Thực phẩm chứa đỉa, tin đồn thất thiệt nhất ngành tiêu dùng năm 2012

26/12/2012 07:09
Thùy Liễu
(GDVN) - Trong năm 2012, sức lan tỏa của tin đồn thất thiệt xung quanh các sản phẩm chứa đỉa như sữa có đỉa, trứng gà, mì ăn liền, bim bim có đỉa.. không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý NTD trong nước, mà kéo theo đó, các doanh nghiệp dính tin đồn cũng bị “vạ lây”.
Vào khoảng giữa năm 2012, người dân tại các vùng nông thôn Việt Nam đổ xô đi săn lùng đỉa bán cho thương lái Trung Quốc với mức giá trên trời. Ngay sau đó, mật độ tin đồn thực phẩn chứa đỉa xuất hiện với mức độ dày đặc khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang. 1. Loạn tin đồn đỉa trong sữa
Tháng 9/2012, một thành viên mạng xã hội “chia sẻ” rằng: Hiện nay rất nhiều các loại sữa, bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc có đỉa: “Trường hợp đầu tiên phát hiện được là ở Tuyên Quang. Bệnh nhân nữ này đau bụng, được đưa đi bệnh viện đa khoa và được các bác sĩ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ. Sau đó,  khi tiến hành phẫu thuật, vị bác sĩ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa”.
Tin đồn đỉa xuất hiện hàng loạt trong sữa và nhiều tỉnh thành trong nước khiến người dân hoang mang, doanh nghiệp khốn đốn.
Tin đồn đỉa xuất hiện hàng loạt trong sữa và nhiều tỉnh thành trong nước khiến người dân
hoang mang, doanh nghiệp khốn đốn.
Trước đó, hồi giữa tháng 8/2012, một thông tin khác được nhiều thành viên chia sẻ khắp nơi trên mạng Facebook: “Trung Quốc đang thu mua đỉa của Việt Nam với giá 1 triệu đồng/kg… Mục đích: Sản sinh ra trứng cấy vào thức ăn. Khi trứng nở ra đỉa sẽ cắn, phá hủy nội tạng người mà không một thuốc nào có thể chữa được”… Trên một diễn đàn mạng khác, các thành viên còn bàn tán về việc Trung Quốc mua đỉa phơi khô rồi cán nhỏ cho vào thực phẩm xuất khẩu sang Việt Nam. Ở một số xã của huyện Thạch Thất (Hà Nội), nơi mà nhiều người đến thu mua đỉa với giá cao liên tục có những thông tin kiểu như vậy, khiến người dân hoang mang tột độ. Ngày 23/9, thông tin sữa Mộc Châu có đỉa được phát hiện tại gia đình chị Dương Thị Hồng (SN 1987, trú tại thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) khiến NTD càng thêm hoang mang, lo lắng. Tới giữa tháng 10/2012, tại xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội), xuất hiện thông tin một số kẻ lạ mặt bí mật thả đỉa đã cho hút máu của người nhiễm HIV xuống các ruộng khiến người dân nơi đây “mất ăn mất ngủ”. Nghiêm trọng hơn là việc những tin đồn có đỉa trong những sản phẩm thực phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng. Đầu tiên là tin đồn xuất hiện khi một gia đình ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện trong hộp sữa mở nắp đã lâu của gia đình có những sinh vật lúc nhúc màu trắng mà họ nghi là đỉa.  Tiếp đó, khoảng giữa tháng 9/2012, tại Mê Linh, Sóc Sơn (Hà Nội) cũng rộ lên tin đồn “có đỉa bò ngo ngoe trong sữa”. Tiếp đó là hàng loạt các hãng sữa khác cũng bị đồn loạn lên là có… đỉa. Ngày 12/11, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Công an và Hội Nông dân Việt Nam, kiến nghị giải quyết sự lan truyền của tin đồn “trong sữa có đỉa”. Mặc dù, các nhà khoa học và cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định đỉa không thể phát triển và tồn tại trong sữa, nhưng tin đồn “sữa có đỉa” tiếp tục xuất hiện với mức lan truyền cao tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Hiệp hội Sữa xác định, có dấu hiệu của một hình thức cạnh tranh không lành mạnh trong việc các tin đồn