"Tịch thu phương tiện rất dễ đẩy dân vào bước đường cùng"

12/03/2015 07:27
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - “Tịch thu tài sản của dân là giải pháp cực đoan. Nếu xét về tâm lý xã hội, rất dễ đẩy dân vào bước đường cùng”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho biết.

LTS: Đề nghị tịch thu phương tiện đi vào đường cao tốc, lái xe say rượu vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất với Chính phủ (hôm 27/2) cho áp dụng trên thực tế đã gây ra những phản ứng từ phía dư luận.

Để làm rõ thêm vấn đề này, sáng 10/3, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).


“Đây là tư duy giản đơn”

PV: Thưa Cục trưởng, ông đánh giá thế nào về đề nghị tịch thu phương tiện (xe máy đi vào đường cao tốc, lái xe say rượu) vừa được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất với Chính phủ (hôm 27/2) cho phép được áp dụng trên thực tế?

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Tôi cho rằng, đụng đến vấn đề tịch thu tài sản là chạm tới rất nhiều vấn đề về quản lý xã hội dựa trên nền tảng pháp luật, mà trước từ trước tới nay người ta cho là giản đơn. Trong khi đó, đề xuất trên lại được đưa ra vào thời điểm cơ quan chức năng chưa nhận định, đánh giá hết các yếu tố tác động có liên quan, đồng thời chưa đưa ra giải pháp đồng bộ để hạn chế vi phạm giao thông, có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng. 

Mặt khác, tịch thu tài sản của dân nếu xét về tâm lý xã hội, rất dễ đẩy dân vào bước đường cùng. Bởi lẽ, tài sản đó đối với người này có thể là nhỏ, nhưng đối với người khác thì lại là cả một gia sản lớn…

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện (ảnh: internet)
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện (ảnh: internet)

Do vậy, đề xuất này cần phải nghiên cứu rất kỹ, xem xét tính chất, hành vi đó có đến mức phải tịch thu tài sản của người ta không? Mặt khác, cũng cần phải xét đến yếu tố tâm lý xã hội khi đưa ra đề xuất này. 

PV: Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ Công an, Tư pháp nghiên cứu đề xuất việc tịch thu phương tiện đối với lái xe uống nhiều rượu bia, báo cáo Thủ tướng trước 31/3. Như vậy, việc kiểm tra, thẩm định văn bản sẽ được thực hiện theo quy trình như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Đây là thông điệp cho thấy, Chính phủ đã tiếp cận được thông tin trên và giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan chủ động xử lý đề xuất này.

Về quy trình, nói chung tất cả các nội dung dự thảo về luật trình Chính phủ đều phải thông qua Bộ Tư pháp thẩm định, và được phản biện một cách toàn diện. Về việc này, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện thẩm định về sự cần thiết, tính khả thi, sự phù hợp với chủ trương chính sách, tính hợp pháp của văn bản (tức sự phù hợp của đề xuất đó với hệ thống pháp luật), sau đó xem xét, đề xuất để áp dụng. 

PV: Nhiều ý đồng tình với đề xuất, cần tăng mức phạt (tịch thu) phương tiện đối với hành vi xe máy đi vào đường cao tốc, lái xe có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Dư luận bao giờ chả thế! người thì nói được, người thì nói không. Tuy nhiên, họ chưa hiểu hết những quy định của pháp luật liên quan đến đề xuất này. Vấn đề nằm ở chỗ cần phải xem xét đến tính hợp pháp, hợp lý của nó. Bởi nói đến biện pháp tịch thu phương tiện chính là đụng đến quyền sở hữu tài sản, lập tức là nó liên đới tới nhiều vấn đề về quy định của pháp luật cũng như đời sống xã hội...

Đặt ra câu hỏi: Tài sản bị tịch thu thuộc quyền sở hữu của ai? Nhiều khi người sử dụng phương tiện đó chưa hẳn là chủ sở hữu. Tôi lấy ví dụ trường hợp tịch thu phương tiện xe đua vi phạm, nhưng giả sử nếu phương tiện đó không thuộc sở hữu của người điều khiển thì làm sao tịch thu được của người ta. Rồi những tang vật trong một vụ án hình sự nếu không phải của đối tượng đó mà của người khác thì cũng phải xem xét.

Mặt khác, nói đến tài sản có giá trị lớn, có thể lên tới hàng tỷ đồng thì việc áp dụng biện pháp tịch thu tài sản của dân là không hề đơn giản. 

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 171/2013/ND-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chỉ quy định mức xử phạt tiền đối với hành vi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là ô tô xe máy có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định. Luật chưa quy định chế tài tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người tham gia giao thông đối với các hành vi vi phạm, chưa nói đến phương tiện vi phạm giao thông đó không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện... (Luật sư Đoàn Quốc Dự – Văn phòng luật sư Nguyễn Bình và cộng sự.

Trường hợp đi xe vào đường cao tốc:  Khi người ta uống bia, rượu có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép khi điều khiển xe, thử hỏi phương tiện đó có thể coi đó là công cụ, phương tiện vi phạm không?  Xin trả lời luôn là chưa chắc...

