Thuở hàn vi của các lãnh đạo Việt Nam (Phần II)

30/08/2011 11:32
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng, Phó TTg Nguyễn Thiện  Nhân đã trải qua thuở thiếu thời nhiều gian lao...

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: người thầy mẫu mực 

Phóng viên VTC đã có chuyến thăm lại vùng đất anh hùng Đức Hòa (Long An), quê hương của đồng chí Trương Tấn Sang.

Theo ghi nhận của phóng viên thì cho đến bây giờ ở khu vực thị trấn Đức Hòa (Huyện Đức Hòa), nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ rõ thầy giáo dạy sử Tư Sang ở trường Trung học Tư thục Tri Tân vào những năm cuối thập niên 1960, dù ngôi trường ấy bây giờ không còn. Họ nhớ hình ảnh thầy giáo trẻ mẫu mực trong cuộc sống, yêu thương học trò, các bài giảng của thầy luôn lồng vào tinh thần yêu nước.

Họ cũng không quên sự kiện thầy bị mật vụ huyện Đức Hòa bắt vì hoạt động cách mạng, rồi bị đày đi Phú Quốc. Họ rất tự hào khi biết thầy Tư Sang ngày nào chính là nhà lãnh đạo Trương Tấn Sang ngày nay.

Từ đường liên xã, cũng một con đường đất đỏ nhỏ hơn dài khoảng 100m dắt vào nơi ông Tư Sang đã sinh ra và lớn lên, cũng là nơi thờ phụng ông bà, cha mẹ ông hiện nay. Ngôi nhà nhỏ xây tường lát gạch bông, cất theo lối chữ Đinh vốn thịnh hành vào thập niên 1950, không khác gì bao nhà dân xung quanh. Khu vườn rộng trồng nhiều cây trái. Trong nhà các vật dụng hầu hết còn giữ lại từ thuở mới cất nhà (năm 1958), như: Hai bộ ván gõ, bàn nước, tủ thờ….

Ông Trương Văn Minh (Ba Minh) – anh ruột ông Tư Sang kể: “Khi chú Tư bị bắt đày đi Phú Quốc, rồi trao trả ra Bắc, ba tui ở nhà bệnh nặng rồi qua đời năm 1974. Trước khi qua đời, ông già có viết di chúc để lại ngôi nhà này cho chú Tư. Sau ngày miền Nam giải phóng chừng 1 tháng, chú Tư từ Hà Nội về đứng bất động thật lâu trước mộ cha. Sau đó chú Tư giao ngôi nhà cho tui ở, nhưng yêu cầu giữ nguyên tất cả những kỷ vật của cha để lại. Kể cả cái bàn nước mặt đá mài bị giặc đập nứt cũng còn giữ nguyên”.

Ông cho biết, do biết “tính của chú Tư”, cha con ông không bao giờ nhờ cậy xin việc làm, mà tự thân vươn lên trong cuộc sống. “Chú Tư thường động viên, hướng dẫn các cháu trong học hành, phấn đấu, chứ không tạo tâm lý ỷ lại nơi con cháu. Thấy chú Tư được Đảng và nhân dân giao trọng trách quốc gia là tui vui rồi.

Người trong gia đình phải phấn đấu để chú ấy an lòng mà gánh vác việc lớn, không nên làm chú bận tâm vì những chuyện nhỏ” – ông Ba Minh nói.

Chia tay ông Ba Minh, Phóng viên tìm đến ấp Trầm Lạc – xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa) thăm người em gái út của ông – bà Trương Thị Cái. Ngôi nhà nằm heo hút trong con đường đất nhỏ. Giống như ông Ba Minh, bà Cái cũng đông con (8 người).

Bà cho biết, những năm chiến tranh và sau ngày giải phóng, vì điều kiện khó khăn nên các con bà ít học, hầu hết đều sống bằng nghề nông, gắn bó với quê hương. Bà nói: “Con mình ít học, nếu nhờ anh Tư xin việc thì khó xử cho ảnh, nên tự tụi tui lo, để ảnh an tâm mà lo việc nước”.

Ông Lê Thanh Tâm – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An – cho biết, dù bận bịu thế nào thì đến ngày giáp tết ông Trương Tấn Sang cũng về thăm lãnh đạo tỉnh Long An, thăm các cán bộ cách mạng lão thành, các Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu trong tỉnh.

"Thỉnh thoảng ông cũng đến thắp nhang ở tượng đài Võ Văn Tần – nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bị giặc Pháp hành hình trong Nam Kỳ khởi nghĩa. Sau đó ông về nhà viếng mộ, thắp nhang cho ông bà, cha mẹ. Mỗi lần có phái đoàn Long An đi họp Quốc hội hoặc dự đại hội ở Hà Nội, ông đều mời về nhà dùng cơm thân mật". Ông Tâm chia sẻ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Người lính trẻ vượt sông bằng cối giã gạo

Theo thông tin từ Vnexpress: Trong cuộc gặp gỡ vợ chồng ông Phan Trung Kiên (TP. Sóc Trăng) ngày mùng 6 tết Canh dần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ôn lại với mọi người câu chuyện Tư Kiên chống càn, cứu thương binh và đưa ông về hậu cứ bằng cối giã gạo năm nào.

