Thế hệ trẻ cần yêu nước bằng trái tim nóng và một cái đầu lạnh

22/12/2019 06:20
Vũ Ninh
(GDVN) - Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh: Người dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta yêu nước bằng trái tim nóng và một cái đầu lạnh.

Ngày 20/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương; trường Trung học Phổ thông Đường An tổ chức hội thảo: “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông”.

Chia sẻ kiến thức bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia với học sinh phổ thông
Chia sẻ kiến thức bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia với học sinh phổ thông

Đến với buổi hội thảo lần này, diễn giả, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 hi vọng sẽ trang bị những kiến thức cơ bản về chủ quyền biển đảo cho học sinh và giáo viên trong trường.

Buổi hội thảo diễn ra trong không khí vui vẻ và sự hưởng ứng nhiệt liệt của thầy và trò trường cấp 3 Đường An.

Mở đầu buổi hội thảo là những tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu do chính các bạn học sinh trong trường thực hiện. Điều này thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với vấn đề biển đảo nói riêng và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nói chung.

Với tư cách là vị chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực biên giới lãnh thổ, Tiến sĩ Trần Công Trục đã trình bày nhiều nội dung được dư luận quan tâm.

Các phân tích, lý giải ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh của “Ông Biển Đông” giúp thầy và trò trường cấp 3 Đường An hiểu về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh trường cấp 3 Đường An (Ảnh:Vũ Ninh)
Tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh trường cấp 3 Đường An (Ảnh:Vũ Ninh)

Một trong những vấn đề được các em quan tâm đó chính là cuộc đối đầu căng thẳng giữa Việt Nam và các nước láng giềng (trong đó có Trung Quốc) về chủ quyền pháp lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Quan điểm của chúng ta là căn cứ vào quyền chiếm hữu thực sự được pháp luật quốc tế công nhận. 

Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các bằng chứng pháp lý lịch sử. Theo đó từ thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn, đất nước ta đã có cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu thực sự theo nguyên tắc lâu dài, liên tục, rõ ràng, hòa bình”.

Thầy Đỗ Xuân Hiền, hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao ý nghĩa của buổi hội thảo (Ảnh:Vũ Ninh)
Thầy Đỗ Xuân Hiền, hiệu trưởng nhà trường đánh giá cao ý nghĩa của buổi hội thảo (Ảnh:Vũ Ninh)

Bên cạnh đó Tiến sĩ Trần Công Trục cũng bác bỏ những luận điệu được Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo của nước ta.

Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích: “Chiêu bài của Trung Quốc là sử dụng các yếu tố lịch sử. Tuy nhiên điều này không thỏa đáng bởi vì nếu căn cứ theo yếu tố lịch sử thì lãnh thổ của Trung Quốc cũng chỉ được công nhận từ thời Tần Thủy Hoàng; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng tương tự như vậy chỉ có lịch sử 300 năm. 

Như vậy không thể lập luận theo yếu tố lịch sử. Việc khẳng định chủ quyền phải căn cứ vào chứng lý chiếm hữu thực sự mà Nhà nước ta đã thực hiện từ thời chúa Nguyễn, triều Nguyễn”.

Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ nhiều kiến thức quý báu và bổ ích xoay quanh vấn đề chủ quyền biển đảo (Ảnh:Vũ Ninh)
Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ nhiều kiến thức quý báu và bổ ích xoay quanh vấn đề chủ quyền biển đảo (Ảnh:Vũ Ninh)

Cũng tại buổi hội thảo, thầy và trò trường cấp 3 Đường An cũng được “Ông Biển Đông” thông tin, phân tích về Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng Lãnh hải (gọi tắt là Đường cơ sở) là căn cứ để xác định chiều rộng và giới hạn phạm vi của Lãnh hải, Vùng tiếp giáp Lãnh hải, Vùng đặc quyền về kinh tế (thường gọi là Vùng đặc quyền kinh tế), Thềm lục địa.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.

Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ các vấn đề về Biển Đông tới sinh viên Hải Phòng
Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ các vấn đề về Biển Đông tới sinh viên Hải Phòng

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển nói trên.

Nhắn nhủ đến thế hệ trẻ, Tiến sĩ Trần Công Trục mong các em: Tìm hiểu rõ ràng các chứng cứ pháp lý, các thuật ngữ liên quan, các văn bản, công ước, luật pháp quốc tế.

Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông cần kết hợp bởi một trái tim nóng và một cái đầu lạnh.

“Ông Biển Đông” bày tỏ: “Khi nhắc đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo mỗi người dân từ lãnh đạo cho đến thường dân đều thể hiện một tinh thần quyết tâm và yêu nước cao độ.

Nhưng chúng ta cần phải kết hợp một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Phải hiểu các quyền, lợi ích cơ bản theo đúng luật pháp quốc tế. Tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động”.

Trải qua 2 tiếng đồng hồ, Tiến sĩ Trần Công Trục đã chia sẻ nhiều thông tin quý báu bằng lối diễn đạt ngắn gọn, xúc tích. Điều này để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với hơn 1300 học sinh trường cấp 3 Đường An.

Hơn 1300 học sinh trường cấp 3 Đường An chăm chú lắng nghe "Ông Biển Đông" (Ảnh:Vũ Ninh)
Hơn 1300 học sinh trường cấp 3 Đường An chăm chú lắng nghe "Ông Biển Đông" (Ảnh:Vũ Ninh)

Em Hà Thu Huyền, học sinh lớp 12C, trường Trung học Phổ thông Đường An chia sẻ: 

“Buổi hội thảo ngày hôm nay rất ý nghĩa đối với thế hệ trẻ bọn em. Qua đó giúp giáo dục tinh thần yêu nước, yêu biển đảo. Những kiến thức mà thầy Trần Công Trục mang đến vô cùng bổ ích. 

Từ đó giúp chúng em định hình được việc tìm hiểu một cách có hệ thống quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông. 

Ngoài ra buổi hội thảo cũng thổi vào trong lòng chúng em tinh thần nhiệt huyết, yêu đất nước và cống hiến cho Tổ Quốc”.

Buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp (Ảnh:Vũ Ninh)
Buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp (Ảnh:Vũ Ninh)

Thầy Đỗ Xuân Hiền bày tỏ sự cảm ơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và diễn giả, Tiến sĩ Trần Công Trục: 

“Chúng tôi rất cảm ơn quý báo và Tiến sĩ Trần Công Trục đã tổ chức một buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa. 

Buổi hội thảo này không chỉ giúp các em hiểu được quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông mà bản thân những giáo viên như chúng tôi cũng hiểu được nhiều điều, nắm được nhiều khái niệm mới, điều khoản, luật pháp quốc tế. 

Để từ đó chúng tôi có thể lồng ghép những hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển đảo vào trong các bài giảng”.

Vũ Ninh