này lan tỏa. Bên cạnh đó, Hiệp hội Sữa cảnh báo, nếu tin đồn thất thiệt sữa có đỉa không được ngăn chặn kịp thời, các doanh nghiệp sẽ không thể bán được sản phẩm, hệ quả là người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng không thể bán được sữa cho các doanh nghiệp chế biến. Hiệp hội Sữa bày tỏ mong muốn Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm đối tượng gây tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng tới hàng vạn hộ dân nuôi bò và các doanh nghiệp trong ngành sữa Việt Nam. Đồng thời, công ty Vinamilk, một trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp từ tin đồn “sữa có đỉa” đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh như: Bình Định, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Phú Thọ tổ chức hội thảo nhằm giúp người tiêu dùng hiểu biết đúng về công nghệ sản xuất sữa, trang bị kiến thức tiêu dùng sản phẩm sữa. Từ đó, giúp NTD có kiến thức, hiểu biết hơn khi sử dụng sản phẩm, tránh các tin đồn ảnh hưởng đến tâm lý.2. Bim bim, mỳ ăn liền, dưa vàng cũng dính tin đồn có đỉa  Trong tháng 9/2012, ở một số xã nằm trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) rộ lên tin đồn một người dân mua quả dưa vàng nhập khẩu từ Trung Quốc về, bổ ra ăn thì phát hiện bên trong có đỉa.  Sau hàng loạt tin đồn các sản phẩm sữa có đỉa, ngày 2/10/2012, xuất hiện tin đồn đỉa phát hiện đỉa trong bim bim tại nhà bà Trần Thị Dưa, thôn Vân Thê Đập, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). 
Bim bim cũng trở thành "nạn nhân" của tin đồn có đỉa.
Bim bim cũng trở thành "nạn nhân" của tin đồn có đỉa.
Bà Dưa cho biết, ngày 1/10, bà bỏ những miếng kẹo Oishi vào thau nhôm, đổ nước máy vào ngâm và đến 10 giờ ngày 2/10 thì thấy trong chậu nước có khoảng 12 con vật như con lăng quăng chạy lúc nhúc. Bà Dưa gọi bà con đến xem sự việc và mọi người đều cho rằng đó giống con đỉa. Ban đầu, con vật có màu trắng, đến 15 giờ ngày 3/10 chuyển dần sang màu đen và dần to lớn lên theo thời gian.  Sau khi cơ quan chức năng kết luận bác bỏ tin đồn đỉa có trong sữa, bánh snack, mới đây tháng 11/2012, lại râm ran tin đồn có đỉa trong mì ăn liền. Tin đồn mỳ gói có chứa đỉa cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất mỳ lao đao. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mỳ gói cho biết: "Chúng tôi khẳng định đây chỉ là những tin đồn thất thiệt. Với quy trình sản xuất mì ăn liền khép kín, công đoạn chiên và hấp ở nhiệt độ rất cao, còn khi sử dụng phải chế nước sôi đến 100 độ C thì không có sinh vật hay ấu trùng nào có thể sống được". Phần lớn những tin đồn thất thiệt này chỉ lan tràn trên các trang mạng xã hội nên không có được những chứng cớ xác thực. Tuy nhiên, điều nhìn thấy rõ nhất sau những tin đồn thất thiệt này là ngành sản xuất mì gói trong nước bị ảnh hưởng không nhỏ.3. Trứng gà có đỉa  Ngày 9/11, một clip có tiêu đề "Phát hiện đỉa trong trứng gà tại Thái Nguyên" đã được tung lên YouTube. Ngay lập tức thông tin này được chia sẻ nhanh chóng trên các trang mạng xã hội. Theo người đưa clip lên mạng, đây là video có thật, ghi bằng điện thoại tại xóm trọ gần trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên. Bạn Trần Lai Thành, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên mua 2 quả trứng ở chợ Tiến Ninh, phường Tân Thịnh, TP.Thái Nguyên về để chế biến món ăn sáng. Khi đập trứng cho vào bát nhựa, Thành phát hiện có 2 vật thể ngọ nguậy màu đỏ. Trong vật thể không xác định màu đỏ này có chấm nhỏ màu đen. Rất nhiều người tới xem và cho rằng đó con đỉa non.
