Thưa Bộ trưởng, bao giờ mới hết những điểm trường lẻ như thế này?

02/06/2012 06:00
Xuân Hòa
(GDVN) - Chỉ vì quá khó khăn mà cứ đến mùa rẫy những học sinh tại điểm trường lẻ Nhọt Kho, thuộc trường TH Bắc Lý 2 lại phải bỏ học theo gia đình đi làm nương.
Nhọt Kho là một trong những bản người Mông hiếm hoi nằm len lỏi giữa đồng bào dân tộc Khơ – Mú thuộc xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây vẫn sống dựa vào rừng và nương rẫy. Tuy nhiên dó việc sản xuất, tập tục lạc hậu nên cuộc sống người dân nơi đây còn đói kém. Cả bản có đến hơn 90% hộ được xếp vào dạng đói nghèo. Việc thiếu ăn liên tục mấy tháng trời với những hộ dân nơi đây không phải là hiếm. Do đó việc học của con em đồng bào ở đây vẫn chưa được các phụ huynh quan tâm nhiều.

Điểm trường lẻ Nhọt Kho
Điểm trường lẻ Nhọt Kho
Rời con đường lớn đầy đá sỏi gập ghềnh chúng tôi lại tiếp tục phải leo lên một đoạn đường đất nhỏ dốc đứng lên triền núi nữa mới đến được điểm trưởng lẻ Nhọt Kho, thuộc Trường tiểu học Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Điểm trường Nhọt Kho hiện tại có 48 học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Mông theo học. Ngôi trường mặc dù được xây dựng bằng gỗ nhưng do lâu năm nên nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Nhất là mỗi khi mưa xuống do mái đã bị thủng nhiều chỗ nên không thể học được. Những bức tường bằng gỗ đơn sơ cũng đã mục nát không che chắn nổi gió lạnh mỗi khi mùa đông về. Do cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên những học sinh nơi đây đi học việc thiếu thốn đủ thứ. Khổ nhất là những khi mùa đông đến học sinh nơi đây không có quần áo để mặc, không có dày dép để đi.
Những lớp học tại Nhọt Kho đều phải học ghép hai lớp làm một
Những lớp học tại Nhọt Kho đều phải học ghép hai lớp làm một
“Nói ra là bảo hay kêu ca. Nhưng thực chất chúng tôi thì không sao nhưng các em còn nhỏ quá. Trường lớp thì đã tềnh toàng không chịu nổi mưa rét mà cứ đến mùa đông nhìn các em đi học không có quần áo ấm để mặc trông xót lắm. Cứ nhìn em nào em nấy với bộ đồ áo mỏng tanh đã cũ và bẩn hết, chân thì không dày dép đi học mà cứ ngồi co ro thật đáng thương mà lực bất tòng tâm”, thầy giáo Lầu Bá Rùa bùi ngùi chia sẻ. Cùng với đó hiện tại các lớp học tại đây hầu hết còn phải học ghép. Trong mỗi phòng học mà có tận hai lớp cùng học. Cùng với đó việc thiếu thốn về dụng cụ học tập, sách vở cũng là một vấn đề. Do thiếu sách vở nên nhiều lúc ở đây hai, ba em lại phải học chung một quyển sách.
Cứ đến mùa rẫy các em học sinh ở đây lại phải bỏ học đi rẫy như thế này
Cứ đến mùa rẫy các em học sinh ở đây lại phải bỏ học đi rẫy như thế này
Đáng buồn hơn hết là do tập tục lạc hậu, nhận thức người dân còn kém nên tình trạng cứ đến mùa rẫy học sinh nơi đây bỏ học là chuyện thường xuyên. Nhiều học sinh nơi đây cứ đến mùa rẫy bố mẹ lại bắt các em phải nghỉ học đi cùng với bố mẹ lên rẫy gặt lúa, đốt nương hay đi đào củ mài. Những em nhỏ hơn đang học lớp 1,2 thì phải ở nhà trông em. Chuyện cứ mùa rẫy đến trường lớp ở đây vắng bóng học sinh không còn là chuyện lạ. Để thuyết phục được đồng bào cho con em họ đi học cứ mỗi khi mùa rẫy về các giáo viên ở đây lại phải cuốc bộ vào từng nhà dân động viên. Thậm chí nhiều em đi theo bố mẹ làm rẫy sâu trong rừng các giáo viên cũng phải vào tận nơi xin cho các em về đi học và phải nuôi luôn các em khi bố mẹ chúng đi rẫy không có nhà. “Khổ lắm các chú ạ! Cứ mùa rẫy đến là lại phải lặn lội khắp các bản các rẫy để đưa các em về đi học. Nhiều lúc động viên mãi các em thì khóc đòi được đi học nhưng bố mẹ chúng lại không cho. Đến lúc cho về thì họ lại bắt “cho nó theo thầy thì các thầy phải nuôi nó chứ tao không nuôi nữa đâu”. Người dân ở đây họ cứ quan niệm đi làm rẫy, làm nương thì có ăn chứ học chữ thì không ăn được nên họ coi việc học của con em họ không đáng quan tâm bằng no cái bụng”, thầy giáo Lữ Đình Phú – người đã có 16 năm công tác tại đây tâm sự.
Những đứa trẻ nơi đây vừa đi học còn phải cầm theo cuốc để xong buổi học là lên rẫy luôn
Những đứa trẻ nơi đây vừa đi học còn phải cầm theo cuốc để xong buổi học là lên rẫy luôn
Điều đáng buồn nữa hiện tại Nhọt Kho cũng là bản có tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc dạng cao của xã Bắc Lý. Trong đó có những gia đình cả hai vợ chông đều nghiện nên việc bắt con bỏ học đi làm là chuyện thường. Nhiều em bố mẹ còn bắt nghỉ học đi làm để lấy tiền cho bố, mẹ mua ma túy để hút. Rời Nhọt kho trong hình ảnh những đứa trẻ trên tay vừa đi học vừa cầm chiếc cuốc mà thấy tương lai các em còn quá mù mịt như những làn khói thuốc khi bố mẹ các em phả ra. Mong rằng các em sớm có sự giúp đỡ để có tương lai tươi đẹp hơn và những mùa rẫy kế tiếp các em không còn phải bỏ trường đi làm rẫy. 
 
Xuân Hòa