Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh

17/08/2016 10:06
Hồng Thủy
(GDVN) - 1,3 tỉ dân Trung Quốc không thiếu nhân tài cương trực, chỉ tiếc rằng những tiếng nói của họ chưa đến được với ông Tập Cận Bình bởi chính rào cản từ bộ máy.

South China Morning Post ngày 13/8 đưa tin, một nhà ngoại giao Trung Quốc đã nói với Singapore: "Hãy đứng ngoài các tranh chấp Biển Đông" bên lề một cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại khu tự trị Nội Mông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân được South China Morning Post dẫn lời nói rằng:

"Vì Singapore không phải là một nước có yêu sách ở Biển Đông, chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Singapore, với điều kiện không can thiệp vào vấn đề Biển Đông, sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN." [1]

Phát biểu trong cùng buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong kêu gọi, tất cả các bên kiềm chế không làm tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: SCMP.
Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: SCMP.

Theo South China Morning Post, phát biểu của ông Dân là nhằm chỉ trích phát biểu mới đây của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hoa Kỳ, kêu gọi dùng luật pháp thay vì vũ lực để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Càng trịch thượng kẻ cả, càng phản cảm

Cá nhân người viết cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Mỹ là rất chuẩn mực, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, yêu chuộng công lý và hòa bình mà nhân loại đang theo đuổi:

"Lý tưởng nhất, phán quyết của trọng tài quốc tế thiết lập trật tự cho thế giới, bởi vì khi có tranh chấp giữa các quốc gia, nếu có cơ quan trọng tài xét xử dựa trên các nguyên tắc (pháp lý quốc tế) được thừa nhận rộng rãi thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc tranh chấp đến cùng và đọ xem súng của ai mạnh hơn." [2]

Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì Trung Quốc tuyên truyền về "trỗi dậy hòa bình" hay đề cao "pháp trị".

Chỉ tiếc rằng hành động thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông và phát biểu, ứng xử của một số nhà ngoại giao Trung Quốc đang đi ngược lại với tinh thần "hòa bình", "pháp trị" ấy.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thô bạo gạt các nước khác khỏi khu vực Biển Đông, cho dù thực tế căng thẳng bởi tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có Singapore.

Tiến sĩ Ian Storey từ Singapore đã bình luận về chiến lược ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong một bài viết đăng trên James Town (jamestown.org) ngày 17/12/2010 rằng, sai lầm của Trung Quốc ở Đông Nam Á là "thiếu quyến rũ, thừa phản cảm".

Cái sự "thừa phản cảm" ở đây là phát biểu của ông Dương Khiết Trì khi còn là Ngoại trưởng Trung Quốc, tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội tháng 7/2010 đã tuyên bố rằng:

"Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế."

Ông Trì nói điều này khi "nhìn chằm chằm vào mặt" đối tác Singapore. [3]

Gần đây, ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách lĩnh vực đối ngoại cũng tuyên bố một câu phi ngoại giao, thiếu văn hóa khi ví, phán quyết của Hội đồng Trọng tài thành lập theo UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc "chỉ là tờ giấy lộn". [4]

Mới đây nhất, hãng tin Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin ngoại giao nói rằng, đêm muộn hôm 24/7, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc còn "gọi" người đồng cấp nước chủ nhà tới khách sạn đoàn Trung Quốc đang ở khi sang Lào dự hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác. [5]

Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh ảnh 2

"Trung Quốc không thể từ bỏ yêu sách sau một đêm, cần thời gian để thay đổi"

(GDVN) - Nên tạo không gian cho Trung Quốc chấp nhận phán quyết một cách dần dần theo thời gian, thông qua một quá trình phát triển các chuẩn mực mới.

Nếu thông tin này chính xác thì đây là một hành động cực kỳ phản cảm, phản ngoại giao của một nhà ngoại giao hàng đầu.

Bởi ngày nay các nước đều bình đẳng dưới mái nhà chung của Liên Hợp Quốc và mọi hành xử phải theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Càng là những nhà ngoại giao, càng phải biết tôn trọng khuôn khổ và quy tắc, chí ít là phép lịch sự tối thiểu.

Chính những hành động này đang phản ánh rõ nét tư duy Đại Hán, nước lớn, luôn cho mình cái quyền ăn trên ngồi trốc với thiên hạ, làm cho hình ảnh đất nước Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa trở nên méo mó, xấu xí trong con mắt các nhà ngoại giao khu vực và quốc tế.

Tiết lộ của học giả Trung Quốc Wang Jin, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Khoa học Chính trị, Đại học Haifa, Israel, từng nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Hạ Môn, Trung Quốc trong bài viết đăng trên The Diplomat ngày 17/8, cũng cho thấy tư duy và cách làm phản ngoại giao này.

Đó là ông Vương Nghị lại vừa dùng "chiến thuật" cây gậy và củ cà rốt với nước láng giềng Ấn Độ, để tìm cách ép New Delhi không đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàng Châu vào đầu tháng Chín tới.

Cây gậy mà ông Nghị giơ lên với Ấn Độ, theo Wang Jin là:

"Nếu Ấn Độ đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị thượng đỉnh G-20, Trung Quốc sẽ trả đũa Ấn Độ trong hội nghị thượng đỉnh BRICS. Còn củ cà rốt là, ông Nghị hứa Trung Quốc sẽ hỗ trợ Ấn Độ trở thành thành viên Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG)."

Tuy nhiên theo Wang Jin, "cây gậy và củ cà rốt" của Bắc Kinh có thể không đảm bảo được sự im lặng của Ấn Độ về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh G-20. [6]

Rõ ràng Trung Quốc càng tìm cách "nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế ngoại giao" theo tư duy mình là "trung tâm thiên hạ", các nước khác chỉ là chư hầu, chiếu dưới thì càng phản tác dụng.

Chính trị hóa các vấn đề pháp lý sẽ không đi đến đâu

Vậy là đã hơn 1 tháng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài được PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 về vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc.

Quan sát những phản ứng của Trung Quốc thời gian vừa qua có thể thấy, họ tiếp tục duy trì lập trường "3 Không".

Tuy nhiên thực tế phán quyết trọng tài cho dù chưa được Bắc Kinh thừa nhận, nhưng đã có những ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chuyến đi Ấn Độ vận động New Delhi đừng đưa Biển Đông ra G-20 của ông Vương Nghị, hay cách ứng xử cả giận mất khôn của Bắc Kinh đối với Singapore cho thấy, Trung Quốc thực sự đang lúng túng và tìm cách đối phó với áp lực từ dư luận.

Sử gia, nhà nghiên cứu Chương Lập Phàm từ Bắc Kinh đã bình luận trên đài VOA tiếng Trung Quốc ngày 15/8 về việc, tại sao ông Tập Cận Bình lại đẩy sự việc đến nước này, nó có làm giảm uy tín của ông trong đảng và trong nước hay không?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ tại New Delhi. Ảnh: livemint.com.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ tại New Delhi. Ảnh: livemint.com.

Theo ông Phàm, lợi dụng chủ nghĩa yêu nước hay chủ nghĩa quốc gia có lợi cho đối nội. Thông qua việc tạo dựng các "thế lực thù địch" giả tưởng để chuyển các mâu thuẫn đối nội ra bên ngoài là cách thức thường được Trung Nam Hải sử dụng.

Tuy nhiên sau phán quyết trọng tài, đã không xuất hiện tình trạng biểu tình đập phá như đã từng xảy ra trong vụ tranh chấp chủ quyền Senkaku / Điếu Ngư với Nhật Bản trước đây.

Lý do theo ông Chương Lập Phàm là, sự ổn định của chính quyền Trung Quốc đã gặp một số vấn đề.

Nếu không kiểm soát tốt dư luận trong nước, những cuộc biểu tình như vậy có thể quay lại làm hại chính chính quyền Trung Quốc. Bởi vậy Bắc Kinh đã kiểm soát chặt dư luận và chỉ phản ứng về phán quyết trọng tài một cách chừng mực, có kiểm soát trên các phương tiện truyền thông trong nước.

Ngoài ra, mặc dù phán quyết trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự mơ hồ đối với đường lưỡi bò. Nhưng cách làm này cho thấy đội ngũ tham mưu của Trung Nam Hải không hiểu gì về ngoại giao.

Tổng giám đốc Tập đoàn (truyền thông) Minh Kính, ông Hà Tần nói với VOA tiếng Trung Quốc, là một nước lớn đang trỗi dậy, cách hành xử của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn sai lầm.

Trung Quốc càng lên gân ở Biển Đông, càng đẩy các nước trong khu vực về phía Hoa Kỳ, hoặc đẩy các nước này vào chỗ phải liên kết lại với nhau để chống (sự bành trướng) từ Trung Quốc. Rõ ràng điều này bất lợi cho Bắc Kinh.

