Thầy giáo truyền nhiệt huyết, đam mê nghề nghiệp cho giáo viên

18/07/2019 07:11
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thầy giáo Ngô Thành Nam luôn mong muốn mỗi giáo viên, nhà trường đều xây dựng cho mình một lớp học, trường học hạnh phúc.

“Luôn mong muốn mỗi giáo viên, nhà trường đều xây dựng cho mình một lớp học, trường học hạnh phúc.

Khi cảm thấy hạnh phúc, mỗi người mới thật sự sống, cống hiến, nỗ lực hết mình với môi trường ấy.

Nơi đó mỗi học sinh đều cảm thấy việc học là thú vị, mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui; giáo viên cũng cảm thấy mình hạnh phúc với công việc mình đang làm, thay vì chỉ làm vì đồng lương, trách nhiệm.

Các công việc ở trường học, không còn trở thành áp lực nặng nề với giáo viên”.

Đó ước mơ của thầy giáo Ngô Thành Nam, công tác tại Ban Chuyên môn, Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng.

Với ước mơ đó, thầy Ngô Thành Nam đã suy nghĩ, phấn đấu không ngừng nghỉ, làm sao truyền tải đam mê, ước mơ của mình cho đồng nghiệp.

Thầy giáo Ngô Thành Nam, Ban Chuyên môn Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (Ảnh chụp tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu của Microsoft tại Paris, Pháp - Nhân vật cung cấp)
Thầy giáo Ngô Thành Nam, Ban Chuyên môn Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng (Ảnh chụp tại Diễn đàn giáo dục toàn cầu của Microsoft tại Paris, Pháp - Nhân vật cung cấp)

Thầy Nam tâm sự “Tôi yêu thích việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy, tôi nhận ra rằng, khi sử dụng công nghệ một cách hợp lí sẽ giúp giáo viên tiết kiệm được thời gian, từ đó hiệu quả công việc cũng được nâng lên đáng kể.

Ngoài ra, công nghệ là chiếc cầu nối, rút ngắn khoảng cách giữa các lớp học và cuộc sống thực.

Ngày nay, học sinh không cần ra khỏi 4 bức tường của lớp học, vẫn có thể kết nối với thế giới bên ngoài, dựa vào công nghệ như Skype.

Việc tương tác giữa giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng diễn ra thuận lợi hơn bao giờ hết, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Xin kể ra đây ví dụ về việc ứng dụng công nghệ, giúp cho công việc của tôi hiệu quả hơn, cũng như việc học của học sinh thú vị hơn:

Năm học 2015-2016, tôi áp dụng ứng dụng công cụ OneNote vào việc tạo Sổ chủ nhiệm cho cá nhân mình. Với công cụ này, tôi có thể lưu tất cả các nguồn tư liệu vào một quyển sổ online duy nhất.

Với quyển số này, tôi không lo lắng đến việc dữ liệu sẽ bị lạc mất, tôi có thể mở quyển sổ ấy ở bất kỳ đâu vào bất kì lúc nào.

Sau đó, nhiều giáo viên cũng nhận thấy hiệu quả và bắt đầu áp dụng cho công việc của mình. Bạn có thể xem hướng dẫn tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=a8vhU6BTLiI.

Thầy Bùi Minh Thảo, người ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học
Thầy Bùi Minh Thảo, người ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học

Đối với việc giảng dạy của mình, bên cạnh việc hình thành kiến thức cho học sinh, việc phát triển kỹ năng, năng lực cho học sinh cũng là điều tôi đặc biệt quan tâm.

Qua thực tế áp dụng, tôi nhận thấy phương pháp “Dạy học theo dự án” giúp học sinh phát triển được nhiều kỹ năng, năng lực cho tương lai.

Năm 2017, tôi bắt tay vào thực hiện dự án “Năm ngón tay an toàn”.

Ngoài việc trang bị cho học sinh kỹ năng phòng tránh xâm hại, giúp các em phát triển những kỹ năng khác, của thế kỷ 21 như: hợp tác, sử dụng công nghệ thông tin, tư duy phản biện, v.v...

Dự án “Năm ngón tay an toàn” đã thu hút sự tham gia của hơn 30 trường học tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. (Website của dự án: https://mrnamvas.wixsite.com/fivesafefingers ).

Dự án “Năm ngón tay an toàn” nhận được giải thưởng “Công tác toàn cầu sáng tạo” của tổ chức ISTE (International Society for Technology in Education).  

Với những đóng góp của mình, thầy giáo Ngô Thanh Nam đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhiều giải thưởng Quốc tế khác, như: Top 50 Global Teacher Prize; Global Collaboration Award; Asia Educator of the year; Best Teacher of the year award; Asia BETT award (Finalist); Leader for change award; Outstanding Contribution to Education awardGlobal E-Innovation Award.

Tâm sự về tương lai, thầy nói “Nếu trước đây, trong vai trò là giáo viên, tôi có thể mang những giá trị mình học hỏi được đến các học sinh của mình, hiện nay tôi dành nhiều thời gian để chia sẻ, hỗ trợ các đồng nghiệp khác trong chương trình “Chuyên gia Giáo dục Sáng tạo Microsoft” (Microsoft Innovative Educator Expert).  

Với phương châm Học hỏi – Chia sẻ - Tỏa sáng, chúng tôi đang cùng nhau học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, giúp cho người giáo viên cũng như học sinh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc giảng dạy và học tập.  

Tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động này trong thời gian tới như một dự định tương lai của mình”.

Giáo dục đang trên con đường đổi mới nội dung, phương pháp. Để đáp ứng được, mỗi thầy cô phải thay đổi chính mình, tự học và sáng tạo. Cần, cần lắm những người thầy có tâm, có tầm như thầy giáo Nam.

Chúc thầy gặt hái nhiều thành công hơn nữa, trong sự nghiệp của mình. 

Sơn Quang Huyến