Thế giới hiểu sai Trung Quốc, Bắc Kinh không độc chiếm Biển Đông?!

26/08/2013 13:51
Hồng Thủy
(GDVN) - China.org.cn khẳng định: "Không có tài liệu chính thức hay tuyên bố chính thức nào của Trung Quốc yêu sách chủ quyền toàn bộ Biển Đông, họ chỉ yêu sách chủ quyền đối với một số quần đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông và Trung Quốc chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại. Trung Quốc cam kết tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sẽ duy trì tự do hàng hải trên vùng biển này"?!
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.
Ngày 26/8, trang China.org.cn thuộc Văn phòng Thông tin chính phủ Trung Quốc lãnh đạo, Cục Sự nghiệp phát hành xuất bản ngoại văn Trung Quốc trực tiếp quản lý, là một cổng thông tin chính thức của nhà nước và các bộ ngành Trung Quốc có bài xã luận cho rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và "một số nước Đông Nam Á" đã hiểu sai khái niệm "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, đặc biệt gắn với các vùng biển tranh chấp, cụ thể là Biển Đông. Bài báo đặt vấn đề về khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" mà China.org.cn cho rằng đang bị hiểu sai là khái niệm được chính ông Tập Cận Bình - Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra trong phiên học tập tập thể Bộ Chính trị chiều 30/7 vừa qua. Tại đây ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với những diễn biến phức tạp, nâng cao năng lực quốc gia để bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải, chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên ông Bình công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ cái gọi là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc sau quá trình chuyển đổi lãnh đạo.
Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc chiều 30/7, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không nhân nhượng đối với "lợi ích quốc gia cốt lõi" và chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh hải với láng giềng thông qua phương châm phi lý, không thể chấp nhận được: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác".
Ông Tập Cận Bình chủ trì phiên học tập tập thể Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc chiều 30/7, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không nhân nhượng đối với "lợi ích quốc gia cốt lõi" và chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh hải với láng giềng thông qua phương châm phi lý, không thể chấp nhận được: "Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác".
Ngay từ ngày 28/1/2013 trong một phiên học tập tập thể của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Bình đã phát biểu: "Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hòa bình, nhưng sẽ không bao giờ từ bỏ lợi ích chính đáng của mình, không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi của Trung Quốc." "Đừng quốc gia nào mơ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận đem lợi ích quốc gia của mình ra đổi chác hoặc Trung Quốc sẽ để yên (các hành vi gây) tổn hại đến lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc." Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh. Khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" được Trung Quốc lần đầu tiên công khai công bố trong một văn bản hành chính chính thức, theo China.org.cn là tại sách trắng về phát triển hòa bình được chính phủ Trung Quốc (Quốc vụ viện) ban hành tháng 6/2011. Trong tài liệu này, khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" được giới chức Trung Quốc xác định là chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, hệ thống chính trị của Trung Quốc được thành lập theo hiến pháp, ổn định tổng thể xã hội và các biện pháp cơ bản để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Truy tìm nguồn gốc của khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc, bài báo cho hay khái niệm này lần đầu tiên được ngành ngoại giao Trung Quốc đưa ra khoảng năm 2005 bởi các quan chức ngoại giao cấp trung khi đề cập đến vấn đề Đài Loan. Năm 2007, "do tình hình quốc tế biến động", các quan chức ngoại giao Trung Quốc bắt đầu công khai sử dụng cụm từ "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc khi nhắc tới vấn đề Đài Loan, Tây Tạng. Ở cấp trung ương, lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc tiến hành "phân loại các lợi ích quốc gia cốt lõi" của mình là tại phiên Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ tháng 7/2009.
Ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc được cho là khi còn đương chức đã công khai sử dụng khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc.
Ông Đới Bỉnh Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc được cho là khi còn đương chức đã công khai sử dụng khái niệm "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc.
Sau đó, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đã tổng kết "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc gồm: Bảo vệ hệ thống chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Nói rồi China.org.cn kết luận, tuyên bố "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc dựa trên 2 cân nhắc. Một mặt, "một số quốc gia đang trở nên lo lắng hơn về sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc và đã thúc đẩy tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc gây lo ngại cho người dân Trung Quốc và những người làm chính sách"?! Rõ ràng đây là một kiểu ngụy biện thô thiển, nếu Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" như họ vẫn nói thì sự trỗi dậy của nền kinh tế sẽ có tác động tích cực đến khu vực và được chào đón, không ai lo ngại vì điều đó, mà chỉ lo ngại về những âm mưu, hệ lụy nguy hiểm đằng sau sự trỗi dậy về mặt kinh tế là sự bành trướng sức mạnh quân sự, đặc biệt là trên các vùng biển tranh chấp. Chính Trung Quốc đã và đang gây căng thẳng trên các khu vực tranh chấp, đặc biệt là tại Biển Đông với hàng loạt động thái về chính trị (thành lập cái gọi là Tam Sa), quân sự (tập trận dồn dập, trái phép...), kinh tế (xua tàu cá ra Biển Đông...) hay ngoại giao - tuyên truyền, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà chính Trung Quốc là một thành viên. Ấy vậy mà China.org.cn ngụy biện rằng "các nước thúc đẩy tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc"?! Do đó, Trung Quốc cần phải tuyên bố một cách rõ ràng lợi ích quốc gia cốt lõi của mình để tránh bị tổn hại, xói mòn các lợi ích hơn nữa?!