Còn theo đánh giá của ông Phàm, một khi nổ ra chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông thì Trung Quốc khó thắng, trách nhiệm cá nhân đối với ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch Quân ủy trung ương khi đó sẽ rất lớn, không thể gánh nổi.

Rất may là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã có thỏa thuận ngầm, không để dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa hai nước ở Biển Đông thời gian tới. [7]

Ông Tập Cận Bình nên xem lại đội ngũ tham mưu về chính sách đối ngoại

Cá nhân người viết cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang là một nhà lãnh đạo rất mạnh mẽ tại quốc gia này cũng như trên thế giới. 

Dư luận Trung Quốc, khu vực và quốc tế rất ngưỡng mộ chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" mà ông phát động, thường xuyên đốc thúc triển khai. 

Thái độ nước lớn sẽ làm Trung Quốc khó lớn trong mái nhà nhân loại văn minh ảnh 4

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đáng để các nước noi gương, học tập

(GDVN) - "Tiêu chuẩn kép" từ lâu vẫn tồn tại như một cách hành xử khôn lỏi của một số nước lớn và là một trong những nguyên nhân chính gây ra xung đột, chiến tranh.

Có thể nói chiến dịch này là vô tiền khoáng hậu, thể hiện rõ nét nhất tính chất thượng tôn pháp luật, cho dù có là cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực đi nữa cũng không được nằm ngoài vòng pháp luật.

Số tướng lĩnh cấp cao quân đội Trung Quốc nghỉ hưu cũng như đương chức bị xử lý trong chiến dịch này còn nhiều hơn cả số tướng chết trong chiến tranh.

Làm được điều này, chắc chắn ông Tập Cận Bình phải có được sự ủng hộ rất lớn từ trong nội bộ đảng lẫn trong nước. Người dân Trung Quốc ủng hộ ông vì tinh thần pháp trị, thượng tôn pháp luật.

Nhưng trong lĩnh vực đối ngoại do bộ máy tham mưu hiện nay xây dựng, hình ảnh và uy tín của Trung Quốc trong mắt dư luận khu vực và quốc tế càng ngày càng sa sút. 

Thay vì tinh thần thượng tôn pháp luật như ông đang xiển dương trong nước, sức mạnh của pháp luật và công lý quốc tế lại bị cán bộ ngoại giao dưới quyền ông xem là "không hơn một tờ giấy lộn".

Một nhà lãnh đạo giỏi không phải một nhà lãnh đạo biết tất cả, mà là một nhà lãnh đạo tập hợp được đội ngũ tham mưu giỏi, chính trực, chí công vô tư.

Còn một khi để những kẻ cơ hội chính trị, đục nước béo cò lọt vào bộ máy tham mưu của mình, thì "con dại cái mang", danh tiếng và vị thế của vị lãnh đạo ấy không thể không bị ảnh hưởng.

1,3 tỉ dân Trung Quốc không thiếu nhân tài cương trực, chỉ tiếc rằng những tiếng nói của họ chưa đến được với ông Tập Cận Bình bởi chính rào cản từ bộ máy tham mưu hiện nay.

Do đó thay vì bỏ tiền mua ủng hộ, người viết cho rằng đã đến lúc Chủ tịch Tập Cận Bình cần xem lại chính sách đối ngoại, đặc biệt là đội ngũ tham mưu công tác đối ngoại cho mình.

Chỉ cần hành xử đường hoàng, thượng tôn pháp luật, hay nói như người Trung Quốc là hãy chơi một cách "quân tử" thì mặc nhiên thế giới đều ủng hộ và chào đón Trung Quốc, không phải tốn một hào. Chỉ có cách đó mới có khả năng giúp Trung Quốc lấy lại được uy tín, danh dự và vị thế trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2004638/china-urges-singapore-not-interfere-south-china-sea

[2]http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thu-tuong-Singapore-Ly-Hien-Long-dang-de-cac-nuoc-noi-guong-hoc-tap-post169999.gd

[3]http://www.jamestown.org/programs/chinabrief/single/?tx_ttnews%5Btt_news%5D=37294&cHash=cf996d332d#.V7PD-Ft97cc

[4]http://quochoi.org/bac-kinh-so-phan-quyet-pca.html

[5]http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/Laos-showing-off-some-diplomatic-skills?page=1

[6]http://thediplomat.com/2016/08/can-china-keep-india-silent-over-the-south-china-sea/

[7]http://www.voachinese.com/a/io-20160815-south-china-seas-arbitrations-one-month/3464676.html

Hồng Thủy