Theo lời kể của ông Tư Kiên, cuối năm 1969, địch mở nhiều đợt càn quét dữ dội thọc sâu vào hai cánh rừng đước lẫn rừng tràm từ Cà Mau sang Kiên Giang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể chuyện Tư Kiên tải thương bằng cối giã gạo./.Ảnh: Vnexpress.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kể chuyện Tư Kiên tải thương bằng cối giã gạo./.Ảnh: Vnexpress.

Một sáng, khi các học viên lớp quân y đang băng bó vết thương cho hơn 30 thương binh thì một trung đoàn bộ binh của địch xuất hiện có sự yểm trợ của máy bay và thiết giáp. Bị địch bao vây, người lính trẻ Nguyễn Tấn Dũng choàng vai đồng đội Trung Kiên bàn kế hoạch chặn đường tấn công của địch.

"Dũng vác súng B40, còn tôi cầm AK khạc đạn liên hồi, diệt được trên chục tên địch. Nhưng vài phút sau, chúng lại nã đạn tới tấp về phía T3. Anh Dũng nâng khẩu B40 bắn hai phát liên tiếp làm rừng tràm rung chuyển, địch la thất thanh rồi im bặt", ông Kiên kể.

Khói súng vừa tan, thương binh đã được chuyển hết về hậu cứ an toàn.“Cứ tưởng địch rút lui nhưng ai dè chúng quay lại bằng trực thăng bắn xối xả xuống rừng tràm, ném bom phá nát T3. Trong lúc chống trả, tôi thấy anh Dũng một tay ôm súng, tay kia ôm bắp chân máu chảy ướt đẫm ống quần. Tôi cõng đồng đội băng rừng chạy khoảng 2 cây số về phía sông Cái Tàu để tránh đạn”, ông Kiên nhớ lại.

Đến được bờ sông thì trời sập tối, thấy chân đồng đội chảy máu quá nhiều, Kiên xé áo 2 người băng lại vết thương rồi lội sông sang phía nhà dân tìm phương tiện đưa đồng đội về hậu cứ. Tuy nhiên, chiếc xuồng ba lá duy nhất của xóm nhà bên kia sông đã bị bom địch phá tan tành. Kiên nhanh trí lăn chiếc cối giã gạo làm bằng gốc cây mù u để tải thương.
 
Kiên để người đồng đội nằm lọt trong lòng cối làm bằng gốc cây mù u nổi trên mặt nước, rồi ngụy trang lên trên bằng lá lục bình. Trong cái lạnh giữa buổi chiều, Kiên gắng sức lội dọc theo bờ sông Cái Tàu đẩy cối tải thương đưa đồng đội về hậu cứ cấp cứu.

Trước lúc chia tay, Thủ tướng ôm chầm lấy Tư Kiên mà nói: “Anh Tư ơi, anh chính là người ân nhân lớn, người đồng chí, đồng đội, người bạn học thân thiết của tôi. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của anh mà tôi đã vượt được sông Cái Tàu bằng chiếc cối giã gạo trong lúc bị thương để về đến căn cứ an toàn”.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Từng học bên chuồng trâu” 

Tối 27/8/2011, đến dự buổi tuyên dương thủ khoa đầu vào và học sinh đạt giải cao kỳ thi Olympic Quốc tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về thời đi học của mình, đó là những ngày "phải học đèn dầu, bên chuồng trâu".
Thuở hàn vi của các lãnh đạo Việt Nam (Phần II) ảnh 3

Từng giữ chức Bộ trưởng GD&ĐT, đề ra nhiều chính sách cải cách nền giáo dục Việt Nam, hiện là Phó thủ tướng phụ trách mảng giáo dục nên GS Nguyễn Thiện Nhân luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thế hệ trẻ.  Tham dự chương trình tuyên dương thủ khoa, ông chia sẻ, cách đây 41 năm ông là học sinh của khóa đầu tiên thi đại học.

Lúc đỗ, ông cũng vui sướng và ước mơ học xong có thể làm được điều gì đó cho đất nước hết chiến tranh, được đoàn tụ cùng cha mẹ (lúc này đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam). 

"Ngày ấy chúng tôi phải học ở những vùng quê, dưới mái lá và bằng đèn dầu. Vì học trong nhà ánh đèn sẽ khiến mọi người không ngủ được nên chúng tôi học cạnh chuồng trâu", Phó thủ tướng kể và tâm sự.

Hải Hà (tổng hợp)