Thiếu nữ đòi chết vì trượt Đại học

19/08/2011 07:09
Em nghĩ mình không phải con của bố mẹ, mình là điềm xấu của gia đình. Em đã viết thư tuyệt mệnh để lại cho mẹ và mua thuốc ngủ định tìm một cái chết êm ái.

(GDVN) - Cứ đến sau mùa thi đại học, song song với niềm vui của những gia đình có con đỗ đại học là những câu chuyện đau lòng của những thí sinh thi trượt đại học, thậm chí đã có những bạn trẻ tìm cách tự hủy hoại đời mình.

{iarelatednews articleid='8881,6979'}

Bỏ mạng sống chỉ vì... chiếc điện thoại

Cứ sau mùa thi đại học, nhiều bậc phụ huynh lại đưa con em mình đến trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý học đường của khoa Tâm Lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội để cùng đi tìm “con đường” mới trong cuộc đời của các em.

Liên tục tiếp xúc với các bạn trẻ tuổi, Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà, Giảng viên khoa tâm lý của trường cho biết, mỗi em đến trung tâm với một cảm xúc khác nhau. Có em được bố mẹ đưa đi, có em đến 1 mình. Trước kỳ thi đại học các em hồ hởi, hi vọng bao nhiêu thì kết thúc kỳ thi các em lại sầu não, trầm cảm bấy nhiêu.

Em Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) sau khi thi trượt đại học đã rơi vào trạng thái trầm cảm. Em thường xuyên nghĩ quẩn vì xấu hổ không muốn gặp ai. Đã có lúc em định tìm đến cái chết.

Được biết gia đình Lan Anh có hai anh em, anh trai của Lan Anh đã ra trường và đi làm, còn Lan Anh có nhiệm vụ phải thi đỗ đại học để kế chân mẹ khi mẹ về hưu. Theo tính toán của gia đình, khi Lan Anh ra trường cũng là lúc mẹ cô về hưu nên cái “ghế” của mẹ Lan Anh sẽ nhường cho cô.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để không phụ lòng cha mẹ, trong đầu Lan Anh lúc nào cũng đặt câu hỏi em phải thi đỗ đại học. Ai đến nhà chơi cũng khen em ngoan, chỉ cần cố gắng học tốt là thành “sao” của cả khu phố.

Nhưng mọi sự không như vậy. Nửa cuối học kỳ II năm lớp 12, được bố mẹ trang bị cho chiếc điện thoại để kịp liên lạc, với trí tò mò của tuổi mới lớn, Lan Anh suốt ngày loáy hoáy với chiếc điện thoại. Mỗi khi em bắt đầu học thì chiếc điện thoại lại réo lên, lúc thì tin nhắn, lúc thì có người gọi đến. Lúc đó em lại ôm chặt lấy cái điện thoại mà quên rằng nhiệm vụ của mình là học. Từ một học sinh tiên tiến, Lan Anh thụt hạng xuống học sinh có hạnh kiểm trung bình vì thường xuyên sử dụng điện thoại trong lớp.

Khi biết con thi trượt đại học, bố mẹ cô đã ném chiếc điện thoại của cô xuống sân khiến chiếc điện thoại nát tươm, còn mẹ cô thì thường la mắng “con giống ai mà học dốt, khó bảo”.

Lan Anh thực sự cảm thấy ân hận, áy náy vì mải chơi mà làm tan biến hết ước mơ của cả nhà. Từ những điều la mắng của mẹ, nói bóng gió của cha, Lan Anh rơi vào trạng thái stress.

Cuối cùng, em đã viết thư tuyệt mệnh để lại cho mẹ và mua thuốc ngủ định tìm một cái chết êm ái.

Ý đồ của em chưa được thực hiện thì mẹ em vào phòng con phát hiện thấy lá thư của con để lại. Quá hoảng loạn, bà mẹ đưa con đến gặp nhà tâm lý mong tìm lối thoát cho cả gia đình chứ không gì riêng con gái của bà.

Trường hợp của Lan Anh muốn tự vẫn nhưng được gia đình phát hiện kịp thời nên đã tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Sau kỳ thi đại học năm 2010, em Trịnh Công S. (HS lớp 12 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Khiết, trú huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) đã chết tại rẫy cách nhà khoảng 3km. Trong kỳ thi đại học một tuần trước đó, S đối chiếu với đáp án, thấy bài làm của mình không tốt. Quá chán nản S. đã bỏ nhà đi và trong lúc quẫn trí em đã uống thuốc rầy tự tử.

