Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

08/11/2017 09:24
Theo TTXVN
(GDVN) - Sáng 7/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Sáng 7/11, tại Đà Nẵng, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, tại Trung tâm Hội nghị Ariyana, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại bà Kwakwa, người bạn thân thiết, gắn bó với Việt Nam và cho rằng, thời gian qua, Ngân hàng Thế giới và Việt Nam đã có sự hợp tác hiệu quả.

Trong “Báo cáo 2035” (2016), Ngân hàng Thế giới đã có những đánh giá tích cực về Việt Nam không chỉ về mặt tài chính mà nhiều lĩnh vực khác.  

Nhấn mạnh Việt Nam luôn đánh giá cao vị thế của Ngân hàng Thế giới trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, Thủ tướng cho biết, mới đây, Việt Nam có hội nghị quan trọng về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long và ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị này.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và cho biết luôn vui mừng được quay trở lại Việt Nam, tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Bà bày tỏ ấn tượng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 ở khu vực Đông Á và Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. 

Cho biết 2017 là năm đánh dấu 20 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, bà Kwakwa mong muốn Việt Nam thúc đẩy đánh giá rủi ro và cơ cấu lại hệ thống tài chính cũng như có đột phá trong xử lý nợ xấu. 

Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công tác này và mong muốn giúp Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự thúc đẩy sự phát triển bao trùm của hệ thống tài chính. 

Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam rất lớn, Ngân hàng Thế giới mong muốn hợp tác với Việt Nam trong huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công-tư (PPP) và xây dựng cơ chế khác thu hút vốn tư nhân.

Việt Nam cần đưa ra các dự án trọng điểm thu hút đầu tư và Ngân hàng Thế giới có thể tham gia hỗ trợ như dự án Đường cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết vấn đề tiếp cận các khoản vay, khắc phục hiện trạng gần chạm trần nợ công. 

Hoan nghênh các đề xuất của bà Kwakwa, Thủ tướng cho biết Việt Nam có giới hạn trần nợ công không quá 65% GDP.

Đây là bài toán khó đòi hỏi một mặt Việt Nam phải tăng GDP mạnh hơn, đồng thời chọn những dự án quan trọng, thiết thực để đầu tư trọng tâm trọng điểm. Trong đó, vấn đề hợp tác hợp tác PPP là rất quan trọng. 

Việt Nam đã có quy định về vấn đề hợp tác hợp tác PPP, tuy nhiên vẫn chưa thu hút hiệu quả vốn đầu tư tư nhân.

Do vậy, Thủ tướng mong muốn hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong việc xây dựng thể chế để nâng cao hiệu quả cơ chế này. 

Hoan nghênh Ngân hàng Thế giới xây dựng Khung Đối tác Quốc gia Việt Nam 2017-2022, Thủ tướng cho rằng, đây là văn bản quan trọng định hình hợp tác Việt Nam- Ngân hàng Thế giới trong 5 năm tới với các trọng tâm là phát triển bao trùm và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân;

Phát triển nguồn nhân lực; Bảo vệ môi trường bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. 

Nhấn mạnh việc ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam về tài chính, tư vấn các chính sách chiến lược để giải quyết tình trạng này.

Theo TTXVN