Tiếp cận “hai chiều” - cách duy nhất để tháo ngòi nổ chiến tranh Mỹ - Triều

14/10/2017 07:55
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Thực hiện cách tiếp cận này sẽ giúp giảm căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên, những cái “đầu nóng” của 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Triều cũng sẽ hạ nhiệt

Trung Quốc và Nga kêu gọi trở lại cách tiếp cận “hai chiều”

Giữa lúc cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng đến mức nguy hiểm, có thể bùng nổ một cuộc chiến tranh bất cứ lúc nào, thì ngày 12/10 Trung Quốc và Nga đã tiến hành cuộc hội đàm lần thứ 8 tại Bắc Kinh để bàn về tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.

Cuộc hội đàm diễn ra dưới sự điều hành của đồng chủ tọa là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov.

Tại cuộc hội đàm, Trung Quốc và Nga đã yêu cầu tất cả các bên liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cần thực hiện nghiêm việc kiềm chế và ngăn chặn các hành động có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

Đồng thời, kêu gọi các bên cần quay trở lại sáng kiến về cách tiếp cận “hai chiều” mà Trung Quốc đã đề xuất hồi tháng 4 để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh KCNA)
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh KCNA)

Tuyên bố nêu rõ: “Trung Quốc và Nga đang theo sát tình hình trên bán đảo Triều Tiên và nhất quán mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo.

Tất cả các bên liên quan cần xem xét và thực hiện ngay cách tiếp cận ‘hai chiều’ để tiến tới tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng”. [1]

Cách tiếp cận “hai chiều” là gì?

Cách tiếp cận “hai chiều”, còn gọi là sáng kiến “hai bên cùng tiến”, được coi là một sáng kiến hay có thể tháo gỡ được ngòi nổ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

Theo cách tiếp cận này, Triều Tiên sẽ ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Còn Mỹ và Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung.

Để từ đó mở ra cơ hội cho các bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đang tập trận cùng Nhật Bản (Ảnh: CNN)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đang tập trận cùng Nhật Bản (Ảnh: CNN)

Thực hiện cách tiếp cận này sẽ giúp giảm căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Những cái “đầu nóng” của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cũng sẽ hạ nhiệt.

Khi đó, các bên có thể ngồi lại được với nhau trên bàn đàm phán để cùng tìm ra cách thức và lộ trình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, đề xuất này, ở thời điểm tháng 4 đã ngay lập tức bị Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ.

Đó là cách duy nhất để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh

Tình thế hiện nay đã khác, nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự đang cận kề, khi mà Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Jong-ho hôm 11/10 tuyên bố:

Mỹ sẽ phải trả giá bằng ‘cơn mưa lửa’ từ Bình Nhưỡng”.

Trong khi đó, Mỹ được cho là đã điều thêm tàu sân bay hạt nhân thứ hai USS Theodore Roosevelt lớp Nimitz mang theo 7.500 lính thủy đánh bộ để bổ sung vào lực lượng quân sự hùng hậu của Mỹ đang áp sát Triều Tiên. [2]

Buộc các bên trong cuộc xung đột này, nhất là từ phía Mỹ và cả Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải cân nhắc lại đề xuất về cách tiếp cận “hai chiều” mà Trung Quốc và Nga vừa kêu gọi thực hiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: CNN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: CNN)

Thực tế đã cho thấy, những lời đe dọa và các hành động quân sự khiêu khích chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, sẽ không thể khiến Triều Tiên chùn bước.

Thậm chí những điều đó còn thúc đẩy họ thực hiện nhanh hơn chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân mà họ đang theo đuổi.

Bài học của Saddam Hussein ở Iraq và Muammar el-Qaddafi ở Libya - những người có lẽ sẽ vẫn còn sống nếu họ có trong tay vũ khí hạt nhân, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến chiến lược tự vệ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Do đó, nếu phải chịu sức ép trước nguy cơ về một cuộc xâm lược từ bên ngoài, thì Triều Tiên sẽ kiên quyết thực hiện bằng được chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của họ.

Bởi đây được coi là “lá bài tẩy” để bảo vệ chế độ và răn đe đối với kẻ thù.

Tiếp cận “hai chiều” - cách duy nhất để tháo ngòi nổ chiến tranh Mỹ - Triều ảnh 4

Kịch bản hai giai đoạn nếu xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn có thể dừng lại chương trình này nếu họ nhận thấy được đảm bảo an toàn trước thiện chí của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ.

Bởi thực tế chỉ ra rằng, không ai muốn chiến tranh, không có nước nào muốn đổ nhiều tiền của chỉ để sản xuất hoặc mua sắm vũ khí.

Triều Tiên cũng vậy, một đất nước còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, lại bị cô lập với thế giới bên ngoài, họ càng không muốn chiến tranh và càng không muốn phải theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí tốn kém của họ.

Có chăng thì cũng là việc buộc phải làm.

Bởi vậy, giải pháp tốt nhất để tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên lúc này là, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên tiến hành một cuộc họp khẩn để thuyết phục Mỹ, Triều Tiên và các nước liên quan thực hiện ngay sáng kiến về cách tiếp cận “hai chiều” mà Trung Quốc và Nga đã đề xuất.

Việc Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như các hoạt động quân sự khác áp sát Triều Tiên sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Và Bình Nhưỡng chắc chắn cũng sẽ có những bước nhượng bộ.

Khi đó, ý tưởng về một giải pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang nỗ lực tìm kiếm sẽ có thể đạt được những tín hiệu lạc quan.

Trái lại, nếu hai bên tiếp tục có những động thái cứng rắn, phớt lờ mọi lời kêu gọi và ý kiến đề xuất của cộng đồng quốc tế, thì viễn cảnh về một cuộc xung đột quân sự đẫm máu trên bán đảo Triều Tiên là hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai không xa.

Tài liệu tham khảo:

[1] PLA Daily/ China Military/ China, Russia call for restraint over Korean Peninsula.

[2] TASS/ TASS Russian News Agency/ DPRK people demand US be punished by 'hail of fire' for aggressive policy - top diplomat.

PHẠM DOÃN TÌNH