Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua tên lửa phòng không của Trung Quốc

14/05/2014 09:12
Việt Dũng
(GDVN)- Theo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, công ty Trung Quốc không đáp ứng được hết yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về đấu thầu tên lửa, nên có thể chuyển sang chọn của Mỹ hoặc châu Âu
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc
Tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Theo hãng Reuters ngày 7 tháng 5, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng tất cả điều kiện đấu thầu hệ thống phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cân nhắc lựa chọn khác. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng cho biết họ có ý định mua hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD của công ty này.

Tối ngày 6 tháng 5, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Nga đã điều chỉnh đấu thấu đối với chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng giá cá vẫn quá cao so với đối thủ khác. Bài báo cho biết, nếu Nga trúng thầu, điều này không có lợi cho việc loại bỏ mối lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của NATO.

Tháng 9 năm 2013, khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ lựa chọn hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 Trung Quốc và từ bỏ hệ thống tên lửa phòng không Patriot của công ty Raytheon Mỹ và châu Âu, các đồng minh NATO đã bày tỏ quan ngại. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khi đó cho biết, Trung Quốc đã đưa ra điều khoản cạnh tranh nhất, cho phép cùng hợp tác sản xuất với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Đàm phán với Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, nhưng chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào, bởi vì công ty này không hề đáp ứng hoàn toàn tất cả điều kiện của bên mời thầu". Nhưng ông không nói rõ những điều kiện cụ thể này là gì.

Cuối tháng 4 năm 2014, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài thêm hai tháng đấu thầu tên lửa phòng không của Mỹ và châu Âu. Từ sớm, quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cho biết, việc ký kết thỏa thuận với Trung Quốc hoàn toàn chưa từng đạt được.

Về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể lựa chọn mua loại tên lửa của nước khác, tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông cho rằng, lý do của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra không thuyết phục, đằng sau việc làm này của Thổ Nhĩ Kỳ có thể phần lớn là sức ép chính trị của Mỹ và NATO.

Trước đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ nói lựa chọn tên lửa HQ-9 của Trung Quốc thì Mỹ và NATO đều đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo, cho rằng tên lửa của Trung Quốc không tương thích với tiêu chuẩn của NATO, có thể nảy sinh vấn đề an ninh.

Tên lửa Patriot của Mỹ
Tên lửa Patriot của Mỹ

Giáo sư Lý Đại Quang, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, kết quả này có thể dự kiến, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, mọi phương diện đều bị Mỹ trói buộc. Ông dự đoán, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể lựa chọn nhà thầu châu Âu.

Lý Đại Quang tự tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực sự muốn mua hệ thống tên lửa của Trung Quốc, nhưng họ đã gặp phải trở ngại. Tiền lệ cũng có, trước đây Israel muốn xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc cũng đã bị Mỹ cản trở.

Theo Lý Đại Quang, hiện nay, Nga và Mỹ đối đầu trong vấn đề Ukraine, Nga có thể sẽ khó có được đơn đặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng mua hệ thống của Mỹ, có thể sẽ gây phản cảm cho Trung Quốc, cho nên khả năng họ cuối cùng lựa chọn nhà thầu châu Âu là khá lớn.

Trong khi đó, tờ “Nam Hoa buổi sáng” dẫn lời học giả Trung Quốc khác cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có thể mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. “Thổ Nhĩ Kỳ lấy Trung Quốc làm con bài để mặc cả, mục đích là ép doanh nghiệp Mỹ giảm giá, đưa ra thỏa hiệp”. 

Theo bài viết, vào tháng 3 năm nay, quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ Murad Bayar bất ngờ bị cách chức, ông này đã đóng vai trò quan trọng trong đàm phán mua hệ thống tên lửa của Trung Quốc.

Còn tờ “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã 3 lần kéo dài thời hạn đấu thầu, thời hạn cuối cùng là đến cuối tháng 6 năm 2014, điều này giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian cân nhắc báo giá của Công ty tên lửa phòng không châu Âu và công ty Raytheon Mỹ.

Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu
Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu

Bài báo cho rằng, nếu công ty Trung Quốc cuối cùng thắng thầu, thì đây là thắng lợi quan trọng trong xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, đánh dấu Trung Quốc có khả năng bước vào thị trường vũ khí châu Âu và Trung Đông. Nhưng, bài báo khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ xem ra hầu như không có khả năng lắm đạt được hợp đồng với công ty Trung Quốc.

Bài báo cho biết, đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2014 sẽ có kết quả đấu thầu tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việt Dũng