Thời điểm Mỹ đưa quân đội can thiệp tình hình Syria đã đến rất gần?

06/06/2013 08:17
Việt Dũng
(GDVN) -Theo bài báo, Nhà Trắng yêu cầu Lầu Năm Góc định ra kế hoạch thiết lập vùng cấm bay ở Syria, trong khi đó vùng cấm bay thường là thủ đoạn cuối cùng trước khi can thiệp quân sự.
Tên lửa Patriot của Quân đội Mỹ
Tên lửa Patriot của Quân đội Mỹ

Mỹ triển khai tên lửa Patriot và máy bay F-16 ở láng giềng Syria

Tân Hoa xã ngày 5 tháng 6 có bài viết cho rằng, Mỹ sẽ điều 1 hệ thống tên lửa Patriot và nhiều máy bay chiến đấu F-16 tới Jordan để  hỗ trợ đối phó với mối đe dọa xung đột ở Syria. Nhưng, động thái này khiến dư luận suy đoán Mỹ có thể can thiệp quân sự đối với Syria.

Ngày 3 tháng 6, T.G. Taylor, người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm quân Mỹ có trụ sở tại Tampa, bang Florida, Mỹ cho biết, triển khai những hệ thống vũ khí này là một phần của cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia đã định, sau đó có thể sẽ để lại ở Jordan.

Taylor nói: "Là một phần của cuộc diễn tập Eager Lion, Mỹ đồng ý triển khai hệ thống tên lửa này và máy bay chiến đấu F-16 ở Jordan", "sau khi kết thúc diễn tập, nhận được yêu cầu của Chính phủ Jordan, những hệ thống vũ khí này có thể giữ lại ở đó để tăng cường năng lực và trạng thái phòng vệ cho Jordan".

Quan chức Mỹ từ chối cho biết sẽ điều bao nhiêu máy bay chiến đấu F-16 và sẽ có bao nhiêu chiếc giữ lại ở Jordan. Jordan đã tổ chức hai cuộc diễn tập "Eager Lion", cuộc diễn tập lần này được tổ chức vào cuối tháng này, dự kiến sẽ có 18 quốc gia trong đó có Mỹ tham gia.

Mạng tin tức truyền hình hữu tuyến Mỹ (CNN) dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, quyết định triển khai này do quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tại một hội nghị vào ngày 31 tháng 5. Không rõ thành phần tham dự hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì đang có chuyến thăm ở nước ngoài. Nhưng một số quan chức cho biết, ông Hagel biết cuộc thảo luận này và đồng ý triển khai.

Hệ thống tên lửa Patriot này vốn dự kiến sẽ được lấy từ căn cứ Fort Bliss, bang Texas, Mỹ. Nhưng, ông Taylor nói với phóng viên CNN rằng, có thể chỉ tái triển khai tên lửa Patriot đã có ở khu vực Trung Đông.

NATO triển khai tên lửa phòng không Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, sát biên giới Syria.
NATO triển khai tên lửa phòng không Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, sát biên giới Syria.

Đầu năm nay, nhận được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Mỹ, Đức và Hà Lan mỗi nước đều triển khai 2 hệ thống tên lửa Patriot ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sát với Syria. Mỹ cũng triển khai hệ thống tên lửa này ở Kuwait và Qatar.

Mỹ sẽ thiết lập “vùng cấm bay” Syria?

Tên lửa Patriot được thiết kế dùng để đánh chặn tên lửa Scud hoặc các tên lửa tầm ngắn khác, cũng có thể sử dụng để thiết lập "vùng cấm bay" hoặc tác chiến đường không khác.

Là nước láng giềng của Syria, việc triển khai hệ thống tên lửa này và máy bay chiến đấu F-16 ở Jordan đã thu hút sự phỏng đoán cho dư luận về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Sau khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát vào tháng 3 năm 2011, Mỹ ủng hộ phe đối lập Syria lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar Assad, nhưng cho biết không có ý định cung cấp vũ khí cho phe đối lập hoặc can thiệp quân sự vào tình hình Syria.

Tờ "Washington Post" Mỹ cho rằng, Jordan không có mối đe dọa tên lửa Scud từ Syria, cũng không có dấu hiệu cho thấy Syria có ý định tấn công nước láng giềng. Do đó, một số nhà phân tích cho rằng, triển khai tên lửa Patriot ở các nước láng giềng có 2 tầng hàm nghĩa, một là cho thấy Mỹ mạnh mẽ ủng hộ những nước này, hai là "cảnh cáo" nhà cầm quyền Syria, Mỹ đã làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần cho việc thiết lập "vùng cấm bay".

Tên lửa Patriot triển khai ở gần Syria để sẵn sàng can thiệp quân sự?
Tên lửa Patriot triển khai ở gần Syria để sẵn sàng can thiệp quân sự?

Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ gây sức ép lên Chính phủ, yêu cầu Mỹ đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong vấn đề Syria. Thượng nghị sĩ Liên bang John McCain gần đây đã trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Jordan" cho biết, triển khai tên lửa Patriot có thể là "bước đi đầu tiên" cho việc thiết lập "vùng cấm bay".

Tuy nhiên, một số quan chức Jordan cho biết, hệ thống tên lửa này sẽ chỉ dùng cho mục đích phòng thủ, ứng phó với những tên lửa được phóng từ nước láng giềng một cách vô ý hoặc cố ý.

Ngày 3 tháng 6, nữ phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki trả lời báo chí cho biết, "vẫn chưa quyết định" có để lại máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống tên lửa Patriot ở Jordan hay không. Cho dù có để lại thì mục đích cũng chỉ là tăng cường sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Jordan.

Bà nói: "Xét tới mối quan hệ đồng minh vững chắc giữa chúng tôi với Jordan, xét tới tình hình khu vực và các sự kiện bạo lực liên tục leo thang ở biên giới Jordan", "nếu Jordan yêu cầu, sau khi kết thúc diễn tập, những hệ thống vũ khí này có thể sẽ giữ lại để giúp đỡ Quân đội Jordan".

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ điều khoảng 200 binh sĩ từ trụ sở sư đoàn thiết giáp số 1 tại Fort Bliss tới Jordan, chủ yếu là nhân viên tham mưu quân sự, hỗ trợ Jordan xây dựng kế hoạch, ứng phó với nguy cơ vũ khí hóa học có thể xảy ra ở Syria và thảm họa nhân đạo quy mô lớn.

Jordan là một trong những đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, 5 năm qua đã nhận được khoảng 2,4 tỷ USD viện trợ của Mỹ. Trong cuộc nội chiến Syria, có khoảng 500.000 người dân tị nạn đã đổ vào Jordan, Jordan nhiều lần đề nghị cộng đồng quốc tế viện trợ.

Tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo
Tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo

Ván cờ Syria căng thẳng

Ngày 4 tháng 6, trang mạng "Mối đe dọa tên lửa" Mỹ cũng có bài viết cho biết thái độ của các bên sau khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở biên giới Syria.

Nga kiên quyết phản đối Mỹ và châu Âu cung cấp viện trợ quân sự cho phe đối lập, chuẩn bị thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa S-300 và máy bay chiến đấu MiG-29 cho Syria, trong khi đó các nghị sĩ Mỹ hy vọng Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho phe đối lập Syria.

Theo bài viết, Mỹ sẽ triển khai tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu F-16 ở Jordan để tiến hành diễn tập. Do mối đe dọa của cuộc nội chiến ở Syria, những vũ khí này sẽ để lại ở Syria vô thời hạn sau cuộc diễn tập, nhưng Mỹ từ chối tiết lộ quy mô cụ thể của việc triển khai binh lực.

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, trung tá Taylor cho biết, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần của cuộc diễn tập "Eager Lion", mục đích là tăng cường khả năng phòng thủ của Jordan, sau khi kết thúc diễn tập một bộ phận trang bị sẽ để lại theo yêu cầu của Chính phủ Jordan.

Mỹ từ chối tiết lộ đã triển khai cụ thể bao nhiêu máy bay chiến đấu F-16 và sẽ để lại bao nhiêu nhiêu ở Jordan sau khi kết thúc diễn tập.

Quan chức Jordan xác nhận, hệ thống phòng thủ tên lửa đang được triển khai để đề phòng các cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng. Jordan là đồng minh của Mỹ và tiếp giáp với Syria, đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn Syria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich chỉ trích Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tới gần Syria sẽ làm cho nhiều vũ khí hơn tràn vào khu vực này, Nga và Mỹ đang tìm cách thông qua hội nghị hòa bình quốc tế để giải quyết vấn đề Syria.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có thể bắn rơi các tên lửa tầm ngắn của Syria như tên lửa Scud, cũng có thể sử dụng cho "vùng cấm bay" Syria.

Biên đội máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Mỹ
Biên đội máy bay chiến đấu F-16 của Quân đội Mỹ

NATO đã triển khai hệ thống Patriot ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, đã triển khai 1.200 binh sĩ thao tác hệ thống. Chính phủ Syria phê phán việc triển khai của NATO là hành vi khiêu khích, Nga và Iran cũng giữ lập trường tương tự.

Nga bị chỉ trích do đồng ý cung cấp tên lửa S-300 cho Syria, nhưng Nga nhấn mạnh giao dịch dựa vào hợp đồng mấy năm trước, đồng thời không vi phạm luật pháp quốc tế, có lợi cho việc ngăn chặn xung đột bạo lực ở Syria.

Ngày 31 tháng 5, nhà máy chế tạo máy bay MiG Nga tiết lộ với báo chí, một đoàn đại biểu Syria đang thảo luận vấn đề bàn giao tên lửa tại Moscow và hợp đồng mới mua 10 máy bay chiến đấu MiG-29M/M2. Washington lo ngại điều này sẽ tăng cường thực lực cho Chính phủ Syria ứng phó với cuộc xung đột trong nước.

