Thông điệp của ông Donald Trump đằng sau sự "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên

01/07/2017 10:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Thông điệp đằng sau tuyên bố "hết kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên của ông Donald Trump mang nhiều ý nghĩa, nhắm tới không chỉ một mục tiêu.

Báo The Guardian, Anh quốc ngày 1/7 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khi tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, rằng:

Hoa Kỳ đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên về vấn đề hạt nhân của họ. [1]

Mỹ "hết kiên nhẫn"

Trong hội đàm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn tranh cãi về việc đối thoại nhiều hơn với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên là cách tốt nhất để hạn chế chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhưng chủ nhà đã nói rõ, ông không có tâm trạng nào theo đuổi đối thoại với chế độ mà Tổng thống Mỹ cáo buộc là không tôn trọng cuộc sống con người.

Ông Moon Jae-in tuyên bố với báo giới sau hội đàm, rằng Tổng thống Donald Trump đã chấp nhận lời đề nghị thăm chính thức Seoul vào cuối năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ảnh: AP.

Ông chủ Nhà Trắng thì nói, Mỹ - Hàn đang cùng phải đối mặt với các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đòi hỏi phải có phản ứng quyết liệt.

Chính quyền ông Donald Trump ngày càng bực tức hơn với ông Kim Jong-un vì Triều Tiên đã liên tục thử tên lửa trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, việc sinh viên Mỹ Otto Warmbier qua đời không lâu sau khi trở về từ nhà tù Triều Tiên trong trạng thái hôn mê sâu, càng làm gia tăng nỗi bất mãn trong lòng nước Mỹ.

Tổng thống Trump đã đặt kỳ vọng vào Trung Quốc sẽ gây áp lực buộc Bình Nhưỡng bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng ông thừa nhận rằng những nỗ lực của Bắc Kinh không hiệu quả.

Tại buổi họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, ông Donald Trump nói:

"Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chế độ Bắc Triều Tiên đã kết thúc, nó đã thất bại trong nhiều năm.

Thành thật mà nói, sự kiên nhẫn đó đã kết thúc.

Hoa Kỳ kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực và tất cả các nước có trách nhiệm, hãy tham gia cùng chúng tôi thực hiện các lệnh trừng phạt, yêu cầu Triều Tiên lựa chọn một con đường tốt hơn và nhanh chóng làm điều đó vì một tương lai khác...".

Khi phát biểu đáp từ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay:

"Thách thức lớn nhất mà hai nước chúng ta phải đối mặt là mối đe dọa hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump và tôi quyết định đặt ưu tiên hàng đầu vào vấn đề này, và sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong các chính sách liên quan.

Để đạt được điều này, chúng tôi sẽ sử dụng cả biện pháp trừng phạt lẫn đối thoại trong một cách tiếp cận toàn diện của từng giai đoạn, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.".

Báo The Guardian bình luận:

Mặc dù ông Donald Trump đã tránh chỉ trích công khai phương pháp tiếp cận mới với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên từ vị khách mời đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ nói rõ rằng

Ông không có tâm trạng nào để đối thoại với Triều Tiên nữa.

Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng coi xiết chặt các biện pháp trừng phạt là cách tốt nhất ép Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân của mình lúc này.

Tổng thống Hàn Quốc đã thất bại trong việc đưa ra bất kỳ chiến lược chung nào với Hoa Kỳ để đối phó với Triều Tiên.

Mỹ vẫn là bá chủ

Cá nhân người viết cho rằng, đây không chỉ là sự khác biệt trong quan điểm giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn về Triều Tiên.

Nó cũng không hẳn chỉ là sự "thất bại" của ông Moon Jae-in trong việc thuyết phục Tổng thống Donald Trump tăng cường đối thoại với Bình Nhưỡng, như bình luận của The Guardian.

Thông điệp của ông Donald Trump đằng sau sự "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên ảnh 2

Triều Tiên thêm áp lực, Trung Quốc thêm cơ hội

Đó còn là dấu hiệu cho thấy, Washington muốn Seoul hiểu rằng:

Hoa Kỳ vẫn giữ vai trò thống trị cục diện Đông Bắc Á.

