Tàu sân bay vẫn là công cụ tốt nhất để điều động lực lượng tầm xa

16/04/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Mặc dù có quan điểm ở Mỹ quan ngại, nhưng Mỹ-Nga-Trung đều đang tiếp tục tập trung phát triển tàu sân bay phản ánh tầm quan trọng của tàu sân bay.
Cụm chiến đấu tàu ân bay là bộ phận cốt lõi của tác chiến hợp nhất trên biển-trên không do quân Mỹ đưa ra.
Cụm chiến đấu tàu ân bay là bộ phận cốt lõi của tác chiến hợp nhất trên biển-trên không do quân Mỹ đưa ra.

Trang mạng đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” ngày 9/4 cho biết, chuyên gia Mỹ bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả chiến lược khi Lầu Năm Góc duy trì 11 cụm chiến đấu tàu sân bay, nhưng chuyên gia Nga cho rằng, bản thân sự thực Mỹ-Trung-Nga cạnh tranh phát triển tàu sân bay đã chứng minh tầm quan trọng của nó, dù sao thì cho đến nay vẫn chưa xuất hiện một công cụ điều động lực lượng thông thường tốt hơn tàu sân bay.

Trong thực tiễn, học thuyết quân sự Mỹ thường lấy sử dụng cụm chiến đấu tấn công tàu sân bay làm nền tảng, bản thân tàu sân bay phát huy vai trò quan trọng. Là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới hiện nay, Mỹ hiện có 11 tàu sân bay động cơ hạt nhân hạng nặng, tuy tàu sân bay USS Enterprise đã nghỉ hưu cách đây không lâu, nhưng nhà máy đóng tàu Virginia đã chuẩn bị tốt trang bị thay thế, chiếc đầu tiên trong số 3 tàu sân bay lớp Ford mới nhất sắp đi vào hoạt động.

Hiện nay, kinh nghiệm sử dụng rộng rãi tàu sân bay của Mỹ đã vượt xa Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, hơn nữa mấy chục năm gần đây họ luôn ra sức phát triển tàu sân bay. Nhưng, năm 2010 một số nhà chiến lược và phân tích quân sự Mỹ bắt đầu bày tỏ nghi ngờ về việc phải chăng cần thiết sở hữu nhiều tàu sân bay như vậy.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates cũng công khai cho biết, chi phí chế tạo và sử dụng tàu sân bay khổng lồ về cơ bản giống như “lia đá trên mặt nước”, bởi vì “sát thủ tàu sân bay” - tàu ngầm Type 670 Nga tuy đã cũ kỹ, nhưng vẫn có thể dễ dàng bắn trúng tàu sân bay quân Mỹ.

Hơn nữa, ngoài tàu ngầm nguy hiểm của Nga, tàu sân bay Mỹ còn đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa chống hạm Oniks của Nga và DF-21D của Trung Quốc.

Mỹ đang phát triển tàu sân bay hạt nhân mới lớp Ford
Mỹ đang phát triển tàu sân bay hạt nhân mới lớp Ford

Cách đây không lâu, Trung tâm nghiên cứu “An ninh Mỹ mới” đã công bố báo cáo của chuyên gia hải quân Hendricks, cho rằng chiến lược quân sự sử dụng toàn diện tàu sân bay làm nền tảng của Mỹ sẽ không thể tránh khỏi “đẻ non”. Quan điểm này tuy chỉ đại diện cho quan điểm chủ quan cá nhân, song đã được sự ủng hộ của một số đại diện của Lầu Năm Góc.

Nhưng, chuyên gia Nga không hề đồng ý hoàn toàn với sự lo ngại của đồng nghiệp Mỹ. Chuyên gia quân sự nổi tiếng Nga, phó tổng biên tập tờ “Tạp chí mỗi ngày”Goltz cho biết, mặc dù vai trò của tàu sân bay đúng là đang yếu đi, nhưng nó vẫn là công cụ tốt nhất để điều động binh lực. Tàu sân bay Mỹ đã phát huy vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến tranh Afghanistan và Iraq.

Khi phát động chiến tranh Afghanistan, quân Mỹ không có cơ hội sử dụng căn cứ mặt đất, trang bị hàng không tham gia chiến dịch quân sự này hầu như toàn bộ đến từ lực lượng hàng không của Hải quân. Trong chiến tranh Iraq và Nam Tư, tàu sân bay cũng đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Tóm lại, trong tất cả các cuộc xung đột quân sự hiện đại, tàu sân bay đều đóng vai trò quan trọng. Xuất phát từ vị trí địa lý của Mỹ, vị thế của Mỹ trong nền chính trị quốc tế và mức độ phụ thuộc của họ đối với cung ứng hàng hóa nước ngoài, chiến lược quân sự hiện đại của Mỹ mà không có sự hỗ trợ của tàu sân bay thì sẽ không thể tưởng tượng được.

Tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ trên biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS George Washington Hải quân Mỹ trên biển Đông (ảnh tư liệu)

Đương nhiên, những lời bàn có liên quan tới khả năng thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ cũng có căn cứ một phần. Duy trì số lượng 11 tàu sân bay thực sự hơi quá nhiều, dù sao ngoài bản thân tàu sân bay, mỗi cụm chiến đấu tàu sân bay đều cần phải trang bị tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến hộ tống mặt nước có số lượng nhất định.

Không loại trừ trong điều kiện ngân sách Lầu Năm Góc bị suy giảm, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hagel có thể sẽ đồng ý cắt giảm một cụm chiến đấu tàu sân bay. Nhưng, Mỹ chưa chắc sẽ tiếp tục hạn chế sức mạnh của tàu sân bay, dù sao tàu sân bay phần nào cũng có thể nói là “xe cứu hộ” đặc biệt của chính sách ngoại giao Mỹ, chẳng hạn muốn tăng cường sức mạnh của quân Mỹ ở bán đảo Triều Tiên ngoài định mức, chắc chắn phải dựa vào tàu sân bay.

Theo Frolov, chủ biên tờ tạp chí “Xuất khẩu vũ khí” Nga, tàu sân bay đóng vai trò quan trọng trong thể chế biên chế quân Mỹ, tàu sân bay là vũ khí tấn công thông dụng, cụm chiến đấu tàu sân bay có thể làm cho Mỹ rất linh hoạt khi ứng phó với bất cứ mối đe dọa nào đối với lợi ích của họ ở các nơi trên thế giới.

Trong nội bộ Mỹ sở dĩ có người bày tỏ nghi ngờ về giá trị chiến lược của tàu sân bay, chủ yếu là do: Thứ nhất, tàu sân bay dù sao cũng là hàng xa xỉ tương đối đắt đỏ, hơn nữa Mỹ còn đang chế tạo tàu sân bay thế hệ mới đắt hơn. Trong tình hình cắt giảm ngân sách quân sự hiện nay, cuộc chiến tranh giành vốn giữa các quân chủng trong nội bộ Lầu Năm Góc có thể sẽ càng gay gắt hơn.

Máy bay chiến đấu không người lái X-47B Mỹ sẽ trang bị cho tàu sân bay trong tương lai
Máy bay chiến đấu không người lái X-47B Mỹ sẽ trang bị cho tàu sân bay trong tương lai

Thứ hai, cùng với sự phát triển khả năng tấn công của đối thủ tiềm tàng của Mỹ, tàu sân bay thực sự dễ bị tấn công chí tử hơn. Thứ ba, rất nhiều nhiệm vụ giải quyết hiện nay của tàu sân bay đều có thể sử dụng phương thức kinh tế hơn để giải quyết, chẳng hạn tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV), từ đó không còn cần tàu chiến hộ tống và quá nhiều nhân viên nữa.

Hải quân Mỹ sẽ kiên trì yêu cầu duy trì 11 tàu sân bay cho dù bắt đầu cắt giảm, cũng sẽ không quá quyết liệt, có thể sẽ chỉ cho nghỉ hưu một chiếc tàu sân bay, nếu không quân Mỹ sẽ không thể điều động số lượng tàu sân bay cần thiết tới vùng biển mà Mỹ cho là cực kỳ quan trọng, duy trì sức mạnh cần thiết.

Chuyên gia Nga chỉ ra, nói chung, vị thế quan trọng của tàu sân bay sẽ không bị thay đổi. Bản thân sự thực là Nga và Trung Quốc cũng tích cực phát triển chương trình cụm chiến đấu tàu sân bay đã chứng minh tầm quan trọng của tàu sân bay. Cách đây không lâu, khi nói về triển vọng xây dựng hiện đại hóa Hải quân Nga, Tổng Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Chirkov chỉ ra, trung tâm phải là tàu sân bay hoàn toàn mới mà Nga có kế hoạch chế tạo.

Các chuyên gia cho rằng, quân Nga cần tàu sân bay trước hết để bảo đảm cung cấp yểm trợ trên không cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược, hỗ trợ cho tàu ngầm tiến đến trận địa chiến lược khi cần thiết. Trên thực tế, mỗi nước lớn về hải quân đều tự cân nhắc về tàu sân bay, so sánh tư tưởng chiến lược và chiến thuật của họ trên phương diện tàu sân bay không có ý nghĩa quá lớn.

Tàu sân bay Kuznetsov Hải quân Nga (hình họa 3D)
Tàu sân bay Kuznetsov Hải quân Nga (hình họa 3D)
Đông Bình