Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm

07/08/2016 08:00
Trần Sơn
(GDVN) - “Đúng quy trình” đã trở thành câu cửa miệng của không ít quan chức, ngược lại “nhận trách nhiệm” hình như không có trong từ điển của những người này

LTS: Thời gian gần đây dư luận dậy sóng với vụ luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh lên làm Phó Chủ tịch Hậu Giang và cấp phép cho Formosa hoạt động những 70 năm ở Hà Tĩnh.

Những vụ việc tày đình này tuy đã lộ ra những hệ lụy tai hại cho đất nước như tham ô, tàn phá môi trường, kinh tế biển… nhưng truy mãi vẫn chưa thấy các cấp ngành liên quan đứng lên xin lỗi và chịu trách nhiệm trước dân.

Luận bàn về văn hóa “nhận trách nhiệm” này, tác giả Trần Sơn đã có bài viết gửi đến tòa soạn.

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Hai sự việc đang làm xôn xao dư luận là vụ luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang năm 2015 và vụ tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho tập đoàn Formosa hoạt động tại Vũng Áng trong vòng 70 năm.

Gần đây, công luận đã quá chán ngán với cụm từ “đúng quy trình” được phát ra từ miệng của các quan chức khi các vị “công bộc” này biện minh cho các sai phạm hoặc “sự cố” xảy ra như là một “lá bùa” để rũ bỏ trách nhiệm.

Thực ra họ đã đánh tráo khái niệm bằng lối nói ngụy biện, theo họ, “đúng quy trình” là đúng quy định, nói thẳng ra, “đúng quy trình” là   “chẳng có gì sai cả”.

Có người đã chỉ rõ, “đúng quy trình” chỉ  lối nói nói “lấp liếm”, “đánh bùn sang ao” hay “cả vú lấp miệng em” vì “đúng quy trình” có chăng chỉ là đúng hồ sơ, thủ tục còn tiêu chuẩn và quy định thì nhiều khi sai bét.

Hai sự việc đang làm xôn xao dư luận là vụ luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang năm 2015 và vụ ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho tập đoàn Formosa hoạt động tại Vũng Áng trong vòng 70 năm.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh thì cả lãnh đạo Bộ Công thương và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đều khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, việc luân chuyển này là “đúng quy trình”.

Nhận lỗi, xin lỗi, có sửa lỗi? (Ảnh nguồn: congly.vn).
Nhận lỗi, xin lỗi, có sửa lỗi? (Ảnh nguồn: congly.vn).

Thế mà, qua kiểm tra đã phát hiện rằng ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc danh sách cán bộ luân chuyển, đồng thời ông này cũng có rất nhiều sai phạm trước khi được “luân chuyển” về Hậu Giang.

Quy trình bầu ông Thanh làm Phó Chủ tịch Hậu Giang cũng  được các cấp “hợp lí hóa” thủ tục, hồ sơ một cách rất chóng vánh mà có báo gọi là “tốc độ siêu thanh”, cái này thì phải gọi là siêu quy trình!

Tuy vậy, siêu quy trình này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: 

Các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ”.

Việc cấp phép cho Formosa hoạt động 70 năm của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng được ông Võ Kim Cự (người trực tiếp ký văn bản cấp phép) đinh ninh cho rằng “đúng trình tự quy định”, tức là “đúng quy trình”. Thậm chí ông còn nói rằng “việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật”. 

Có nghĩa là, theo ông Cự, việc cấp phép như vậy không những “đúng quy trình” mà còn cả “đúng quy định” nữa. Đúng là ông dùng lối lập luận rất có sức nặng, đó là  sự “khẳng định của khẳng định”.

Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm ảnh 2

Chuyện "quốc gia no ở giữa” và quốc nạn tham nhũng ngày nay

Mặc dù ông có khẳng định “hai lần đúng” như vậy, nhưng một vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lại cho rằng, ông Cự nói như vậy là “sai”, là “lấp liếm” vì “không có 12 bộ ngành thẩm định cho thuê 70 năm đâu”.

Nói cho ngay, việc cấp phép của Hà Tĩnh như vậy là trái luật (vì Luật Đầu tư quy định cấp tỉnh chỉ được cấp phép cho các dự án không quá 50 năm).

Vậy là, lí giải của ông Cự là lối “nói lấy được”, đánh đồng hai sự việc bản chất rất khác nhau, đưa cấp trên vào thế “chuyện đã rồi” theo kiểu “tiền cấp, hậu tấu” (cấp phép sai quy định trước, xin cấp trên hợp lí hóa sau).

Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm ảnh 3

Những chuyện kỳ nhưng không lạ!

(GDVN) - Trong xã hội chúng ta hiện nay có nhiều chuyện xảy ra rất kỳ nhưng nó không còn được người dân xem là chuyện lạ nữa.

Ngược lại với sự lạm phát của “đúng quy trình” là sự hiếm hoi của “nhận trách nhiệm”.

Thực ra, ngay việc quan chức có trách nhiệm sử dụng cụm từ “đúng quy trình” thì cũng có nghĩa là họ nói không với “nhận trách nhiệm” rồi.

Vì sao ư? Vì theo họ thì “đúng quy trình” tức là “mọi thứ đều đúng, không có gì sai cả”, mà “không có gì sai cả” thì sao phải “nhận trách nhiệm” nhỉ ?

Phải chăng, chính vì thế mà năm 2010, có vị Bộ trưởng đã từng làm đại biểu Quốc hội “sốc” với câu trả lời chất vấn giữa nghị trường, khi được hỏi về trách nhiệm của Bộ đó trong vụ Vinashin:

Chúng tôi không có một trách nhiệm gì mà phải chịu?”, hay đó chỉ là một phản biện mang tính phản pháo của ông Bộ trưởng không còn giữ được bình tĩnh?

Tuy hiếm hoi nhưng cũng đã có một vài vị quan chức “nhận trách nhiệm” rồi đấy chứ, chỉ có điều...

Điều ở đây là, có vị nhận trách nhiệm rất kỳ lạ “nhận mà như không nhận” theo kiểu: “Tôi xin nhận trách nhiệm nhưng tôi không có gì sai cả”.

Thừa thãi đúng quy trình, hiếm hoi nhận trách nhiệm ảnh 4

Tiền có cánh, đất có chân và những thứ đúng quy trình!

Điều nữa ở đây là, khi đã lâm vào đường cùng rồi, không thể không “nhận trách nhiệm”, thì thôi cũng phải nhận tí trách nhiệm để dư luận đỡ bức xúc, rồi “từ từ tính tiếp”. 

Chiêu này cũng giống như chuột trong hang bị hun khói, không thể không ra, có khi lao ra bất ngờ, biết đâu lại chạy thoát.

Các vụ việc gây chấn động gần đây, khi cơ quan chức năng đã kiểm tra và có kết luận sai phạm rõ ràng với đủ cả nhân chứng, vật chứng là minh chứng sống động nhất cho cách “nhận trách nhiệm” kiểu này, điển hình như vụ “cấp biển xanh cho xe tư ở Hậu Giang” và vụ “Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường các tỉnh miền Trung”.

Nhưng chỉ có điều (lại chỉ có điều) nhận trách nhiệm xong rồi, có khi lại tiếp tục vi phạm theo “đúng quy trình”: sai phạm - nhận trách nhiệm - sai phạm...

Và rồi cái cách họ xin tự xử các sai phạm cũng rất “tinh vi” và “tài tình” với các chiêu thức theo cấp độ từ thấp đến cao kiểu như: “kiểm điểm nghiêm túc” - “rút kinh nghiệm sâu sắc” - “xin lỗi”.

Đã đến lúc cần vô hiệu hóa cái bình phong “đúng quy trình” để chối bỏ trách nhiệm của một số quan chức sai phạm bằng cách xử lý nghiêm minh theo pháp luật chứ không chỉ bằng các cách “nhẹ hều” mà họ tự nhận.

Tài liệu tham khảo:

1.http://dantri.com.vn/su-kien/quy-trinh-bau-ong-trinh-xuan-thanh-lam-voi-toc-do-sieu-thanh-20160727110859964.htm.

2.http://vietnamnet.vn/vn/thời-sự/chính-trị/317347/ông-võ-kim-cự-không-đơn-giản-mà-hà-tĩnh-cấp-phép-cho-formosa.html.

3.http://dantri.com.vn/xa-hoi/cap-phep-dau-tu-cho-formosa-70-nam-tra-loi-cua-ong-vo-kim-cu-la-lap-liem-20160725132818105.htm.

4.http://vneconomy.vn/thoi-su/trach-nhiem-ve-vinashin-khong-the-noi-bo-ke-hoach-va-dau-tu-vo-can-201011230851748.htm.

Trần Sơn