Thời tiết giao mùa, bé nên và không nên ăn gì?

03/04/2013 10:39
Thùy Liễu (TH)
(GDVN) - Thay đổi thời tiết thường xuyên, thời tiết nắng nóng, oi bức chính là những nguyên nhân cơ bản khiến trẻ dễ bị ốm vào mùa hè. Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, một việc làm đơn giản, hàng ngày nhưng vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần quan tâm là đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt với nhiểu loại rau, quả tươi..
Bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ

Thời tiết nắng nóng những ngày hè sẽ là nguyên nhân chính gây nên một số bệnh cho trẻ như viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy… Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc những bệnh nguy hiểm. Dưới đây là một số bệnh trẻ thường gặp trong thời điểm giao mùa xuân hè mà bố mẹ cần phải lưu ý:

- Tiêu chảy cấp: Một trong số những bệnh mà trẻ thường gặp trong thời điểm giao mùa xuân hè là tiêu chảy. Nguyên nhân mắc bệnh tiêu chảy có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng hoặc do Rotavirus. 

- Ngộ độc thức ăn: Thời tiết mùa hè rất dễ khiến thực phẩm bị hư hỏng. Không chỉ thế, thời tiết mùa hè nóng ẩm cũng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến phát triển nhiều hơn nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa. Trong khi đó, trẻ lại không ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên càng dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn bất cứ lứa tuổi nào. 

- Mụn nhọt: Vào thời điểm giao mùa, thời tiết đôi khi nóng bất thường, khiến trẻ em dễ nổi mụn nhọt, mức độ nhẹ có thể tự khỏi, nhưng nặng thường gây đau nhức, sốt, dẫn đến lười ăn. 

Thời tiết nắng nóng những ngày hè sẽ là nguyên nhân chính gây nên một số bệnh cho trẻ.
Thời tiết nắng nóng những ngày hè sẽ là nguyên nhân chính gây nên một số bệnh cho trẻ.

Làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa xuân hè, bố mẹ cần chú ý những điều sau:

- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ với các nhóm thực phẩm giàu canxi và vitamin. Vào những ngày nắng nóng, cơ thể thường dễ mất nước, bố mẹ nên cho con ăn những chất mát (mang tính chất bổ âm) như: chè đậu đen, nước bột sắn dây, nước chanh, cam vắt, sinh tố hoa quả…

- Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Tăng cường diệt muỗi, diệt bọ gậy bằng mọi biện pháp giúp hạn chế muỗi phát triển.

Những lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ vào mùa hè

Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ dinh dưỡng và nên được tăng cường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau giền, rau muống, bí xanh… chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Các món ăn cần được chế biến với thực phẩm tươi và nên cho ăn ngay sau khi nấu, tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn đã để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ. Giảm lượng dầu mỡ khi chế biến thức ăn cho trẻ.

Nên cho trẻ ăn nhiều các loại quả như: dâu tây, đu đủ, xoài, dưa hấu, đào chín… Những loại quả này rất giàu vitamin C, Kali, Beta-caroten… và các khoáng chất giúp cơ thể trẻ tăng cường sức đề kháng.

Tăng cường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau giền, rau muống, bí xanh… cho trẻ
Tăng cường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau giền, rau muống, bí xanh… cho trẻ

Một lưu ý vô cùng quan trọng trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ vào mùa hè là nước uống. Do trẻ thường vận động nhiều trong thời tiết nóng bức, ra mồ hôi nhiều nên dễ bị mất nước. Chú ý cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Bổ xung các loại nước uống có giá trị dinh dưỡng như nước cam, chanh, các loại nước ép từ quả tươi để tăng cường vitamin. Ngoài ra còn có sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống cũng là những loại nước uống nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của trẻ.

Các loại nước uống chế biến từ hoa quả nên cho trẻ uống ngay tránh để lâu trong môi trường nhiệt độ cao sẽ làm mất vitamin. Hạn chế cho trẻ uống nước lạnh, các loại nước, nước quả, sữa,…bảo quản trong tủ lạnh nên bỏ ra ngoài khoảng 10 – 15 phút trước khi cho trẻ uống.

Cha mẹ trẻ cũng nên lưu ý thêm khi thời tiết nắng nóng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm. Không cho trẻ ăn hoặc hạn chế ăn kem, nhất là kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng trẻ bị tổn thương, dẫn đến trẻ dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản.

Mùa hè các gia đình cũng thường chuộng các món ăn như nộm, rau sống, sa lát, khi chế biến những món ăn này cần lưu ý làm thật kỹ để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Tốt nhất là ít cho trẻ ăn những món này. Ưu tiên chế biến nhiều món ăn đa dạng cho trẻ từ rau củ, quả đã rửa sạch, nấu chín để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ trong mùa nắng nóng.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ, nhất là các loại vắc-xin phòng các bệnh mùa hè.

Những thực phẩm cho trẻ ăn ít vào mùa hè

- Đậu ván: Là loại đậu phổ biến, có rất nhiều vào mùa hè thường được dùng nấu chè, nấu nước uống giải khát khi trời nóng bức. Tuy nhiên, nếu con trẻ ăn nhiều đậu ván dễ làm tổn thương hồng cầu dẫn đến tình trạng thiếu máu hay còn gọi là tán huyết.

Để phòng bệnh cho trẻ trong tiết trời nóng bức, những thực phẩm như: đậu ván, hạnh nhân, bạch quả... nên cho trẻ ăn hạn chế.
Để phòng bệnh cho trẻ trong tiết trời nóng bức, những thực phẩm như: đậu ván, hạnh nhân, bạch quả... nên cho trẻ ăn hạn chế.

- Bạch quả: Là loại quả có rất nhiều công dụng, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như đau nửa đầu, tê chân tay, tăng cường trí nhớ… Tuy nhiên trong hạt loại quả này có chứa phenol, chất không có lợi cho trẻ em, kích thích dây thần kinh, niêm mạc đường tiêu hóa và dễ gây các bệnh về da.

- Hạnh nhân: Cho trẻ ăn quá nhiều hạnh nhân, sau 2-6 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn nữa là ngộ độc.

- Đậu hà lan: Đây là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng nhưng không vì thế mà lạm dụng, nhất là đối với trẻ em khi mà hệ tiêu hóa còn yếu. Ngoài ra, khi chế biến đậu Hà Lan, phải thật chín để phòng tránh ngộ độc và ngăn sapolin tác động xấu đến tế bào máu.

- Vải: Trẻ em ăn nhiều quả vải vào buổi sáng sớm sẽ đột ngột chóng mặt, ra mồ hôi lạnh, tái da, buồn ngủ, đánh trống ngực, một số trẻ còn cảm thấy đói, khát, tiêu chảy.

Thùy Liễu (TH)