Thí sinh "đặc biệt" đến trường thi bằng xe lăn

03/07/2011 07:17
(GDVN) - Vui vì thông tin có thể được đặc cách xét vào trường, nhưng Hoàng bảo, vẫn thích dự thi để khẳng định bản thân.

(GDVN) - Bị liệt từ khi mới tròn 1 tuổi, 18 năm ngồi xe lăn, nhưng với thí sinh Phạm Vũ Hoàng, quê ở Gia Lộc, Hải Dương, ước mơ vào giảng đường đại học chưa lúc nào nguôi cháy bỏng.

{iarelatednews articleid='6303,6343,6358,6330'}

Sẽ được đặc cách vào thằng Đại học

Chị Phạm Thị Thịnh, mẹ Hoàng, cho biết, để đưa em đi thi, gia đình chị đã phải cố gắng gặt nhanh tới thửa ruộng cuối cùng. Cả bố, mẹ, anh và chú cùng từ Hải Dương lên Hà Nội trợ sức cho Hoàng.

“May được trường bố trí chỗ ở ngay trong ký túc xá nên việc đi lại thuận tiện,” chị Thịnh chia sẻ.

Phòng dự thi của Hoàng ở tận tầng 3 của Học viện Bưu chính viễn thông trong khi thang máy lại lên thẳng tầng 5. Hoàng phải nhờ sự trợ giúp của các anh sinh viên tình nguyện, đi thang máy lên tầng 5 và khiêng xe lăn từ tầng 5 ngược xuống tầng 3.

Hoàng là thí sinh khuyết tật nặng, không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt bản thân, nên theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay, em sẽ được miễn thi. Nhưng do ở quê, không biết được sự thay đổi này nên Hoàng vẫn làm thủ tục dự thi như bình thường. Chỉ đến khi lên làm thủ tục dự thi, được các sinh viên tình nguyện tư vấn, chị mới vào hỏi Hội đồng thi. “Hội đồng thi cho biết, một mặt, vẫn để Hoàng dự thi như bình thường, mặt khác, gia đình sẽ hoàn tất thủ tục giấy tờ để trường xem xét,” chị Thịnh vui vẻ nói.

Vui vì thông tin có thể được đặc cách xét vào trường, nhưng Hoàng bảo, vẫn thích dự thi để khẳng định bản thân.

Mẹ đua Hoàng vào tận phòng thi
Mẹ đua Hoàng vào tận phòng thi
Tự học ở nhà từ lớp 1 - 4

Chị Thịnh cho biết, Hoàng bị liệt từ khi em mới 1 tuổi, sau lần ngã từ trên hiên xuống dưới sân. Mặc dù gia đình đã chạy chữa rất nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả. Từ đó, chiếc xe lăn đã gắn chặt với Hoàng như một định mệnh nghiệt ngã của số phận.

Không thể tự đi lại, gia đình lại khó khăn nên Hoàng đến tuổi đi học, Hoàng vẫn phải thui thủi ở nhà. Niềm vui với Hoàng là những cuốn sách của anh. Được bố mẹ dạy cho biết mặt chữ, Hoàng mày mò tự học đọc, học viết, học làm các phép tính, hết sách lớp 1, lớp 2 rồi đến lơp 3, lớp 4.

Mãi tới năm 2004, khi đã 12 tuổi, Hoàng mới lần đầu tiên được đến trường. Không như những học sinh khác, Hoàng vào học thẳng lớp 5, “đốt cháy giai đoạn” tới 4 năm do lượng kiến thức ấy, em đã tự trau dồi ở nhà.

Việc đi lại của Hoàng phải nhờ vào các bạn sinh viên tình nguyện

Việc đi lại của Hoàng phải nhờ vào các bạn sinh viên tình nguyện

Mặc dù liên tục bị kéo điểm xuống bởi môn thể dục luôn ở mức điểm trung bình, 5,0, nhưng nhiều năm liền, Hoàng là học sinh tiên tiến. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, em đạt 43 điểm, trong đó môn toán được 10 điểm, môn lý 9,5 điểm.

Dự thi vào Học viện Bưu chính viễn thông, Hoàng bảo, em đã cân nhắc khá kỹ càng. “Công nghệ thông tin là lĩnh vực em yêu thích. Công việc ấy cũng phù hợp với một người bị khuyết tật vận động như em”, Hoàng chia sẻ.
Theo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: thí sinh là người khuyết tật không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.

Lãnh đạo các trường cho rằng, việc tổ chức thi cho các em khuyết tật rất phức tạp vì phải bố trí một phòng thi riêng, đội ngũ giám thị phức tạp lên tới 4, 5 người. Các thí sinh khuyết tật có ý chí học tập tốt là rất đáng khâm phục. Vì vậy, các em xứng đáng được hưởng chính sách ưu tiên để vươn lên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, giúp các em có được nghề nghiệp trong tương lai.


Tuấn Hoàng