Thực hư việc ông Trầm Bê treo hình giữa chánh điện hai ngôi chùa

29/04/2013 14:59
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - Chúng tôi đã đến hai ngôi chùa mà ông Trầm Bê bỏ tiền ra công đức để xây cất là chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom, tọa lạc tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Gần đây, dư luận rộ lên chuyện ông Trầm Bê phát tâm cho xây hai ngôi chùa này. Ngoài chuyện quan tâm ông Trầm Bê bỏ số tiền lớn để xây dựng hai ngôi chùa, dư luận đã phản ứng dữ dội trước thông tin đại gia đất Trà Vinh này đã cho treo hình cả gia đình mình ngay chính điện. Thực, hư thế nào?

Ảnh của ông Trầm Bê và gia đình treo ở đâu?

Trước tiên, phóng viên đã đến ngôi chùa Vàm Ray (Người Khơme gọi là chùa COMPONGPDHIPRUHS BONRAICHAS). Dưới ánh nắng chiều, ngôi chùa này lóng lánh vàng,  rực rỡ, nguy nga như một cung điện, theo kiểu kiến trúc Angkor. Nhiều người dân địa phương cho biết, ngôi chùa mới, tráng lệ này được xây dựng trên nền của ngôi chùa cũ, đã bị mục nát theo thời gian và có lịch sử tồn tại trên 600 năm.

>>>Xem thêm hình ảnh về hai ngôi chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom ở Trà Vinh


Chùa Vàm Ray.
Chùa Vàm Ray.

Ngôi chánh điện chùa Vàm Ray có 4 cổng, cổng chính quay mặt về hướng đông, hướng có bức tượng Đức Phật Thích Ca đang nằm nhập cõi Niết Bàn. Bức tượng Phật sơn vàng, rất lớn, có chiều dài khoảng 100 mét, nổi bật dưới tán những hàng cây xanh.

Bước lên bậc thang vào cổng chính ngôi chánh điện khoảng vài bước chân, trên bức tường phía trước, du khách và phật tử có thể thấy ngay một tấm biển lớn, được sơn thếp vàng, với những dòng chữ bằng hai thứ tiếng Khơme - Việt Nam: “Ông Trầm Bê – Pháp danh Tắc Hậu, bà Viên Đông Anh – Pháp danh Tắc Lượng, phát tâm xây dựng ngôi chánh điện chùa COMPONGPDHIPRUHS BONRAICHAS xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khởi công xây dựng chùa ngày 3/5/2004, hoàn thành công trình ngày 3/3/2008”.

Bảng công đức ghi tên ông Trầm Bê và vợ, bà Đông Anh trên vách cổng chính vào chánh điện chùa Vàm Ray.
Bảng công đức ghi tên ông Trầm Bê và vợ, bà Đông Anh trên vách cổng chính  vào chánh điện chùa Vàm Ray.

Nếu đi vào bằng cổng phụ nằm bên hông trái chánh điện, đập vào mắt người viếng chùa là 3 tấm bảng công đức, khắc tên 3 người con của ông Trầm Bê: Trầm Trọng Ngân (Con trai cả), Trầm Thuyết Kiều (Con gái thứ), Trầm Khải Hòa (Con trai út). Cả 3 bảng công đức này đều được sơn thếp vàng, phác họa hình ngôi tháp, bằng hai thứ tiếng Khơme và Việt Nam.

Bảng công đức đề tên 3 người con của ông Trầm Bê nằm trên vách, lối vào cổng phụ bên hông phải chánh điện chùa Vàm Ray.
Bảng công đức đề tên 3 người con của ông Trầm Bê nằm trên vách, lối vào cổng phụ bên hông phải chánh điện chùa Vàm Ray.


Tương tự, đường vào cổng phụ bên hông phải chánh điện, có 3 bảng công đức, với hình nổi của một người đàn ông, "chầu" hai bên là hai người phụ nữ. Theo người dân địa phương, những người này là cha ruột, mẹ ruột và mẹ lớn của ông Trầm Bê: Ông Dương Quơ, bà Thạch Thị Đôn, Trầm Thị Sinh. Tất cả những người này đã quá cố.