Cũng có ý kiến cho rằng, để đề xuất này được thông qua chỉ cần một nghị quyết của Chính phủ. Xin thưa rằng không phải thế! phải sửa đổi, bổ sung nghị định 171/2013/ND-CP liên quan đến việc xử lý loại hình vi  phạm này.

Do vậy, khi đưa ra đề xuất, áp dụng thực hiện biện pháp tịch thu tài sản của dân cần phải được xem xét thật kỹ.

PV: Luật đã quy định rõ về việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên tình trạng vi phạm, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Theo ông, nguyên nhân xuất phát từ đâu?

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Hiện tại, chúng ta đang áp dụng nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, quy trình thực hiện luật còn nhiều bất cập.

Người ta tưởng chỉ dùng máy đo nồng độ cồn để xác định hành vi vi phạm, sau đó áp dụng biện xử phạt là xong, đồng thời cho rằng có thể áp dụng đối với trường hợp tịch thu phương tiện. Tôi xin nhắc lại, đụng đến chỗ tịch thu tài sản không phải câu chuyện đơn giản thế đâu. Thử hỏi,  máy móc dùng để đo nồng độ cồn đã đủ chuẩn chưa? Quy trình xử lý, lập biên bản để tạm giữ, tịch thu  phương tiện sẽ được thực hiện như thế nào cho phù hợp?
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ tư pháp (ảnh: NLĐ)
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ tư pháp (ảnh: NLĐ)

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nói thẳng ra, vấn đề nằm ở chỗ, lực lượng thi hành công vụ của chúng ta còn một bộ phận không nhỏ thực thi pháp luật chưa nghiêm. Thậm chí vẫn còn tình trạng người ta làm luật chia đôi, cầm tiền rồi thả. Tất cả những cái đó giải thích cho việc tại sao biện pháp xử lý được quy định chặt chẽ như thế, nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm, thậm chí là vi phạm nhiều. 

Mặt khác, cũng cần phải nói đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vẫn còn hạn chế. Do vậy một bộ phận người dân (nhất là cư dân nông thôn) vẫn còn trường hợp không nắm được các quy định của pháp luật, khiến họ chưa thấy rõ được mức độ nghiêm trọng của những vi vi phạm này....

Dễ nảy sinh tiêu cực?

PV: Ông nhận định như thế nào về tính khả thi của đề xuất tịch thu phương tiện?

Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Như đã phân tích ở trên, không thể nói cứ áp dụng hình phạt nặng sẽ xử lý được vấn đề vi phạm, kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông. Trong khi lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta chưa tuân thủ quy trình thực hiện mà đã tăng ngay mức phạt thì Chính phủ cũng phải nên xem xét lại, mức phạt/tịch thu, có phù hợp với nghị định 171 hay không? Liệu nâng mức phạt có phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tâm lý xã hội?

Mặt khác mức phạt liên quan đến vấn đề vi phạm giao thông, đã được quy định rõ. Mức phạt nó phải cân đối với mức xử phạt đối với các lĩnh vực khác chứ không thể tăng “sốc” như vậy được. 

Do vậy, tôi cho rằng, đề xuất tăng mức phạt nặng/tịch thu phương tiện là giải pháp cực đoan, bất đắc dĩ, tính khả không cao.

PV: Điều gì xảy ra nếu đề xuất trên được chấp thuận, áp dụng trên thực tế?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Trong khi chúng ta chưa nhận định, đánh giá hết các yếu tố tác động có liên quan, cũng như đưa giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng trên, thì việc nâng mức phạt (tịch thu tài sản) là chưa hợp lý . 
Trong xã hội không phải cứ đưa ra hình phạt nặng mang tính trừng trị, tước đoạt tài sản của dân là tốt, mà ngược lại, chuyện đó không tốt. Không thể đưa ra biện pháp theo kiểu dồn dân đến đường cùng, tránh trường hợp như vụ Đoàn Văn Vươn…Nếu làm không khéo dễ nảy sinh tiêu cực.

PV: Có ý kiến cho rằng, đề xuất này phần nào thể hiện tính bị động, đối phó của cơ quan chuyên trách trong việc xử lý vi phạm giao thông? Quan điểm của ông thế nào?

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn: Tôi không phủ nhận.

PV: Vậy, theo ông đâu là giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm giao thông, có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng?


Cục trưởng Lê Hồng Sơn: Một xã hội văn minh, dân chủ thì phải đưa ra biện pháp quản lý, xử phạt hợp lý. Đầu tiên phải chấn chỉnh lực lượng thi hành công vụ. Sau đó, muốn đưa các hình thức xử lý khác cần cần phải xem xét nhiều góc độ của luật. 

Luật phải được thực thi một cách nghiêm túc để điều chỉnh hành vi vi phạm. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật. Khi phát hiện thấy vi phải xử lý nghiêm. Còn việc tăng mức phạt như đề xuất, rất dễ đẩy xã hội vào thế cực đoan.

Trên thế giới, những hành vi vi phạm giao chỉ áp dụng biện pháp giữ phương tiện, phạt tiền, tước bằng lái nhằm mục đích để răn đe, chứ hiếm có chuyện tịch thu tài sản. 

Vấn đề quan trọng trong quản lý xã hội là xác định cho rõ hành vi vi phạm để áp dụng các biện pháp quản lý để người ta biết để không vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)