Dù là quan hệ đồng minh đi nữa, nhưng Mỹ là người bảo trợ, còn Hàn là kẻ được bảo trợ an ninh.

Thái độ này của chủ nhân Nhà Trắng có lẽ là tất yếu sẽ xảy ra khi ông Moon Jae-in chủ trương theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập hơn với Hoa Kỳ.

Trước áp lực và những ngón đòn trả đũa bằng kinh tế - thương mại từ Trung Quốc, ông Moon Jae-in muốn xem lại vụ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Tân Tổng thống Hàn Quốc muốn đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng mà "không phải xin phép Hoa Kỳ", cũng chỉ bởi lâu nay vai trò và tiếng nói của Seoul trong vấn đề hai miền bán đảo quá yếu ớt.

Tân Tổng thống Hàn Quốc chủ trương phải có một đường lối đối ngoại độc lập nhiều hơn.

Tuy nhiên phát biểu của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn tại Vườn Hồng cho thấy, dường như "Tôn Ngộ Không vẫn nằm trong bàn tay Phật Tổ".

Đem tiền đến cho Mỹ

Cùng đưa tin về chuyến thăm này, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News ngày 1/7 cho biết:

Thương mại là một trong hai chủ đề lớn nhất của cuộc hội đàm giữa ông Donald Trump với ông Moon Jae-in, bên cạnh vấn đề Triều Tiên.

Ngay trước khi bước vào hội đàm, Tổng thống Mỹ nói với báo giới:

"Chúng tôi sẽ đàm phán lại hiệp định thương mại này (Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn) ngay bây giờ khi tôi nói chuyện với Tổng thống Hàn Quốc.

Hy vọng rằng đó sẽ là một thỏa thuận công bằng, công bằng với cả hai bên. Sẽ có nhiều khác biệt và sẽ tốt cho cả hai bên.

Nhiều người không biết, Hàn Quốc là một đối tác thương mại lớn với Hoa Kỳ và chúng tôi muốn một cái gì đó sẽ tốt cho người lao động Mỹ. 

Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể làm điều đó ngay hôm nay. Và tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể làm được nhiều việc khác nữa.".

Trong cuộc họp báo ở Vườn Hồng, ông Donald Trump nói, thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc năm 2016 đã tăng lên hơn 11 tỉ USD kể từ giữa năm 2011, khi thỏa thuận về hiệp định tự do thương mại Mỹ - Hàn được ký.

Hai chính phủ đang phải làm việc cùng nhau để tạo ra một mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại "công bằng".

Ông Donald Trump tuyên bố:

Thông điệp của ông Donald Trump đằng sau sự "hết kiên nhẫn" với Bắc Triều Tiên ảnh 3

"Việt Nam không ngả sang Trung Quốc, và Mỹ không bỏ Biển Đông"

"Các công ty Hàn Quốc bán xe ô tô của họ ở Mỹ, thì các công ty Mỹ cùng nên có cùng đặc quyền như vậy trên cơ sở tương ứng, công bằng.

Ngoài ra, tôi đã kêu gọi Hàn Quốc dừng việc cho phép xuất khẩu thép mà thị trường đã bão hòa.

Đây là những bước tiến quan trọng trong thương mại của chúng tôi, đó cũng là bước tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa 2 nước.

Một thỏa thuận hợp tác thương mại mới sẽ là tuyệt với với Hàn Quốc và tuyệt vời với Hoa Kỳ.".

Yonhap News bình luận, rõ ràng để cố gắng xoa dịu Washington trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn, 52 doanh nghiệp Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch cùng nhau đầu tư 12,8 tỉ USD vào Hoa Kỳ trong 5 năm tới.

Seoul cũng tuyên bố họ sẽ sớm bắt đầu nhập khẩu khí đốt của Mỹ cùng với thỏa thuận trị giá 25 tỉ USD, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ một công ty năng lượng ở Alaska.

Donald Trump cho hay, ông rất hài lòng khi tìm hiểu về các khoản đầu tư mới mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang thực hiện.

