Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Lương 6 triệu đồng/tháng mua được nhà 30m2

21/08/2013 07:15
Hoàng Lực (nguồn VTC)
(GDVN) - “Nếu có lương 6 triệu đồng/tháng và sống một mình, bạn hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2... giá cả tùy vị trí và địa phương có thể dao động từ 6 – 12 triệu đồng/m2…” – Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết.
Mới đây trong chương trình giao lưu trực tuyến giải đáp những thắc mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ vay, cho vay mua nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp thuộc gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, rất nhiều vấn đề được dư luận, bạn đọc quan tâm đã được các chuyên gia, khách mời giải đáp. Là người nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách triển khai mua bán, thực hiện dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã vui vẻ trả lời hơn 100 câu hỏi của người dân, độc giả cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Nếu lương 6 triệu đồng và sống một mình thì bạn hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2”
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "Nếu lương 6 triệu đồng và sống một mình thì bạn hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2”
Độc giả Đinh Tùng (ở Hà Nội) băn khoăn: Tôi làm nhân viên văn phòng, lương tháng 6 triệu, vậy tôi có cơ hội mua nhà Hà Nội không thưa Thứ trưởng? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: “Đối với nhà thu nhập thấp, chúng tôi có dải rất rộng từ 30 – 70m2 , giá cả tùy vị trí và địa phương có thể dao động từ 6 – 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, ở Hà Nội chúng tôi có một số dự án giá từ 8 – 8,5 triệu đồng/m2 với diện tích căn hộ 30,2m2. Giá căn hộ khoảng 250 triệu đồng, bạn có vốn đối ứng 50 triệu đồng, có thể làm thủ tục vay ngân hàng 200 triệu đồng. 200 triệu đồng nếu được vay trong 10 năm thì mỗi năm trả 20 triệu đồng, mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi những tháng đầu tiên. Như vậy, tháng đầu tiên trả 2,6 triệu đồng/tháng. Nếu bạn lương 6 triệu đồng và sống một mình thì bạn hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2” – Thứ trưởng Nam khẳng định.
Theo Thứ trưởng, hiện nay đối với những người lương thấp hơn, Chính phủ sẽ có cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho thuê, chúng ta có thể đi thuê nhà để ở. Chủ trương là sau này sẽ phát triển mạnh nhà ở cho thuê. Việc giải quyết khó khăn về nhà ở như ở Việt Nam, phải giải quyết trong nhiều chục năm, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Là chuyên gia kinh tế nghiên cứu theo dõi biến động của thị trường BĐS Việt Nam những năm qua, GS Đặng Hùng Võ - khách mời của chương trình cho rằng: Hiện nay người dân vay tiền mua nhà ở xã hội được tạo điều kiện với mức lãi suất 6%/năm là rất ưu đãi. Nhưng so với nhiều nước khác trên thế giới, họ cũng có những nguồn vốn cho vay đối với người có thu nhập thấp với lãi suất thấp hơn. Trước lo ngại của độc giả Trần Thị Vân (Tân Bình, TP HCM) về việc quá tải nguồn cung nhà thu nhập thấp trong 2-3 năm tới, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, Hiện nay, chúng ta đã rơi vào tình trạng quá tải nguồn cung trong khu vực nhà ở giá cao, giá trung bình nên nhiều người có tâm lý lo ngại về việc nguồn cung quá mức đối với khu vực nhà ở xã hội. Tất nhiên khả năng nguồn cung tăng quá yêu cầu cần thiết đối với nhà ở xã hội rất có thể xảy ra nhưng không phải trong tương lai gần. Vì hiện nay, gần như chúng ta chưa đủ nguồn cung trong khu vực nhà ở xã hội. Để khắc phục được tình trạng cung quá mức trong tương lai, chúng ta cần có một hệ thống thống kê, dự báo về quan hệ cung-cầu thật chặt chẽ.

Độc giả Nguyễn Ngọc Tú (Sóc Sơn, Hà Nội) gửi đến GS Đặng Hùng Võ một câu hỏi khác bức thiết: Thưa GS, thu nhập của 2 vợ chồng tôi hiện nay khoảng 9 triệu đồng/tháng, thuộc diện thu nhập thấp. Tháng nào vợ chồng tôi cũng chỉ tiết kiệm được khoảng 500.000 đồng. Vậy với giá nhà từ 500 – 700 triệu đồng/căn, không biết đến bao giờ chúng tôi mới đủ khả năng để mua được?. Theo GS, thu nhập của người thu nhập thấp hiện nay liệu có với được tới giá nhà không? Và làm thế nào để người nghèo có thể có một chỗ ở tại Hà Nội?

Trả lời câu hỏi này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng, tức khoảng 100 triệu đồng/năm. “Tỷ lệ giữa giá nhà trung bình/thu nhập bình quân năm ở Việt Nam trước đây là khoảng 25 lần, nếu 1 người tiết kiệm 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm mới mua được nhà. Đây là nghịch lý lớn nhất của giá cả bất động sản Việt Nam. Theo tính toán này thì chắc chắn mỗi người lao động dù rất tiết kiệm thì cũng phải khi chết mới mua được nhà” – GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn.

Trở lại câu hỏi của độc giả Nguyễn Ngọc Tú, theo GS Đặng Hùng Võ phân tích: “Trong hoàn cảnh của bạn, nếu tính giá nhà là 500 triệu đồng/căn, thu nhập 100 triệu đồng/năm, thì tỷ lệ này là 5. Tỷ lệ này còn khá hơn con số 25 nói trên rất nhiều. Vậy chỉ còn vấn đề là tiết kiệm như thế nào để có thể mua được nhà.
GS Đặng Hùng Võ trả lời những thắc mắc của độc giả liên quan đến nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
GS Đặng Hùng Võ trả lời những thắc mắc của độc giả liên quan đến nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
“Nếu tiết kiệm được 1 triệu đồng/tháng thì sau hơn 40 năm bạn cũng có thể mua được nhà. Tất nhiên là trong hoàn cảnh của người thu nhập thấp thì cần sự trợ giúp từ nhiều phía như người thân, bạn bè,… mới có thể mua được nhà sớm hơn” – GS Đặng Hùng Võ nói.

Nhận định về việc nhiều doanh nghiệp đang xin chuyển đổi dự án sang làm nhà ở xã hội, theo GS có
- Hiện nay dù nói nhu cầu nhà ở xã hội lớn, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn không bán được nhà. Theo ông, vướng mắc ở đâu?

GS Đặng Hùng Võ: Vướng mắc chủ yếu tại Hà Nội là câu chuyện giá nhà ở xã hội trong một số trường hợp cao hơn giá nhà ở thương mại giá thấp khi có cùng hoàn cảnh chất lượng, điều kiện sống. Chính vì lý do này mà nhiều người đủ tiêu chuẩn vào nhà ở xã hội nhưng không muốn vào vì cho rằng giá như thế là cao. Tất nhiên chúng ta sẽ chờ đợi những thay đổi trong quản lý giá nhà ở xã hội để người dân thực sự được hưởng những ưu đãi của nhà nước thông qua việc tiếp cận nhà ở xã hội.
phải vì họ muốn tận dụng nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng của độc giả Thùy Linh (Gia Lâm, Hà Nội). Theo GS Đặng Hùng Võ, hiện nay áp lực vốn hiện nay là rất lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh bất động sản.

“Khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng rất khó khăn. Mặc dù ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất, nhưng với lãi suất như hiện nay cũng phải là lãi suất phù hợp cho xây dựng kinh doanh bất động sản. Trong tình trạng thị trường còn đang trì trệ như hiện nay, việc các nhà đầu tư tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp là một lợi thế lớn. Vậy các nhà đầu tư chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội cũng là một quy luật tất yếu”, GS Đặng Hùng Võ phân tích.

Theo GS Đặng Hùng Võ việc doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội dù lợi nhuận có thể thấp hơn so với dự án nhà ở thương mại, nhưng có thuận lợi về vốn. Chính vì vậy, hầu hết các nhà đầu tư hiện nay đều mong muốn chuyển dự án của mình sang nhà ở xã hội.

“Nhà ở luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là người dân lao động, cán bộ công chức. Vì vậy vấn đề phát triển nhà ở xã hội đã được các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm tạo ra chỗ ở cho các đối tượng chính sách, cán bộ công chức, người có thu nhập thấp, công nhân và sinh viên” – GS Đặng Hùng Võ cho biết thêm.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ trong quy định việc vay tiền mua nhà ở xã hội có chi tiết “khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ” là một rào cản quá lớn với những người lao động, thu nhập không ổn định.

“Vì cho người nghèo vay tiền thì không thể áp dụng cơ chế bắt người nghèo chứng minh khả năng trả nợ. Ở các nước khác, người ta dùng một cơ chế hoàn toàn khác khi cho người nghèo vay tiền. Hơn nữa, họ còn có các ngân hàng chuyên cho  người nghèo vay tiền mà người nghèo vẫn trả được nợ và ngân hàng vẫn có lãi” – GS Đặng Hùng Võ nói.

“Một ví dụ cụ thể là một chủ ngân hàng tại Bangladesh chuyên cho người nghèo vay tiền đã sử dụng cơ chế cộng động người nghèo, hỗ trợ, giám sát nhau trong việc sử dụng tiền vay cũng như việc trả nợ. Và ngân hàng chỉ cần có mối quan hệ tốt với cộng đồng. Ở Việt Nam cũng cần những cơ chế tương tự như thế này, không nên áp dụng cơ chế cho người giàu vay tiên đối với trường hợp người nghèo” – GS Đặng Hùng Võ đưa ra ví dụ.

Hoàng Lực (nguồn VTC)