Thuê bao liên tục mất sóng, Vinaphone giải thích vòng vo

31/07/2011 08:03
Trong thời gian gần đây, mạng Vinaphone tại nhiều khu vực ở Hà Nội lại tái diễn tình trạng mất sóng song nhà mạng lại giải thích vòng vo, không rõ nguyên nhân.

Trong thời gian gần đây, mạng Vinaphone tại nhiều khu vực ở Hà Nội lại tái diễn tình trạng mất sóng hoặc sóng chập chờn, gây bức xúc và rắc rối lớn cho các khách hàng, song nhà mạng khi được hỏi vẫn vòng vo, không rõ nguyên nhân.

>> Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, Vinaphone thờ ơ với khách hàng?

Anh Quân, làm việc tại  công ty LINCON & Brother ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, cả tháng nay, thỉnh thoảng anh gọi điện hay đi gặp khách hàng lại nghe họ than phiền gọi cho anh nhiều lần mà không có tín hiệu, mạng toàn báo “thuê bao không liên lạc được”, trong khi anh luôn mở máy 24/24.

Anh khá lo lắng và bức xúc: “Lúc đầu tôi tưởng sóng chập chờn là do máy, nhưng khi lắp sim sang điện thoại khác thì vẫn nhận được phản hồi tương tự từ khách hàng, còn lắp sim của mạng khác vào thì sóng rất khỏe. Mỗi ngày tôi nhận hàng chục cuộc gọi quan trọng về công việc, nếu cứ tái diễn thế này thì không thể chấp nhận được. Tôi mong nhà mạng kiểm tra lại sóng di động ở một số khu vực ở Hà Nội để nhanh chóng xử lý thực trạng này, bởi nó gây thiệt hại không nhỏ tới công việc và cuộc sống của tôi”.

Sự cố “thuê bao không liên lạc được” của Vinaphone xảy ra liên tục thời gian gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của không ít khách hàng.

Sự cố “thuê bao không liên lạc được” của Vinaphone xảy ra liên
tục thời gian gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và
cuộc sống của không ít khách hàng.


Chị N.T.C., ngụ ở ngõ 204 Kim Giang (Hoàng Mai – Hà Nội), chủ thuê bao 0915xxxx91 cũng gặp trường hợp tương tự cả chục ngày nay. Cách đây hơn một tuần, chị C. rất ngạc nhiên khi tổng đài Vinaphone nhắn tin vào máy chị thông báo tới 16 cuộc gọi nhỡ trong ngày, trong khi chị mở máy 24/24. Tin nhắn gửi lúc 19h59 ngày 18/7, khi đó chị C. đang ở khu đô thị Định Công. Khi xem số gọi tới ở tin nhắn, chị C. gọi lại thì mọi người đều phàn nàn liên lạc với chị từ chiều đến tối không được.

Sự cố này không chỉ xảy ra một hôm, mà liên tiếp nhiều hôm sau đó, ngày 19, 23 và 25/7, chị C. lại nhận được tin nhắn thông báo cuộc gọi nhỡ của Vinaphone. Dựa vào thời gian của cuộc gọi trong tin nhắn, chị C. cho biết những lúc đó chị ở các khu vực Trường Chinh, Kim Giang, Ngã tư Sở.

“Ngày đầu gặp sự cố này, tôi cứ nghĩ hay khu đô thị Định Công sóng mạng Vina yếu nên máy tôi mới bị mất sóng. Thế nhưng sau đó khi tôi ở nhiều khu vực khác thì một số cuộc gọi đến vẫn không liên lạc được. Tôi thay sim Vina vào hai máy song đều gặp sự cố tương tự. Thậm chí, có lúc tôi lấy số Viettel tự gọi vào máy mình vẫn không có tín hiệu, trong khi máy Vina lúc đó đầy sóng. Thật không thể hiểu nổi một nhà mạng lớn nhất nhì Việt Nam mà lại gây ức chế cho khách hàng như vậy”, chị C. bức xúc.

Cũng theo chị C., sự cố “thuê bao không liên lạc được” xảy ra liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của chị. Vì chuyện này mà chồng chị hiểu lầm, cho đến khi chính chồng chị, cũng là khách hàng của Vinaphone, gặp “cảnh ngộ” này thì mới tá hỏa. Anh T. chồng chị, chủ thuê bao 0912xxxx44, cho hay, nhiều người gọi tới số điện thoại của anh, cuộc đầu tiên thường chỉ nhận được 3 tiếng tò tí te và thông báo không liên lạc được, nhất là gọi từ máy cố định. Có lúc người gọi liên lạc cả buổi vẫn không có tín hiệu.

