Thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam

15/03/2019 08:00
Quế Chi
(GDVN) - Sau hơn 3 tháng thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đã đạt được những kết quả bước đầu.

Sau hơn 3 tháng thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đã đạt được những kết quả bước đầu.

Việc thực hiện tốt Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho đối tượng này là phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam - đó là những chia sẻ của ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

- Phóng viên: Xin ông cho biết, kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực, tổng số tiền doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài cho đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu?

So với giai đoạn trước khi chính sách này có hiệu lực, tình hình thực hiện nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội cho các đối tượng này có thay đổi gì đáng kể?

+ Ông Đinh Duy Hùng: Theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/12/2018 người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 

Việc đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng này được thực hiện theo lộ trình đóng vào từng quỹ thành phần, cụ thể như sau: 

- Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/12/2021, hàng tháng người sử dụng lao động đóng toàn bộ bằng 3,5% tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau, thai sản và quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; 

- Từ ngày 01/01/2022 trở đi, đóng bằng 25,5% tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội vào các quỹ ốm đau, thai sản, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ hưu trí và tử tuất; trong đó, người sử dụng lao động đóng bằng 17,5%, người lao động đóng bằng 8%. 

Thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam ảnh 2Công tác tuyên truyền Bảo hiểm xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2019, tổng số tiền đóng Bảo hiểm xã hội của lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên cả nước là 100,792 tỷ đồng. 

- Phóng viên: Theo thống kê của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, có bao nhiêu doanh nghiệp nằm trong diện phải đóng Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài?

Và số lượng lao động nước ngoài tại Việt Nam theo diện phải tham gia Bảo hiểm xã hội là bao nhiêu, thưa ông?

+ Ông Đinh Duy Hùng: Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 28/02/2019 (sau 03 tháng kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), tổng số đơn vị tham gia Bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị với số lao động là 51.524 người. 

Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên cả nước có khoảng trên 80.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động).

Như vậy, chỉ sau hơn 03 tháng triển khai Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là một kết quả khá khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới.

Thời gian tới, thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP; Công văn số 5300/LĐTBXH-Bảo hiểm xã hội ngày 17/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nằm bắt số lượng đối tượng người lao động nước ngoài thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện. 

- Phóng viên: Theo ông, chính sách đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài có tác động gì đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như việc thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam?

Việc thu nộp Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài hiện có gặp khó khăn, tồn tại gì cần sửa đổi?

+ Ông Đinh Duy Hùng: Chính sách Bảo hiểm xã hội đối với lao động di cư đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, việc Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, góp phần tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong nước với lao động nước ngoài, tạo tâm lý yên tâm làm việc cho người lao động.

Đây là một yếu tố tích cực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động chất lượng cao đến Việt Nam. 

Thực hiện Bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam ảnh 3Vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh

Vì là chính sách mới triển khai nên việc thu nộp Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài cũng còn một số vướng mắc, khó khăn như sau: 

Thứ nhất, về xác định đối tượng. Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018, là một chính sách mới lại không có Thông tư hướng dẫn.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ghi nhận một số vướng mắc của doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài và đang chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nắm bắt số lượng người lao động nước ngoài thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc và hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài thực hiện. 

Thứ hai, rào cản về ngôn ngữ. Người lao động là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài dẫn đến khó khăn trong giao dịch Bảo hiểm xã hội. 

Thứ ba, về khả năng đóng trùng. Lao động nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia Bảo hiểm xã hội tại nước sở tại và ngược lại.

Về vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội để tránh tình trạng đóng trùng Bảo hiểm xã hội.

- Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Quế Chi