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc thành lập phi pháp hòng "quản lý" hầu như toàn bộ Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc thành lập phi pháp hòng "quản lý" hầu như toàn bộ Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lý do thứ 2 China.org.cn đưa ra thì chỉ có người Trung Quốc, đặc biệt là giới hoạch định chính sách đầy tham vọng mới hiểu, đó là "người dân Trung Quốc ngày càng trở nên ý thức về tranh chấp lãnh thổ, kêu gọi chính phủ bảo vệ tốt hơn các lợi ích quốc gia" của họ. Tờ báo cho rằng tuyên bố về "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Tờ báo đổ trách nhiệm cho "một số phương tiện truyền thông, cố vấn và các sĩ quan quân đội" (không nói rõ là Trung Quốc hay nước ngoài?) đã hiểu sai về tuyên bố lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc như một sự thay đổi chính sách khu vực và mở rộng sức mạnh của Trung Quốc ra bên ngoài. Những miêu tả được cho là "không chính xác" này, theo China.org.cn chắc chắn đã bị ảnh hưởng bởi chính sách đối với Trung Quốc của Washington?! Tháng 7/2010, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản và Mỹ dẫn lời một chuyên gia giấu tên của Mỹ nói rằng Trung Quốc đã xác định Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Quốc, và Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ nên tham gia đấu tranh chống lại Trung Quốc trong vấn đề này. China.org.cn khẳng định: "Không có tài liệu chính thức hay tuyên bố chính thức nào của Trung Quốc yêu sách chủ quyền toàn bộ Biển Đông, họ chỉ yêu sách chủ quyền đối với một số quần đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông và Trung Quốc chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại. Trung Quốc cam kết tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sẽ duy trì tự do hàng hải trên vùng biển này"?! Một cách đặt vấn đề, khẳng định mù mờ và vu vơ mà Trung Quốc vẫn áp dụng khi đề cập tới Biển Đông, trong khẳng định này, China.org.cn cũng không nói rõ Trung Quốc có tuyên bố Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi" như dư luận vẫn phản ánh hay không, đồng thời phủ nhận Trung Quốc yêu sách chủ quyền "toàn bộ Biển Đông" nhưng lại lờ đi cái đường lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U do chính họ tự vẽ ra để đòi yêu sách với gần như 85% diện tích Biển Đông? Phải chăng giữa 85% diện tích Biển Đông trong yêu sách vô lý và phi pháp của Trung Quốc chưa phải là "toàn bộ" Biển Đông mà mới chỉ là "gần như toàn bộ Biển Đông", nên Bắc Kinh cho rằng thế giới đang "hiểu lầm khái niệm lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc?
Đường lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U, đường 9 đoạn vô lý và phi pháp do Trung Quốc tự chế ra hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Đường lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U, đường 9 đoạn vô lý và phi pháp do Trung Quốc tự chế ra hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Bài báo lại tiếp tục với giọng đe dọa, liên quan đến lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, Trung Quốc luôn chủ trương lựa chọn đối thoại để giải quyết tranh chấp, nhưng sẽ sử dụng biện pháp quân sự như "biện pháp cuối cùng để bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của mình". Bằng cách lập lờ đánh lận con đen giữa "Trung Quốc không yêu sách chủ quyền toàn bộ Biển Đông" với đường lưỡi bò vô lý, phi pháp chiếm tới 85%, gần như toàn bộ Biển Đông, bài báo cho rằng phản ứng của dư luận trước tham vọng của Bắc Kinh là "những tin đồn sai sự thật đã lây lan từ Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á". Theo China.org.cn, cái gọi là "tin đồn lây lan từ Mỹ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á" mà tờ báo cố tình quy kết là nhằm mục đích kích động leo thang tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông để biện minh cho việc Mỹ xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Ông Dương Khiết Trì khi còn làm Ngoại trưởng hồi tháng 3/2010 nói rằng: "Sẽ không công bằng khi xuyên tạc các hành động để bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc". Bài báo kết luận: Những quốc gia cảm thấy mâu thuẫn xung quanh tuyên bố của Trung Quốc về "lợi ích quốc gia cốt lõi" nên ghi nhớ lời ông Dương Khiết Trì?! "Giải thích một chiều chính sách đối ngoại của Trung Quốc là không khôn ngoan và không giúp gì cho việc giải quyết những vấn đề an ninh nhạy cảm đang tồn tại ở châu Á - Thái Bình Dương.
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy