Thầy giáo Phú và đêm trung thu ở đảo Song Tử Tây

11/09/2019 06:33
Nguyễn Hữu Phú
(GDVN) - Đêm Trung thu trên xã đảo Song Tử Tây đã để lại cho mọi người tâm hồn như được quay về những năm tháng tuổi thơ vô tư hồn nhiên và không bon chen lo nghĩ.

Xã đảo Song Tử Tây (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) mùa trung thu năm nay đầy ấm cúng và tiếng cười. Năm nay là năm thứ 2 thầy Nguyễn Hữu Phú – giáo viên Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây chung vui đêm hội trăng rằm cùng các em học sinh trên đảo.

Thầy Phú đã có những cảm nhận của mình về Tết Trung thu trên đảo Song Tử Tây và gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:

Tiết mục văn nghệ trên xã đảo Song Tử Tây. (Ảnh: N.H.P)
Tiết mục văn nghệ trên xã đảo Song Tử Tây. (Ảnh: N.H.P)

Tôi tham gia đón Tết Trung thu không biết bao nhiêu lần nhưng với lần này trong tôi có cảm giác vừa thân quen vừa là lạ.

Tim tôi rung lên từng hồi từng nhịp lâng lâng vui sướng, thú vị, hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào vinh dự rất lớn đối với tôi đến khó diễn tả hết thành lời.

Với đủ sắc màu, hội trăng rằm đêm nay vô cùng đặc biệt. Điều đặc biệt ở đây là tôi đón cái Tết Trung thu cùng với các em học sinh, bà con và toàn thể lực lượng anh em cán bộ chiến sĩ.

Xã đảo Song Tử Tây nằm giữa một nơi mênh mông trùng khơi sóng nước, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Vui tết Trung thu, trẻ em có còn thích đồ chơi truyền thống?
Vui tết Trung thu, trẻ em có còn thích đồ chơi truyền thống?

Với biết bao nhiêu lần tôi viết đơn tình nguyện ra Trường Sa dạy học và lần này thì mơ ước của tôi đã thành hiện thực.

Đứng giữa trùng trùng mây, trời, nước hoà quyện với nhau lại làm một, tôi mới thấm hiểu hết nỗi khó khăn gian truân vất vả của những người con đất Việt đang ngày đêm trừng mắt sa trường canh giữ, giữ vững chủ quyền.

Nơi hải đảo xa xôi, quanh năm nắng cháy da, gió mưa sạm mặt nhưng trong tâm hồn của mỗi người nơi đây vẫn trẻ trung, lạc quan và yêu đời. Khi đến những ngày lễ tết vẫn vui chơi hết mình và đi đôi với đó là luôn luôn không quên nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc thiêng liêng.

Điều này thể hiện qua đêm hội rước đèn mà lần đầu tiên tôi được tham gia trên đảo. Các em nhỏ ở đây không có những đèn cá chép, đèn hình siêu nhân, đèn con rồng,... bằng điện tử nhấp nháy lung linh ánh điện đủ màu sắc như các em nhỏ ở đất liền.

Nhưng không vì thế mà đêm hội trăng rằm của các em nơi đảo xa lại thiếu đi ánh đèn tuổi thơ và thiếu vắng đi nụ cười.

Trước đêm Trung thu khoảng 2 đến 3 ngày, bố mẹ của các em tự tay tỉ mẫn vót từng thanh tre, xếp cắt từng tờ giấy màu và thiết kế thành các loại đèn với nhiều loại hình dáng khác nhau. Mỗi đèn Trung thu được làm ra là một kì công đầy tính sáng tạo và nghệ thuật.

Có em được bố mẹ làm cho lồng đèn vơi mô hình chiếc tàu hải quân, có em thì với mô hình máy bay, có em với mô hình tàu ngầm.

Còn có em thì được bố mẹ làm đèn hình ngôi sao truyền thống với những màu sắc rực rỡ.

Nhưng điều thú vị mà tôi chưa từng thấy ở các lồng đèn nơi tôi đã từng tham dự trong đất liền đó là các đèn Trung thu ở ngoài đảo, mỗi đèn đều có tên của các em.

Vào đêm hội trăng rằm ở đất liền mà tôi có dịp tham gia, hình ảnh không thể thiếu, nhân vật đã tạo nên tiếng cười, làm cho đêm hội sôi động.

Đó là, ông địa cầm quạt phe phẩy nhảy múa bên chú lân cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.

Nhưng ở giữa biển đảo xa xôi thì hình ảnh ấy cũng không thể thiếu vì đó được xem như là tiết mục chính của đêm trăng rằm và là nguồn để dẫn đến tiếng cười thật sự của trẻ thơ.

Đêm rước đèn được tổ chức tại sân trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây. Cùng tham gia với các em không chỉ có thầy cô, phụ huynh mà còn có sự tham dự của các cấp lãnh đạo uỷ ban xã, chỉ huy đảo, các đơn vị, các cụm chiến đấu kết nghĩa với các hộ dân và rất đông anh em chiến sĩ.

Đội múa lân cũng do anh em chiến sĩ phụ trách. Đêm Trung thu nơi đây cũng có mâm cỗ, cũng có chương trình văn nghệ.

Các em học sinh biểu diễn với đầy đủ các tiết mục như: múa, hát, đọc thơ về biển đảo và những câu đố giấm gian xung quanh chú Cuội, chị Hằng,...

Các em được nhận những phần quà ý nghĩa từ các cán bộ chiến sĩ trên đảo và xúng xính trong những bộ áo dài cách tân đủ kiểu dáng màu sắc, tay cầm lồng đèn cùng múa vui bên chú lân và ông địa.

Sau màn phá cỗ tại sân trường, tất cả mọi người cùng theo cổ vũ, hò reo đội múa lân đi múa ở cột mốc chủ quyền, tượng đài Trần Quốc Tuấn.

Sau đó, đội múa lần vòng quanh khắp đảo dưới ánh trăng đêm rằm sáng vằng vặc, mà dường như trăng ngoài đảo lớn hơn và sáng hơn trăng ở đất liền.

Tôi cùng các em học sinh và mọi người đi dưới vầng trăng đêm rằm, đi dưới hàng cây bàng vuông nở hoa thơm ngát, mùi thơm thoang thoảng, thanh khiết hoà quyện với mùi hương biển nồng nàn.

Đêm Trung thu trên xã đảo Song Tử Tây đã để lại cho mọi người tâm hồn như được quay về những năm tháng tuổi thơ vô tư hồn nhiên và không bon chen lo nghĩ.

Nguyễn Hữu Phú