Cách đây không lâu, chị Quyên, chủ thuê bao 0915xxxx78 còn gặp trường hợp gọi đến số Vina của chị A thì lại nghe giọng của anh B. Hôm sau hỏi lại chị A thì chị này bảo không nhận được cuộc gọi của chị Quyên, trong khi chị không hề bấm nhầm số. Thời điểm đó trên một số diễn đàn, nhiều người cũng phản ánh về sự cố kết nối nhầm lẫn “dở khóc dở cười” này của Vinaphone.

Ngoài những tình trạng trên, hiện không ít chủ thuê bao của Vinaphone còn kêu than, đôi khi đang nghe hoặc gọi cho người khác thì tín hiệu gián đoạn, phải tắt đi gọi lại.

Trên nhiều diễn đàn hay các trang mạng xã hội, tình trạng mất sóng, sóng chập chờn của Vinaphone có lẽ bị cư dân mạng than phiền nhiều nhất trong các mạng viễn thông lớn. Hầu như năm nào cũng có một hai đợt nhà mạng này bị mất sóng trên diện rộng khiến báo chí và cư dân mạng phải kêu than. Thậm chí cách đây vài năm, một phóng viên của báo Pháp luật TP HCM tại Hà Nội còn đòi kiện nhà mạng này vì chất lượng sóng yếu kém đã làm anh bỏ lỡ nhiều tin bài quan trọng và tòa soạn hiểu nhầm, bị trừ lương…

Khi chị C. gọi điện lên tổng đài 18001091 của Vianaphone để phản ánh tình trạng mất sóng thì nhân viên ở đây cũng không hiểu nguyên nhân mà chỉ nói vòng vo. Có lúc nhân viên còn cho rằng điện thoại của chị C. có trục trặc gì đó nên mới bị mất sóng. “Tôi dùng hai máy và lắp sim Vina vào hai máy này đều gặp sự cố như vậy, trong khi dùng số Viettel thì không sao, như vậy là do máy hay do sóng của nhà mạng?”, chị C. bức xúc.

Trao đổi với Đất Việt, ông Hồ Công Việt, phòng tham mưu Vinaphone, cho biết, chất lượng sóng của Vinaphone đã được đầu tư và cải thiện đáng kể thời gian qua, tuy nhiên ông Việt cũng thừa nhận, thời gian gần đây cũng có một số khách hàng phản ánh lên nhà mạng thực trạng máy vẫn mở nhưng lại báo “thuê bao không liên lạc được”.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Anh, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng của Vinaphone thì cho hay, hiện không hề có sự cố gì ảnh hưởng đến đường truyền hay sóng của nhà mạng. “Đôi khi cũng có những phản ánh cục bộ của khách hàng về việc sóng ở khu vực này, khu vực kia chập chờn, chúng tôi sẽ cho người tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố sớm”.

Đại diện một nhà mạng cho hay, hiện tượng máy vẫn bật và đang trong vùng phủ sóng nhưng gọi vào lại tò te tý có thể là do lỗi kết nối, sự cố đường truyền. Lỗi này thường xảy ra khi gọi ngoại mạng. Còn một số trường hợp khách hàng gọi nội mạng mà vẫn bị sự cố “không liên lạc được” thì là do độ phủ sóng của nhà mạng này tại khu vực người nhận cuộc gọi quá kém.

Việc các tòa nhà cao tầng ngày càng mọc lên nhiều cũng ảnh hưởng xấu tới chất lượng sóng di động. Những khu vực nằm trong diện sóng yếu thường ở xen kẽ giữa các tòa nhà cao tầng hoặc bị hấp thụ bởi các vật liệu kim loại như bê tông, cốt thép hay tôn lợp mái. Ngay cả những tòa nhà hiện đại, cao tầng nhưng nếu có lớp chắn là bê tông quá dày thì cũng có thể bị rớt sóng.

Hiện nay, thông thường tại những điểm mà các trạm thu phát sóng không phủ sóng tới, một số nhà mạng như Vinaphone… sử dụng các trạm phát nhỏ lắp đặt tại một số hộ dân. Tuy nhiên, số lượng trạm thu phát nhỏ này vẫn chưa đủ nhiều để đảm bảo sóng khỏe tại tất cả khu vực ở Hà Nội, hơn nữa không phải ai cũng đồng ý cho lắp đặt các trạm này gần nhà mình, vì ảnh hưởng tới sức khỏe.

Một nguyên nhân gây mất sóng nữa là do điện thoại. Những chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng thường hay gặp lỗi này. Màn hình cảm ứng (nhận lệnh) nhẹ nhàng nhờ lớp da của chúng ta mang điện tích. Chính dòng điện từ lớp da của chúng ta gây nhiễu sóng di động và có thể làm mất sóng.

Theo Đất Việt

>> Sự im lặng khó hiểu của VNPT về dịch vụ đồi trụy của VinaPhone
>> Cung cấp clip "khêu gợi", VinaPhone truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy?

alt