, ngày 5 tháng 12 ra Biển Đông triển khai thử nghiệm và huấn luyện cho đến cuối tháng.

So với trước, chuyến đi Biển Đông là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh đến vùng biển khác, tiến hành thử nghiệm cự ly xa, thời gian dài, cường độ cao, hoàn thành hơn 100 bài tập huấn luyện và thử nghiệm, các chỉ tiêu về tính năng chạy trên biển, hệ thống động lực, hệ thống tác chiến đã được tiếp tục thử nghiệm.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Trong thời gian đó, Hải quân Trung Quốc đã sử dụng nhiều loại tàu và máy bay phối hợp thử nghiệm tàu sân bay, tiến hành huấn luyện sát chiến đấu thực tế, tập trung vào quy trình "thử nghiệm-huấn luyện-tác chiến", có những tìm tòi có ích cho hình thành sức chiến đấu tàu sân bay.

Đầu tháng 1 năm 2014, sau khi hoàn thành huấn luyện và thử nghiệm nghiên cứu khoa học ở Biển Đông trong thời gian 37 ngày, tàu Liêu Ninh quay lại Thanh Đảo. Ngày 17 tháng 4, tàu Liêu Ninh quay lại cảng Đại Liên, bắt đầu tiến hành bảo dưỡng, bảo trì trung hạn khoảng nửa năm.

Điểm cong phát triển của Hải quân Trung Quốc

Tàu Liêu Ninh là khởi điểm của tàu sân bay Trung Quốc, cũng là điểm cong phát triển của Hải quân Trung Quốc, các bước vươn ra biển xa của Hải quân Trung Quốc được đẩy nhanh rõ rệt.

Trong thời điểm tàu Liêu Ninh đi vào hoạt động tròn 2 năm, mạng bình luận Âu-Á của Tây Ban Nha đã có bài viết của giáo sư June Teufel Dreyer, chuyên gia về vấn đề chính trị và quân sự Trung Quốc, Đại học Miami Mỹ, cho rằng, những năm gần đây, các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã đạt được một loạt thành tựu, bao gồm biên chế tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh, bay thử 2 loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo, thử nghiệm vũ khí siêu tốc mới.

Máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng, năm 2015, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nâng cao sức chiến đấu của Quân đội Trung Quốc, dự kiến trang bị một liên đội hàng không cho tàu sân bay Liêu Ninh.

Trung Quốc sẽ trang bị bao nhiêu và những máy bay hải quân nào cho tàu Liêu Ninh? Từ khi tàu Liêu Ninh xuất hiện đến nay, điều này đã có nhiều phỏng đoán. Mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga vừa đưa ra bình luận mang tính tổng kết cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh có thể mang theo 36 máy bay hải quân gồm 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-18J, 6 máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F, 2 máy bay trực thăng tìm kiếm cứu nạn Z-9C và 24 máy bay tiêm kích J-15.

Tàu sân bay Liêu Ninh có thể thực hiện một loạt nhiệm vụ, ứng phó với các loại tình hình và thách thức trên không và trên biển. Trang bị toàn bộ 36 máy bay hải quân cho thấy, thời đại lực lượng hàng không trên tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã mở ra.

Bài báo đã phân tích chi tiết khả năng tác chiến săn ngầm của tàu sân bay Liêu Ninh. Máy bay trực thăng Z-18F trang bị radar tìm kiếm xung quanh, thiết bị định vị thủy âm kéo và 32 phao định vị thủy âm, vũ khí trang bị chủ yếu gồm 4 quả ngư lôi săn ngầm 7K và 4 tên lửa chống hạm Ưng Kích-91.

Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh (ảnh tư liệu)

Trang mạng "Strategy Page" Mỹ gần đây đã phân tích thực lực của tàu Liêu Ninh từ góc độ biên đội.

Theo bài báo, hạm đội hỗn hợp tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hình thành vào cuối năm 2013 (chuyến đi Biển Đông của tàu Liêu Ninh). Điểm này rất quan trọng, bởi vì bất cứ tàu sân bay nào cũng đều cần hạm đội hộ tống.

Hạm đội hộ tống của tàu Liêu Ninh gồm 2 tàu khu trục Type 051C, 2 tàu hộ tống Type 054A và 1 tàu tiếp tế.

Tàu sân bay nội địa đi vào thời điểm đếm ngược?

Theo bài báo, tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động chỉ mới 2 năm, nó đã hoàn thành lịch trình phải đi qua vài năm của các nước phương Tây. Nhưng, so với các nước lớn tàu sân bay đã có lịch sử tàu sân bay trăm năm, Trung Quốc rõ ràng còn đang ở giai đoạn cất bước.

Tàu sân bay Trung Quốc sẽ phát triển theo hướng nào? Đã có nhiều phương tiện truyền thông phỏng đoán về xu hướng phát triển tàu sân bay nội địa của Trung Quốc, phán đoán tàu sân bay nội địa đã đi vào thời gian đếm ngược.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert cũng cho rằng, tàu sân bay do Trung Quốc tự chế sẽ triển khai trong tương lai không xa.

Báo Canada cho rằng, bản vẽ thiết kế tổng thể của tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đã đến gần giai đoạn kết thúc, hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan giải thích rằng, bản vẽ thiết kế đã hoàn thành, đang ở trong giai đoạn không còn tiến hành sửa quan trọng về công nghệ nữa.

Tiếp theo, bản vẽ này sẽ được đưa tới nhà máy, nghĩa là thời gian biểu chế tạo tàu sân bay bước vào lúc đếm ngược.

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2012 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2012 Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Mạng tin tức Canada dự đoán, mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa. Đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu 3 tàu sân bay (tàu Liêu Ninh, 2 tàu nội địa) và hơn 120 tàu chiến mặt nước khác cùng với tàu ngầm.

Nhà nghiên cứu lâu năm Fisher, Trung tâm đánh giá quốc tế và chiến lược ở Washington cho rằng, đến năm 2030 Trung Quốc sẽ sở hữu 4 – 5 tàu sân bay đưa vào hoạt động, sau đó sẽ còn tiếp tục chế tạo.

Về thiết kế tàu sân bay nội địa của Trung Quốc, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert suy đoán “tàu sân bay mới tương tự tàu Liêu Ninh, áp dụng cất cánh kiểu nhảy cầu, trọng tải tương tự, khoảng 67.000 – 70.000 tấn”.

Tờ “Thời báo Eo biển” Singapore cho rằng, tàu sân bay mới Hải quân Trung Quốc sẽ chế tạo “dài 320 m, lượng giãn nước thiết kế 85.000 tấn.

Tàu Liêu Ninh dài 300 m, lượng giãn nước 67.000 tấn”. Tờ “Kanwa Defense Review” Canada đã tiến hành phân tích đối với động lực của tàu sân bay mới, cho rằng, tàu sân bay nội địa tương lai của Trung Quốc rất có thể sử dụng động cơ hạt nhân.

Về máy bay tàu sân bay, tờ “Thời báo Eo biển” ám chỉ, tàu sân bay nội địa sẽ có thể bố trí một liên đội hàng không hỗn hợp với 50 máy bay chiến đấu J-15B và các máy bay khác. Cũng có phân tích cho rằng, tàu sân bay nội địa Trung Quốc có thể có khả năng tấn công tàng hình: Sẽ mang theo khoảng 25 máy bay chiến đấu tàng hình J-20.

Tàu khu trục tên lửa Type 052D có thể tham gia biên đội tàu sân bay Trung Quốc tương lai (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục tên lửa Type 052D có thể tham gia biên đội tàu sân bay Trung Quốc tương lai (ảnh tư liệu)
Đông Bình