Ông cũng hoan nghênh thỏa thuận xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cảm ơn Hàn Quốc về việc mua vũ khí Mỹ, như máy bay tiêm kích F-35 của Lokheed Martin.

Ngoài ra, trong chuyến thăm này của Tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump cũng kêu gọi Seoul "chia sẻ công bằng" chi phí nuôi lực lượng quân sự Mỹ tại miền Nam bán đảo. Ông nói:

"Chúng tôi đang hợp tác để đảm bảo chia sẻ gánh nặng một cách công bằng nhằm hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc.

Việc chia sẻ gánh nặng là yếu tố rất quan trọng, một yếu tố ngày càng trở nên phổ biến, chắc chắn trong chính quyền này.".

Hình minh họa: Daily Star.
Hình minh họa: Daily Star.

Yonhap News cho hay, Hàn Quốc đang trả khoảng một nửa chi phí, tầm 900 triệu USD mỗi năm để duy trì khoảng 28500 lính Mỹ đồn trú trên đất nước mình.

Các quan chức Mỹ nói rằng, sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để duy trì lực lượng quân sự của họ đồn trú tại Hàn Quốc. [2]

Chúng tôi cho rằng, về mặt đối nội thì những hoạt động này cho thấy ông Donald Trump đã rất nghiêm túc và nỗ lực trong việc thực hiện cam kết "nước Mỹ trên hết" khi tranh cử Tổng thống.

Ông không chỉ mang lại việc làm cho người Mỹ, cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ và vốn đầu tư cho nền kinh tế Mỹ, từ đồng minh, đối tác cho đến đối thủ.

Donald Trump còn đang tối đa hóa các lợi ích địa kinh tế, địa chiến lược của Mỹ ở các điểm nóng hải ngoại. Bán đảo Triều Tiên hay khu vực Trung Đông là thí dụ điển hình.

Ở châu Á, Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế - quân sự, bành trướng ảnh hưởng và sức mạnh là một thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh đã có thể hất cẳng Hoa Kỳ.

Trung Nam Hải vẫn phải tìm sứ giả mang quà đến Nhà Trắng như Jack Ma để dọn đường cho ông Tập Cận Bình đến Mar-a-Lago.

Còn các đồng minh như Tokyo phải tìm cách sắp xếp hội nghị thượng đỉnh Nhật - Mỹ sớm nhất, rồi đến Ả Rập Saudi, và bây giờ là Hàn Quốc.

Chúng tôi cho rằng, thông điệp đằng sau tuyên bố "hết kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên của ông Donald Trump mang nhiều ý nghĩa, nhắm tới không chỉ một mục tiêu.

Nó xuất hiện cùng thời với lệnh trừng phạt 1 ngân hàng, 1 doanh nghiệp và 2 công dân Trung Quốc.

Nó cũng được đưa ra ngay sau khi Mỹ chính thức bán gói vũ khí mới cho Đài Loan, trị giá 1,4 tỉ USD. 

Bởi vậy, ngoài thông điệp trực tiếp đến Bình Nhưỡng (đừng được đằng chân lân đằng đầu!), nó còn có những ẩn ý với các đồng minh, đối tác, đối thủ của Mỹ trong khu vực.

Sự hết kiên nhẫn chiến lược ấy, trong ngắn hạn không đồng nghĩa với một biện pháp quân sự như 59 quả tên lửa Tomahawk mà Mỹ bắn vào Syria.

Nhưng mọi thứ có thể xảy ra nếu Triều Tiên thử hạt nhân lần nữa.

Hết kiên nhẫn chiến lược đồng nghĩa với việc áp lực của Mỹ lên Trung Quốc và các nước có liên hệ, làm ăn với Triều Tiên ngày một lớn hơn.

Ngoài ra, phải chăng nó còn có ý nghĩa nhắn nhủ Seoul, chớ "vượt mặt Mỹ" để đàm phán trực tiếp với miền Bắc?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.theguardian.com/us-news/2017/jul/01/donald-trump-declares-patience-is-over-with-north-korea

[2]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2017/07/01/0200000000AEN20170701001353315.html

Hồng Thủy