Thăng hạng giáo viên, ai được lợi nhất?

10/01/2019 06:41
HỮU SƠN
(GDVN) - Trong việc thi - xét nâng hạng giáo viên hiện nay, nhiều giáo viên chỉ thêm khổ và tốn kém, đối tượng hưởng lợi nhất chính là các đơn vị đứng ra mở các lớp này

LTS: Cho rằng, đối tượng hưởng lợi nhất trong việc thi - xét nâng hạng giáo viên hiện nay là các đơn vị đứng ra mở các lớp lấy chứng chỉ và tổ chức xét - thi thăng hạng nhà giáo, nhà giáo Hữu Sơn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sau nhiều năm không tổ chức thi, xét thăng hạng giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hai Thông tư số 20, 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tổ chức thi và xét thăng hạng cho giáo viên các cấp.

Hàng vạn thầy cô giáo mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập cả nước háo hức, phấn khởi với việc Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, tạo điều kiện cho nhà giáo được nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn và nâng hạng ngạch lương từ hạng 4 đến hạng 1 để làm việc tốt hơn và mức lương cao hơn.

Giáo viên háo hức, phấn khởi về việc tổ chức xét thăng hạng giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).
Giáo viên háo hức, phấn khởi về việc tổ chức xét thăng hạng giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).

Tất nhiên, mỗi giáo viên khi dự thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau (theo Điều 3, tại Thông tư số 20):

1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.

2. Được cp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non;

Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã s, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập;

Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập;

Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.

Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thăng hạng giáo viên, ai được lợi nhất? ảnh 2Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào sau khi thăng hạng?

Điều kiện về vị trí việc làm, năng lực chuyên môn, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và các kết quả, thành tích khác thì nhiều thầy cô giáo thừa sức đảm bảo.

Nhưng các điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và bồi dưỡng nghiệp vụ thăng hạng giáo viên thì không phải giáo viên nào cũng đã có đầy đủ, nhất là các thầy cô giáo lớn tuổi, thầy cô giáo ở vùng nông thôn, miền núi…

Từ năm 2015 đến nay, đón bắt được nhu cầu của hàng chục vạn giáo viên cần học và được cấp các loại chứng chỉ trên cho việc thăng hạng giáo viên, hàng loạt trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng, Sở Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ… đổ xô, lao vào liên kết, bắt tay nhau, liên tục gởi văn bản về các cơ sở giáo dục mời gọi, chiêu sinh.

Nhiều giáo viên đời sống còn khó khăn, hệ số, ngạch bậc lương ít ỏi, chính vì vậy có mong muốn hệ số, ngạch bậc lương, đời sống gia đình mình được cải thiện nên đã không ngần ngại bỏ thời gian, công sức và gần chục triệu đồng để sớm sở hữu các chứng chỉ còn thiếu trong điều kiện thăng hạng.

Thực tế, đối với chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, có học, thi gì đâu, chủ yếu đến ghi danh, nộp đủ tiền mà họ ấn định là có ngay chứng chỉ sau một buổi, một ngày học, thi rất hình thức, chiếu lệ.

Còn chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thăng hạng giáo viên thời gian được đào tạo, học tập dài ngày hơn.

Chủ yếu toàn là những nội dung, chuyên đề đã xưa cũ, lạc hậu mà giáo viên mầm non, phổ thông đã từng được tập huấn, bồi dưỡng không biết bao nhiêu lần.

Giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến dạy sơ sơ, toàn nói chuyện phím…

Học viên thì ngao ngán, các tiết, buổi dạy học sau lớp vắng oe, còn được 5, 7 người là cùng.

Cả người dạy và người học đều trông nghỉ sớm, trông tới ngày kiểm tra và nộp bài thu hoạch cho rồi.

Năm 2017, tôi từng tham gia 2 lớp học - thi để lấy chứng chỉ tin học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thăng hạng giáo viên hạng 2.

Lớp tin học cơ bản - chứng chỉ A, tôi phải nộp 1.350.000 đồng cho 2 buổi học, ôn và thi trực tiếp trên máy tính.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thăng hạng giáo viên hạng 2, tôi phải đóng cho đơn vị đứng ra liên kết tổ chức 3 triệu đồng.

Thăng hạng giáo viên, ai được lợi nhất? ảnh 3Có nộp hồ sơ thăng hạng viên chức mới thấy nỗi khổ của giáo viên

Kết thúc lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ đã lâu, hơn 5 tháng nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được chứng chỉ của Đại học sư phạm Đà Nẵng.

Vừa rồi, Sở Nội vụ Quảng Ngãi tổ chức thi thăng hạng cho gần 3.000 giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông trên địa bàn trên toàn tỉnh.

Có đến gần 250 giáo viên không dự thi ngay từ đầu, mặc dù đã nộp hồ sơ và đủ điều kiện dự thi thăng hạng.

Mỗi thí sinh dự thi phải nộp cho Sở Nội vụ 500.000 đồng (gọi là lệ phí thi). Khoảng 2.300 thí sinh dự thi, Sở Nội vụ thu được trên 1,1 tỷ đồng.

Tính sơ bộ, mỗi giáo viên tham gia thi thăng hạng tốn ít nhất khoảng 10 triệu đồng mà một năm qua nhiều địa phương tổ chức thi và xét thăng hạng, với hàng chục vạn giáo viên tham gia thì số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Giáo viên bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để được mấy cái chứng chỉ và thăng hạng lên hạng 3 đến hạng 1. Song, kiến thức, kỹ năng mà các giáo viên tích lũy được từ những lớp học - kỳ thi sát hạch đó thì chưa thể nói, tổng kết được.

Theo tính toán của giáo viên chúng tôi, giáo viên hạng 4 lên hạng 3, giáo viên hạng 3 (trung học phổ thông) lên hạng 2, giáo viên hạng 2 lên hạng 1 nếu thời gian công tác kéo dài và đối tượng giáo viên tuổi nghề còn trẻ là có lợi nhất.

Riêng giáo viên đang ở hạng 2 (trung học cơ sở) và các giáo viên lớn tuổi, trên 50 tuổi trở lên thì việc thăng hạng gần như không có lợi mấy.

Xin chốt lại 1 câu rằng, trong việc thi - xét nâng hạng giáo viên hiện nay, nhiều giáo viên chỉ thêm khổ và tốn kém (công sức, thời gian, tiền bạc), đối tượng hưởng lợi nhất chính là các đơn vị đứng ra mở các lớp lấy chứng chỉ và tổ chức xét - thi thăng hạng nhà giáo.

HỮU SƠN