Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chợ đen buôn bán dầu mỏ của IS

29/11/2015 11:45
Đông Bình
(GDVN) - Nhiều nguồn tin khẳng định tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ trước hoạt động buôn bán dầu mỏ của IS trên lãnh thổ của mình.

IS bán mỗi thùng dầu 20 USD ở chợ đen Thổ Nhĩ Kỳ

Mạng sina Trung Quốc ngày 29 tháng 11 dẫn mạng Sputnik Nga đưa tin, cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq, một trong những nhà lãnh đạo của Liên minh pháp chế quốc gia Iraq, Mowafaq Al Rubai ngày 28 tháng 11 cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) Tiêu thụ dầu mỏ của Iraq và Syria ở chợ đen, giá mỗi thùng là 20 USD.

Nga không kích các xe chở dầu của IS
Nga không kích các xe chở dầu của IS

Theo báo báo, trong một tuyên bố trên Facebook, ông Mowafaq Al Rubai đã chỉ ra một số hoạt động “ủng hộ” của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó, ông đặt “cho phép các phần tử khủng bố giao dịch dầu mỏ” lên vị trí đầu tiên.

Ông Rubai cho rằng: "Sự ủng hộ đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là, các phần tử khủng bố bán dầu mỏ của Iraq và Syria với 20 USD/thùng ở chợ đen Thổ Nhĩ Kỳ, điều này rẻ hơn một nửa so với giá dầu mỏ quốc tế".

Theo ông Mowafaq Al Rubai, Thổ Nhĩ  Kỳ chính là cứ điểm để các phần tử khủng bố chiêu mộ những thành viên mới từ nước ngoài.

Tuyên bố của ông cho rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ trở thành địa điểm gặp gỡ của những sĩ quan chỉ huy IS và dân tị nạn để chiêu mộ, bao gồm ở Istanbul, sau đó thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ điều họ tới Mosul của Iraq hoặc Raqqa của Syria".

Mowafaq Al Rubai cho rằng, hàng tháng đều có vài trăm phần tử cấp tiến vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lực lượng an ninh địa phương có xu hướng nhìn như không thấy.

Ông còn chỉ ra, một số phần tử vũ trang bị thương rất có thể được chữa trị ở bệnh viện của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu những tuyên bố của Mowafaq là sự thật, thì rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ đang dính líu sâu với các phần tử khủng bố ở Syria và người ta càng tin hơn vào tuyên bố của Tổng thống Nga Putin khi cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác nào “đồng lõa” với khủng bố, điều này không chỉ nói đến việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga khi nó đang tấn công các phần tử khủng bố.

Nga không kích các mỏ dầu của IS
Nga không kích các mỏ dầu của IS

Các nguồn tin khác cho biết, tờ “Bild” Đức dẫn lời lại Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là “đồng lõa” với khủng bố, bởi nước này mua dầu từ các khu vực ở Syria do các phần tử vũ trang kiểm soát và việc này có đủ cơ sở để khẳng định.

Theo đó, tờ “Bild” cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành người tiêu thụ chính dầu thô đến từ tay IS. Các thương nhân có quan hệ mua bán này và bọn khủng bố thu được 10 triệu USD/ngày.

Gần đây, các máy bay chiến đấu Nga đã tập trung không kích vào các cơ sở dầu mỏ của IS cũng như những đoàn xe chở dầu mỏ hướng đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, các đoàn xe chở vũ khí cho các phần tử khủng bố.

Ngày 27 tháng 11, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã công bố các hình ảnh không kích của các máy bay chiến đấu Nga vào những đoàn xe chở dầu nối đuôi nhau dài hàng chục km. Đoàn xe này chạy về hướng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Được biết, IS kiểm soát khoảng 6 khu vực sản xuất dầu, chúng bán dầu cho các trung gian ở vùng lãnh thổ của người Kurd, những người này sau đó lại bán cho khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Ngày 26 tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, việc buôn lậu dầu mỏ ngang nhiên và bất hợp pháp của IS tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu trong các cuộc không kích sắp tới. 

Một nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tên lầ Ali Edibogluan vào tháng 6 năm 2014 cũng khẳng định, IS đã thu được khoảng 800 triệu USD nhờ bán dầu mỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Số dầu này được sản xuất ở miền bắc Syria và ở gần Mosul, Iraq.

Tờ “New York Times” Mỹ dẫn số liệu của Bộ Thương mại Mỹ ngày 12 tháng 11 cho biết, dầu mỏ đem lại thu nhập khoảng 40 triệu USD/tháng cho IS.

Các nguồn tin phổ biến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm ngơ cho các hoạt động buôn bán dầu bẩn này của IS, thậm chí con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là Bilal Erdogan cũng bị nghi ngờ tham gia buôn lậu dầu mỏ ở Syria, bởi vì có hình ảnh trên kênh RT đăng tải gần đây cho thấy Bilal Erdogan đã cùng ăn tối với kẻ bị tình nghi là thủ lĩnh cấp cao của IS tại một nhà hàng ở Istanbul.

Biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị phong tỏa?

Đứng trước cuộc chiến chống IS hiện nay ở Syria có liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để các hoạt động chống khủng bố có hiệu quả hơn, trong đó có cả Pháp, Nga và Mỹ.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới với Syria
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực biên giới với Syria

Ngày 27 tháng 11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẵn sàng phối hợp với Syria triển khai phong tỏa biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiêu diệt khủng bố.

Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại việc Tổng thống Pháp Francis Hollande trước đó đã đề xuất triển khai các biện pháp cụ thể để phong tỏa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Nga tin là việc phong tỏa sẽ đem lại hiệu quả cho cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga hiện nghi ngờ về ý đồ thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả những nỗ lực chống khủng bố. Ông ám chỉ có nước đã chơi “chiêu bài khác”, “trao cho khủng bố vai trò của một đồng minh bí mật”.

Được biết, Nga đang tiếp tục mạnh tay ra đòn để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này bắn hạ máy bay chiến đấu ném bom Su-24 của Nga như cắt đứt các mối liên hệ về quân sự giữa hai bên, trừng phạt kinh tế, hạn chế thị thực…

Tổng thống Nga cũng không có dấu hiệu sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bên lề một hội nghị khí hậu ở Paris trong thời gian tới, nếu như ông Erdogan không đưa ra lời xin lỗi với Nga về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 Nga.

Được biết, phía Mỹ cũng đã hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ cần tăng cường triển khai quân đội để phong tỏa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Những lời kêu gọi đóng cửa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria thực sự đang trở thành vấn đề mới trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Đây cũng chính là vấn đề cấp bách hiện nay và các nước chắc chắn sẽ phải làm việc về vấn đề này. 

Nga không kích IS ở Syria
Nga không kích IS ở Syria
Đông Bình