Trứng cũng "dính" nghi án chứa đỉa
Trứng cũng "dính" nghi án chứa đỉa
Khi thông tin trứng gà có đỉa được lan truyền, NTD không dám mua trứng về sử dụng hoặc có thái độ thận trọng, cảnh giác khi sử dụng. Bên cạnh đó, người nuôi gà, các đại lý, cửa hàng bán trứng ế ẩm. Theo bác sỹ Trần Đăng Huấn - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, về nguyên tắc, đỉa chỉ sống được trong môi trường tự nhiên. Trứng gà không phải là môi trường sống được của đỉa… Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Đại Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K thì đặt giả thiết, nếu có chuyện đỉa xâm nhập vào hậu môn của gà thì nó cũng không thể sống và tồn tại được vì đó không phải là môi trường trung tính. Ở cơ thể người, đỉa cũng chỉ sống được 1 thời gian rất ngắn trong một số bộ phận nhất định như: âm đạo phụ nữ, khoang mũi, khoang xoang, đường phế quản…4. Đỉa xuất hiện trên quần áo Ngày 6/11, chị Phan Thị Tâm ở phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng cho biết, chị mua 1 bộ quần áo cho cô con gái 1 tuổi tại một shop bán quần áo trẻ em đã phát hiện rất nhiều sinh vật lạ. Khi giặt bộ quần áo mới mua về, chị Tâm phát hiện trong chậu có hàng nghìn sinh vật lạ rất nhỏ màu xám, có chiều dài khoảng 0,5cm.
Đỉa xuất hiện trên quần áo?
Đỉa xuất hiện trên quần áo?
Chị gọi hàng xóm đến xem thì mỗi người một ý kiến khác nhau. Người cho rằng là đỉa con, người lại cho rằng là con lăng quăng. Chị Tâm đã đem đổ chậu nước và vứt bỏ bộ quần áo. Sau đó, chị lấy một chiếc quần khác của con đem ngâm thử và theo dõi. 3 ngày sau phát hiện trong chậu nước xuất hiện những sinh vật lạ giống hệt sinh vật xuất hiện trước đó. Có thể nói rằng, tin đồn về đỉa xuất hiện dày đặc, và có sức lan tỏa nhất trong năm 2012. Nó đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý NTD. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng gánh chịu những tổn thất không nhỏ. Ông Nguyễn Lân Hùng (Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam)  khuyên: “Người dân không nên quá hoang mang, tin ngay vào những lời đồn đại, kể lại mà nên trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định. Các cơ quan chức năng cũng cần phát đi thông điệp cho rằng đây là tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại nền kinh tế, gây mất ổn định xã hội. Trên thực tế, đã có những trường hợp bị xử phạt liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh”. Tuy nhiên, sau khi các tin đồn lan đi với tốc độ chóng mặt, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhằm minh oan cho các doanh nghiệp đồng thời trấn an tinh thần NTD. Thời điểm hiện tại, khi năm 2012 sắp kết thúc, những tin đồn thất thiệt về đỉa cũng lắng xuống, NTD đã có cái nhìn đúng đắn, hiểu biết hơn về sản phẩm mà họ sử dụng và trước một tin đồn chưa có cơ sở. 
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thùy Liễu