Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 13 tuyến đường được buôn bán vỉa hè

02/04/2017 06:39
Diệu Thuần
(GDVN) - ''Muốn vỉa hè thông thoáng thì phải dọn xuyên suốt, chứ không phải làm được một tháng rồi nghỉ, theo kiểu phong trào'', ông Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã nói như vậy khi chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế xã hội toàn thành phố quý I-2017 hôm 31/3.

Khi đề cập đến công tác lập lại lòng lề đường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá, thời gian qua, việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè được triển khai ở một số quận huyện, đặc biệt là quận 1, đã được người dân thành phố đồng tình và đánh giá cao.

Thông qua đó, thành phố đã đòi lại được vỉa hè cho người đi bộ. Đường phố đã trở nên thông thoáng hơn khi thành phố triển khai thực hiện.

Đừng làm theo kiểu phong trào

Ông Phong nhấn mạnh: ''Dĩ nhiên trong quá trình làm cũng còn chuyện này chuyện khác. Chúng ta phải lắng nghe ý kiến góp ý để tiếp thu nhưng tinh thần chung là kiên quyết thực hiện”.

Ông cũng yêu cầu các địa phương phải có giải pháp duy trì kết quả, không phải làm được một tháng rồi nghỉ. Làm như vậy là chỉ làm theo kiểu phong trào.

''Thành phố đã chỉ đạo tất cả phải vào cuộc, từ bí thư, chủ tịch đến trưởng công an quận huyện. Không thể cứ mỗi anh phó chủ tịch làm vỉa hè, còn những người khác thì ngồi im'', ông Phong nhắc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng, vỉa hè không phải làm theo kiểu làm rồi nghỉ, làm theo kiểu phong trào - Ảnh: Báo Phụ nữ Thành Phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh rằng, vỉa hè không phải làm theo kiểu làm rồi nghỉ, làm theo kiểu phong trào - Ảnh: Báo Phụ nữ Thành Phố Hồ Chí Minh

Ông dẫn chứng một trường hợp ở quận 5: ''Có vỉa hè buổi sáng xe đậu kín hết, học sinh, người dân không có chỗ đi bộ, tôi phải gọi lãnh đạo quận ra xem.

Tại sao thành phố đã có chỉ đạo rồi mà tình hình vẫn vậy. Đề nghị quận 5 phải chấn chỉnh vấn đề này''.

Đối với các chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát còn tồn tại trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện phối hợp Sở Công thương tổ chức lại các khu vực cho người dân buôn bán, không làm ảnh hưởng đến giao thông

“Tôi nhấn mạnh là không phải dẹp, đẩy đuổi mà phải sắp xếp tổ chức lại cho nghiêm túc, khoa học, tạo điều kiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn giao thông”,  ông Phong lưu ý.

Đã chuyển đổi nghề cho người bán hàng rong

Cũng trong cuộc họp, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 cho biết, hiện toàn quận 1 có 580 hộ bán hàng rong, trong đó quận đã điều tra, khảo sát, sàng lọc và biết được có 260 hộ nghèo. Trong đó, có 130/260 hộ nghèo chấp nhận chuyển đổi ngành nghề.

Quận 1 đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh…

Riêng với 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại 2 khu vực thí điểm đã được Ủy ban nhân thành phố chấp thuận.

Với 30 hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận cũng đã có hướng tạo việc làm. 

Đó là, quận đã yêu cầu Ban quản lý chợ Bến Thành vận động được 1.200 hộ kinh doanh trong chợ chấp nhận chuyển từ túi ni lông sang túi giấy. 

30 hộ nghèo không có khả năng chuyển nghề sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên. Giá mỗi túi giấy từ 600-1.000 đồng. 

Sẽ có 13 tuyến đường ở thành phố được buôn bán vỉa hè

Tại cuộc gặp gỡ với báo chí, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố thông tin rằng, sẽ có 13 tuyến đường ở các quận huyện trong thành phố cho phép người buôn bán vỉa hè hoạt động. Việc quản lý sẽ giao cho các quận, huyện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm.

Ông Hoan giải thích rằng, vốn dĩ thành phố có những tuyến đường được buôn bán vỉa hè là vì văn hóa của người Việt Nam là vậy.

''Mình là văn hóa vỉa hè, kinh tế lòng lề đường. Hễ mở đường là người dân báo theo đường nên trong pháp luật cũng cho phép phần cứng, phần mềm.

Phần cứng là cho người đi bộ. Phần mềm là cho vấn đề khác. 

Thành phố bây giờ có vỉa hè rộng, vỉa hè hẹp, có vỉa hè có mà như không''.

Theo đó, thành phố quy định, vỉa hè trên 3m thì người dân được quyền buôn bán. Tuy nhiên, chỉ được sử dụng làm chỗ để xe cho gia đình, cho khách đến mua hàng. Việc bày hàng ra bán phải diễn ra bên trong (bên trong vỉa hè)

Đối với những vỉa hè dưới 3m thì chỉ cho tạm thời (tổ chức ma chay, cưới hỏi...), sau đó phải trả lại.

Diệu Thuần