Tàu tấn công đổ bộ mới nhất của Mỹ có sức mạnh ngang tàu sân bay

13/11/2012 07:37
Đông Bình
(GDVN) - Trong tương lai, Mỹ sẽ có các cụm tấn công viễn chinh độc lập với các cụm tấn công tàu sân bay, tiên phong thực hiện nhiệm vụ ở các điểm nóng.
Tàu tấn công đổ bộ Kearsarge LHD-3 của Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ Kearsarge LHD-3 của Hải quân Mỹ

Tờ “Thanh niên Tham khảo” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, tàu tấn công đổ bộ “USS America” với sức mạnh vượt trội đã được gửi gắm nhiều kỳ vọng, cho dù nó chưa được đưa vào hoạt động. Quân Mỹ hy vọng nó dẫn đầu hạm đội viễn chinh chiến đấu liên tục ở khắp nơi trên thế giới.

Những người yêu thích quân sự có nhiều kinh nghiệm phần lớn biết rằng, ngoài 11 chiếc siêu tàu sân bay, lực lượng “độc cô cầu bại” Hải quân Mỹ còn có hơn 10 “quái vật lớn” rất giống tàu sân bay, đó chính là tàu tấn công đổ bộ thường xuất hiện trên báo chí.

Ngày 20/10, tại nhà máy đóng tàu Pascagoula, bang Mississippi, Hải quân Mỹ đã đặt tên cho chiếc tàu tấn công đổ bộ mới nhất mà họ đặt mua là USS America (LHA-6). Cái tên đầy sức nặng này hầu như đã công khai tuyên bố tính năng tác chiến phi phàm của chiếc tàu này.

Mạng “Chiến lượng Hoàn Cầu” Mỹ nhấn mạnh, tàu tấn công đổ bộ USS America trị giá 2,4 tỷ USD sẽ chính thức gia nhập hàng ngũ tác chiến vào tháng 2/2013, tiến đến triển khai lâu dài ở San Diego, bang California, “bảo vệ vị thế lãnh đạo quốc tế của Mỹ ở hướng châu Á-Thái Bình Dương”.

Tàu tấn công đổ bộ - Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ - Hải quân Mỹ

Tàu khổng lồ chạy giống như một chiếc xe saloon

Nhà quan sát quân sự Nhật Bản Araki Masaya từng chế nhạo, tàu tấn công đổ bộ USS America là một chiếc “tàu chiến không thành thật”. Ông chỉ ra, tàu tấn công đổ bộ ban đầu gọi là “tàu sân bay đột kích”, sau để tránh lẫn lộn với tàu sân bay đa năng (CV), Hải quân Mỹ mới đổi tên cho nó, đồng thời đã tạo ra tàu các lớp sau này như USS Iwo Jima, USS Tarawa, USS Wasp và nay là USS America.

Nhìn lại lịch sử phát triển của tàu tấn công đổ bộ của quân Mỹ, có thể phát hiện chúng đều có boong tàu rộng dành cho máy bay, hình thể ngày càng lớn, nên bị người ta đặt cho biệt hiệu là “tàu sân bay nhỏ” hay “nửa/bán tàu sân bay”.

Nhìn vào các tài liệu công khai, tàu tấn công đổ bộ USS America dài 281 m, rộng 35 m, lượng giãn nước đầy là 50.000 tấn, nhìn vào tất cả những tàu chiến hiện có trên thế giới, ngoài các siêu tàu sân bay của Mỹ, cũng chỉ có tàu sân bay Kuznetsov Nga và tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là lớn hơn nó.

Tàu tấn công đổ bộ USS America LHA-6, Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ USS America LHA-6, Hải quân Mỹ

Với tính cách là kết quả đóng tàu trong thế kỷ 21, rất nhiều thiết kế của tàu tấn công đổ bộ USS America đều “vượt trước”, “trái tim” của nó đã vứt bỏ tua-bin hơi nước cồng kềnh, đổi sang sử dụng tua-bin khí tiện lợi và tiết kiệm sức lực.

Như người phát ngôn của nhà thầu chính, hãng Northrop Grumman đã nói: “Tàu lớn vài chục ngàn tấn, có thể khởi động một phím, chỉ trong vài phút đã tăng tốc lên đến vài chục dặm Anh, giống như mở một chiếc xe saloon, chạy tương đối ổn định, không có dấu vết gợn nước…”. Trong tương lai, quân Mỹ sử dụng nó để xử lý các sự cố bất ngờ ở nước ngoài, điều này rất thích hợp.

Còn khả năng tấn công của chiếc tàu mới này, chủ yếu thể hiện ở máy bay chiến đấu được trang bị đồng bộ với nó. Căn cứ vào yêu cầu thiết kế, tàu tấn công đổ bộ USS America có thể mang theo không dưới 38 máy bay các kiểu, máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B và máy bay cánh xoay MV-22 Osprey được hoan nghênh nhất. Nói cách khác, tàu USS America chính là căn cứ di động được thiết kế riêng cho hai loại máy bay trên.

Trong đó, F-35B có thể đồng thời mang theo hai quả bom dẫn đường vệ tinh, hai quả tên lửa không đối không cự ly trung bình và pháo 4 nòng 25 mm, thực hiện các nhiệm vụ như chi viện không đối đất, càn quét bãi đổ bộ; còn MV-22 là “thú cưỡi” trên không chủ yếu của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, có thể mang theo 24 binh sĩ được vũ trang toàn bộ, cũng có thể vận chuyển hàng hóa 9.072 kg ở bên trong và 6.804 kg ở bên ngoài, phụ trách vận chuyển nhanh chóng binh sĩ và vật tư tác chiến của tàu tấn công đổ bộ USS America tới bờ biển của nước thù địch.

Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp (LHD-1) được trang bị máy bay trực thăng/vận tải cánh xoay MV-22 Osprey
Tàu tấn công đổ bộ USS Wasp (LHD-1) được trang bị máy bay trực thăng/vận tải cánh xoay MV-22 Osprey

Tiên phong điều động lực lượng ở nước ngoài

Dưới áp lực kép - ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và lạm phát, Hải quân và lực lượng đánh bộ Mỹ, những quân binh chủng được Lầu Năm Góc coi trọng này, phải cố gắng vượt qua khó khăn. Nhưng, họ vẫn mạnh tay chi cho những tàu đổ bộ tiên tiến như USS America.

Thực ra, một nước có kinh nghiệm tác chiến phong phú như Mỹ ưa thích sử dụng tàu đổ bộ, đặc biệt là tàu tấn công đổ bộ mang theo máy bay, chưa chắc đã thấp hơn tàu sân bay. Trong chiến dịch “Iraq tự do” năm 2003, Hải quân Mỹ trong chốc lát đã điều 7 tàu tấn công đổ bộ, ngoài thực hiện các nhiệm vụ tác chiến truyền thống như vận chuyển binh sĩ và trang bị, đổ bộ, đánh chặn trên biển, nó còn nhiều lần tham gia các nhiệm vụ như nhận biết phòng thủ, phòng không, khẳng định tính năng tổng hợp của tàu tấn công đổ bộ.

Chiến tranh Iraq vừa lắng lại, đến tháng 8/2003, Hải quân Mỹ lập tức tiến hành tổ chức lại đối với lực lượng đổ bộ, đã thành lập “cụm tấn công viễn chinh” có diện mạo hoàn toàn mới, nhằm tận dụng đầy đủ thuộc tính toàn năng của tàu đổ bộ, nâng cao khả năng điều động lực lượng ở nước ngoài.

Nhìn vào cơ cấu, cụm tấn công viễn chinh có hạt nhân là tàu tấn công đổ bộ, ngoài ra có thêm 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 1 tàu tuần dương tên lửa, 1 tàu khu trục tên lửa và 1 tàu hộ vệ tên lửa, quy mô hạm đội tuy nhỏ so với cụm chiến đấu tàu sân bay, nhưng phản ứng linh hoạt hơn, triển khai dễ dàng hơn, hơn nữa kiêm cả tấn công và phòng thủ, vừa có thể thực hiện nhiệm vụ mang tính tác chiến như đột kích đổ bộ, đưa lính thủy đánh bộ và trang bị của họ đến nước thù địch, vừa có thể thực hiện các nhiệm vụ bán quân sự như viện trợ nhân đạo, rút nhân viên phi chiến đấu.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa, Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa, Hải quân Mỹ

Căn cứ vào tư tưởng chuyển đổi “lực lượng trên biển thế kỷ 21”, Hải quân Mỹ đang tập trung xây dựng 12 cụm tấn công viễn chinh, cùng với việc phát huy ưu thế của “căn cứ trên biển” – tàu đổ bộ, tăng cường khả năng phòng thủ của “lá chắn trên biển” và khả năng tấn công trên biển, nhằm đáp ứng nhu cầu tác chiến trên phạm vi toàn cầu.

Sau khi kế hoạch này được thực hiện, phương thức tác chiến truyền thống – hạm đội đổ bộ quân Mỹ đi kèm cụm chiến đấu tàu sân bay – sẽ không còn tồn tại, cụm tấn công viễn chinh sẽ trở thành đơn vị tác chiến độc lập song song với cụm tấn công tàu sân bay.

Làm tiên phong của cụm tấn công viễn chinh chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tàu tấn công đổ bộ USS America. Đến nay, hãng Northrop Grumman đã tiếp nhận đơn đặt hàng chế tạo 3 tàu chiến cùng loại khác, sau khi được chế tạo xong toàn bộ vào năm 2020, chúng sẽ cùng với 8 tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp hiện có hình thành đội hình “nửa tàu sân bay” hoàn chỉnh, mỗi chiếc dẫn đầu một cụm tấn công viễn chinh, sẵn sàng đến bất cứ nơi nào trên thế giới vào bất cứ lúc nào.

Có thể dự kiến, trong tương lai một khi khủng hoảng xảy ra, xuất hiện sớm nhất tại khu vực điểm nóng xung đột sẽ là cụm tấn công viễn chinh dẫn đầu là tàu USS America và tàu chị em của nó, điều này cũng làm cho nó trở thành đối thủ mạnh buộc phải đề phòng chặt chẽ của rất nhiều quốc gia.

Tàu tấn công đổ bộ Bonhomme Richard, Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ Bonhomme Richard, Mỹ
Máy bay MV-22 Osprey trên tàu tấn công đổ bộ Iwo Jima (LHD-7), Mỹ
Máy bay MV-22 Osprey trên tàu tấn công đổ bộ Iwo Jima (LHD-7), Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ USS Essex (LHD-2), Hải quân Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ USS Essex (LHD-2), Hải quân Mỹ
Đông Bình