"Ông Trầm Bê là người sống tình nghĩa, đối đãi với vợ lớn của cha rất có hiếu, lúc bà còn sống. Khi bà mất, hàng năm ông đều tổ chức lễ giỗ đàng hoàng cho bà. Hôm nay là ông Bê ở Sài Gòn về làm giỗ cho bả đó" - Một người dân địa phương ở đây cho biết.

Bảng công đức có khắc tên, hình của cha ruột, mẹ ruột và mẹ lớn của ông Trầm Bê.
Bảng công đức có khắc tên, hình của cha ruột, mẹ ruột và mẹ lớn của ông Trầm Bê.

Nếu đi vào chánh điện bằng cổng hậu (cổng phụ phía sau chùa), khi bước lên vài bậc tam cấp, du khách, Phật tử sẽ thấy ngay một bức ảnh lớn, chiều cao khoảng 1 mét, chiều ngang khoảng 1 mét,  được lộng trong khung kính. Đó là  hình  ông Trầm Bê,  đứng cạnh vợ và 3 người con.

Trong bức  ảnh này, ông Trầm Bê và người con trai cả, con trai út của ông mặc trang phục vest đen, còn vợ và người con gái thứ của ông đều diện trang phục áo dài.

Chú thích cho bức ảnh này, không thấy tên các con của ông Trầm Bê mà chỉ có tên ông và vợ nằm dọc hai bên bức ảnh, bên dưới nổi bật dòng chữ: Phát tâm xây dựng ngôi chánh điện.

Hình ảnh gia đình ông Trầm Bê treo ngay cổng phụ phía sau ngôi chánh điện.
Hình ảnh gia đình ông Trầm Bê treo ngay cổng phụ phía sau ngôi chánh điện.

Tiếp tục bước vào bên trong, ngôi chánh điện được bày trí khá thông thoáng và đơn giản so với những ngôi chùa Việt. Trong không gian rộng thênh thang, chỉ có duy nhất một bàn thờ, với bức  tượng Phật rất lớn, là nơi để các Phật tử chiêm bái.

Xung quanh bốn bức tường trong chánh điện, là những bức ảnh tái hiện cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hoàn toàn không có một bức ảnh nào của cá nhân ông Trầm Bê hay gia đình ông được treo ở nơi linh thiêng nhất của ngôi chùa Vàm Ray này.

Bên trong chánh điện chùa Vàm Ray. Trên các vách tường là những hình ảnh tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, hoàn toàn không có tấm ảnh nào của ông Trầm Bê.
Bên trong chánh điện chùa Vàm Ray. Trên các vách tường là những hình ảnh tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, hoàn toàn không có tấm ảnh nào của ông Trầm Bê.

Rời ngôi chùa Vàm Ray, men theo con đường tráng bêtông vắng lặng, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã đi đến ngôi chùa thứ 2 mà ông Trầm Bê bỏ tiền ra xây cất, chùa Cà Hom.

Chùa Cà Hom cách chùa Vàm Ray khoảng 4 cây số, thuộc địa phận xã Hàm Giang. So về mức độ “hoành tráng” thì ngôi chùa Cà Hom kém nhiều so với ngôi chùa Vàm Ray.

Như mọi ngôi chùa Khơme, chùa Cà Hom vẫn có cổng chính hướng về phía Đông, hướng mặt trời mọc. Nhưng do địa thế của ngôi chùa, du khách muốn vào chánh điện, bắt buộc  sẽ đi vòng bằng cổng hậu.

Về việc treo những bảng công đức, cũng như tấm ảnh gia đình ông Trầm Bê,  đều được bày trí tương tự như ở chùa Vàm Ray. Chùa được xây dựng vào năm 2007.

Bên trong chánh điện của chùa Bà Hom cũng hoàn toàn không có bức ảnh nào của ông Trầm Bê hay các thành viên gia đình ông. Theo quan sát của phóng viên, trong khuôn viên chùa Cà Hom có rất nhiều trụ, cột, bên dưới có bảng công đức, ghi tên những Phật tử đã đóng góp xây dựng chùa, ghi rõ số tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Thợ xây dựng chùa, người dân xung quanh nói gì?