Tháng 8/2009, em Nguyễn Thị Vân (SN 1991, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã tự tử bằng lá ngón do thất vọng trước kết quả dự thi ĐH.

Nhất thiết phải có Đại học thì mới trưởng thành?

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hà cho rằng, ở lứa tuổi nào cũng dễ bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm, stress, tuy nhiên ở lứa tuổi đầu thanh niên, thì tỷ lệ thường gặp sẽ cao hơn vì đôi khi mong muốn và kỳ vọng của các em thường cao, ưa mạo hiểm, không lường hết khả năng của bản thân... do đó khi gặp thất bại hay áp lực thường dễ dẫn đến thất vọng và buồn chán.

Không chỉ có Lan Anh, đa số các em học sinh khi tìm đến nhà tâm lý ở tuổi này đều tỏ ra chán nản, buồn bã. ThS Hà cũng như các đồng nghiệp của ông thường khuyên các em nên suy nghĩ tích cực. Đừng coi đại học là mục đích, thực tế học đại học chỉ là phương tiện để đưa các bạn trẻ đến sự nghiệp mà thôi. Vì thế nếu có trượt đại học thì cũng không lấy gì làm tiếc nào bản thân vẫn quyết tâm và nỗ lực theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp mình đã chọn.

ThS Phạm Mạnh Hà
ThS Phạm Mạnh Hà
Về phía cha mẹ cũng không nên đặt quá nặng việc đỗ hay trượt đại học, giúp con lấy lại tinh thần, tìm hiểu kỹ mong muốn của con để rồi cùng con vạch ra một kế hoạch nghề nghiệp.

Lỗi của người lớn thường ở chỗ đặt kỳ vọng quá cao vào năng lực của con, thường ít quan tâm đến mong muốn và nguyện vọng của con mà lại hay áp đặt bằng quan điểm và mong muốn của mình. Xã hội cũng có một vai trò quan trọng. Áp lực học tập, áp lực thi cử, chủ nghĩa bằng cấp là những nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng mà học sinh thường gặp phải trong học tập, thi cử.

Là một chuyên gia tâm lý đồng thời cũng là một người thầy giáo, ThS Phạm Mạnh Hà cảm thấy đau long khi có một em học sinh nào bị điên, tự tử vì thi trượt đại học. Đây là hậu quả đáng tiếng cho cả học sinh và gia đình. Nếu học sinh được hướng nghiệp đầy đủ, được trợ giúp tâm lý lúc căng thẳng và đau buồn thì sẽ không có chuyện này sảy ra.

Còn tiến sĩ xã hội học Trinh Hòa Bình trao đổi với chúng tôi rằng: "Tại sao các em học sinh lại chăm chăm cho rằng đại học là con đường duy nhất. Sức nặng của cha mẹ, của xã hội là áp lực lớn đối với các em. Gia đình, xã hội nên cho các em biết đại học không phải là con đường duy nhất. Thực tế, có rất nhiều người thành công nhưng vẫn không có bằng đại học. Các em hãy tự tạo cho mình ý trí vượt qua khó khăn, bản lĩnh để bước qua trông gai trước mắt các em. Gia đình cũng đừng quá coi trọng, ép con học khi khả năng của chúng không đáp ứng đủ".

Cũng có ý kiến như trên, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn - Công ty TNHH tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng (PSYCONSUL co,.ltd) cho rằng việc các em học sinh hay tự tử khi gặp một sự cố nào đó cũng là do tác động của phim ảnh. Khi các em có chuyện, cha mẹ, thầy cô và bạn bè không nên hành xử thô lỗ, sỉ vả dẫn đến việc các em cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương tâm lý, lấy cái chết để giải quyết mọi việc.

Tâm lý của các em khi đi thi đại học rất lớn. Các em gánh trên vai kỳ vọng của cả gia đình, dòng họ và bạn bè. Khi không đạt được kỳ vọng đó các em cảm thấy chán nản, coi mình bất tài nên chỉ muốn tìm mọi cách hủy hoại bản thân mình. Thầy cô, gia đình nên hiểu tâm lý của học sinh, con em mình để tạo điều kiện thoải mái nhất cho con em mình cố gắng cao nhất trong cuộc sống.

Lan Chi