Trong tháng 5, châu Âu hủy bỏ cấm vũ khí đối với Syria, các nước châu Âu có thể hỗ trợ vũ trang cho quân nổi dậy chống lại chính quyền Bashar, Washington đồng ý giành tính linh hoạt lớn nhất cho châu Âu trong vấn đề gây sức ép với Bashar.

Moscow nhấn mạnh, việc triển khai tên lửa Patriot là bất hợp pháp, vũ trang cho phe đối lập cũng vi phạm luật pháp quốc tế, những điều này đều là hành vi bị các điều ước của Liên hợp quốc và luật pháp châu Âu cấm.

Theo bài báo, Nhà Trắng yêu cầu Lầu Năm Góc định ra kế hoạch thiết lập vùng cấm bay ở Syria, trong khi đó vùng cấm bay thường là thủ đoạn cuối cùng trước khi can thiệp quân sự.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột Syria, nhấn mạnh khả năng hòa giải rất nhỏ, các nghị sĩ Quốc hội trong nhiều trường hợp đã thúc giục Chính phủ áp dụng lập trường mang tính xâm lược hơn.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain ủng hộ viện trợ quân sự cho phe đối lập Syria, đến thăm Syria vào cuối tháng 5 và đã tiến hành gặp gỡ phe đối lập.

Nga chế tạo máy bay chiến đấu MiG-29M2 cho Syria.
Nga chế tạo máy bay chiến đấu MiG-29M2 cho Syria.

Cuộc xung đột Syria đã bước vào năm thứ ba, Damascus đã liên tiếp xảy ra các vụ nổ bom, theo đánh giá của Liên hợp quốc, ít nhất có 80.000 dân thường bị thiệt mạng.

Vì sao Nga chưa bàn giao tên lửa S-300 cho Syria?

Ngày 5 tháng 6, tờ "Dương Thành vãn báo" Trung Quốc cũng có bài viết cho rằng, ngày 4 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga vẫn chưa bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria để tránh phá vỡ sự cân bằng sức mạnh mong manh ở khu vực này. Ông Putin bày tỏ thất vọng về việc Liên minh châu Âu dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Syria.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, một số nước EU quyết định tạm thời không cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, cho rằng tạo cơ hội cho đàm phán ngoại giao và chính trị.

Ngày 4 tháng 6, tại Ekaterinburg, ông Putin đã tham gia hội nghị cấp cao Nga-EU, cuộc khủng hoảng Syria là chủ đề tiêu điểm của hội nghị. Tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Putin đã bảo vệ quan điểm của Nga về việc cung cấp tên lửa S-300 cho Syria, cho biết giao dịch vũ khí này phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng Nga vẫn chưa thực hiện hợp đồng.

Ông Putin nói: "Về hệ thống S-300, nó thực sự là một trong những vũ khí phòng không tốt nhất trên thế giới, chưa nói là tốt nhất", "hợp đồng được ký vài năm trước, còn chưa được thực hiện. Chúng tôi không muốn phá vỡ cân bằng sức mạnh khu vực".

Khi thăm Nga vào tháng trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu nga không được bàn giao hệ thống phòng không này.

Gần đây, Quân đội Israel ra tuyên bố đe dọa sẽ lập tức tiến hành phá hủy sau khi bàn giao. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 3 tháng 6 cho biết, Mỹ lo ngại tên lửa S-300 sẽ phá vỡ cân bằng quân sự Syria-Israel, đe dọa tổ chức hội nghị quốc tế về vấn đề Syria.

Ông Putin cho biết, Nga-Mỹ đã đạt thống nhất quan điểm về việc tổ chức hội nghị quốc tế vấn đề Syria, phía Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy tổ chức hội nghị này.

Chỉ có điều, "quân nổi dậy phe đối lập Syria thiếu thiện chí, không thể đưa ra đại diện thống nhất để tham dự hội nghị", phủ bóng đen lên triển vọng tổ chức hội nghị này. Ông Putin hy vọng phe đối lập Syria giải quyết những vấn đề này trong thời gian ngắn nhất.

Putin cho biết, Nga sẽ đưa ra đánh giá về việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria. "Nga sẽ không giấu giếm thực tế quyết định này làm chúng tôi thất vọng". Chỉ có điều, bất cứ ý đồ nào sử dụng vũ lực can thiệp Syria của nước khác "chắc chắn sẽ thất bại và sẽ tạo ra hậu quả nhân đạo nghiêm trọng".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Rompuy nói, EU không kéo dài lệnh cấm tập thể đối với việc cung ứng vũ khí cho Syria, có nghĩa là các nước thành viên sẽ tự quyết định có vũ trang cho phe đối lập Syria hay không, nhưng không ít quốc gia thành viên EU quyết định tạm thời không cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria "để có cơ hội thực sự cho việc thúc đẩy tiến trình đàm phán và giành được thành công".

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Quân đội Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Quân đội Nga
Việt Dũng