Ông Châu Khương, Phó trưởng Ban trị sự chùa Vàm Ray, đồng thời là một trong những thợ chính xây dựng chùa Vàm Ray, cho biết:

 “Khi chúng tôi khởi công xây dựng chùa, theo nguyện vọng của nhiều sư sãi, bà con Phật tử, mong muốn treo hình gia đình ông Trầm Bê ở trên vách, lối vào cửa sau chánh điện, như một kỷ niệm, tri ân việc ông đóng góp số tiền lớn để  xây dựng chùa. Nếu sư sãi, bà con Phật tử không đồng ý điều đó, ông Trầm Bê muốn treo hình như vậy, cũng không được, dù có đóng góp bao nhiêu tiền đi nữa. Thực tế là ông Trầm Bê không muốn treo hình như vậy, nhưng trước tấm lòng của mọi người, ông đã đồng ý”.

Riêng việc có ý kiến cho rằng, ông Trầm Bê đã bỏ tiền ra xây dựng ngôi chùa Vàm Ray mới hoàn toàn, “xóa sổ” ngôi chùa Vàm Ray cổ có thời gian tồn tại trên 600 năm, ông Châu Khương giải thích:

“Không có chuyện đó! Trước khi xây mới ngôi chùa như hiện nay, ông Trầm Bê đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng để mời thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy di dời hai gian ngôi chùa cũ ra cách xa hơn 100 mét, giữ nguyên trạng và bỏ ra một số tiền lớn để phục hồi. Sau khi di dời xong, chúng tôi mới bắt đâu xây dựng ngôi chánh điện”.

Ông Nguyễn Tấn Sự, từng là một cán bộ xã Hàm Giang, đồng thời cũng là một Phật tử từng tu, học tại chùa Vàm Ray, bức xúc:

 “Đồng bào Khơme đang đón tết cổ truyền Chol Cnăm Thmây, việc trên mạng lan truyền thông tin không đúng trên mạng mấy ngày qua, làm cho không khí vui tươi đón tết cùa bà con giảm sút. Đồng bào Khơme có truyền thống mang ơn, cho dù anh đóng góp 10.000 đồng vào việc xây dựng chùa, cũng được trang trọng ghi tên vào bảng công đức. Huống chi ông Trầm Bê đóng góp tiền tỷ để xây dựng chùa, thì việc treo hình, đề tên ông trên vách chùa, bên ngoài chánh điện, cũng là việc bình thường".

Ộng Sự lý giải:  "Chúng tôi làm điều đó là để tỏ lòng tri đối với ông Trầm Bê  thôi. Chừng nào chúng tôi treo hình ông Trầm Bê bên trong chánh điện, nơi Đức Phật ngự, thì mới có vấn đề… Chùa tồn tại mấy trăm năm, nếu sư sãi, Phật tử không đồng ý treo hình, dù ông Bê có 1 đống vàng, muốn treo hình mình cũng không được, chứ đừng nói có tiền là muốn làm gì là làm”.

Ông Nguyễn Tấn Sự, một Phật tử đã từng tu, học tại chùa Vàm Ray.
Ông Nguyễn Tấn Sự, một Phật tử đã từng tu, học tại chùa Vàm Ray.

Ông  Sự nói tiếp: “Bà con địa phương rất phẫn nộ, khi một số thông tin lan truyền trên mạng đã tự ý đổi tên chùa là chùa Trầm Bê… Ngôi chùa này có tên là Vàm Ray gần mấy trăm năm nay, bây giờ lại mang tên là chùa Trầm Bê? Ngay cả ông Trầm Bê cũng không hài lòng việc dân cư mạng tự tiện đổi tên chùa như vậy”.

Ông  Sự nói thêm: “Chùa Vàm Ray xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Sư sãi, bà con Phật tử đã xin ông Trầm Bê kinh phí để sửa chữa. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn vào việc làm tốt của ổng, chứ đừng quá khắt khe, xét nét… Một cái biển công đức, một tấm hình để ghi ơn ổng cũng không có gì là quá đáng.  Ngay cả con lộ đi vào xã Hàm Giang, cũng do ông Bê bỏ ra hơn 30% kinh phí, cùng với chính quyền địa phương xây dựng. Bao nhiêu năm nay, ông giúp bà con nghèo cả ngàn tấn gạo, xây dựng hàng trăm phòng học cho con em Trà Vinh, xây hàng trăm nhà tình thương cho bà con nghèo, đừng vì việc nhỏ mà làm lu mờ hết những việc làm tốt của ổng”.

>>>Xem thêm hình ảnh về hai ngôi chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom ở Trà Vinh


Lê Ngọc Dương Cầm