Tìm kiếm MH370 cho thấy lỗ hổng quân sự lớn đối với Trung Quốc

23/04/2014 07:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc bây giờ đang làm việc này trong khoảng 15 năm, và Bắc Kinh không thể đuổi kịp người Mỹ chỉ trong 1 đêm
Hoạt động tìm kiếm MH370 đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong tham vọng quân sự của Trung Quốc trên biển.
Hoạt động tìm kiếm MH370 đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong tham vọng quân sự của Trung Quốc trên biển.

Reuters ngày 23/4 đưa tin, khi Trung Quốc đề nghị cho 1 tàu hải quân của họ vào cảng Albany của Úc trong tháng này để bổ sung lực lượng tàu chiến tham gia tìm kiếm máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines MH370, nó đã đánh dấu mối lo ngại "nhức đầu" cho giới chiến lược Bắc Kinh, đó là thiếu các căn cứ và các cảng thân thiện ở nước ngoài.

Trung Quốc triển khai 18 tàu chiến, tàu Cảnh sát biển, tàu hàng hải dân sự và 1 tàu phá băng Nam Cực tham gia tìm kiếm MH370 đã đặt ra vấn đề về tuyền đường cung cấp hậu cần cho lực lượng hải quân Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng. 

Các nhà hoạch định của hải quân nước này biết rằng họ sẽ phải lấp đầy khoảng trống chiến lược này để Bắc Kinh có thể trở thành cường quốc hải quân vào năm 2050.

Bắc Kinh quyết tâm thách thức sự thống trị truyền thống của Washington trên Thái Bình Dương cũng như bảo vệ lợi ích chiến lược của họ ở Ấn Độ Dương. Khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự họ cũng phải  có một loạt những sắp đặt như Mỹ đã làm. 

Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc tiếp cận dài hạn các căn cứ hải quân nước ngoài, Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết, đó là một lỗ hổng rõ ràng.

Hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng hệ thống cảng thân thiện nước ngoài để giúp Bắc Kinh đảm bảo hậu cần dường như vẫn dẫm chân tại chỗ.
Hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhưng hệ thống cảng thân thiện nước ngoài để giúp Bắc Kinh đảm bảo hậu cần dường như vẫn dẫm chân tại chỗ.

Ngược lại Mỹ đã xây dựng được một mạng lưới rộng lớn các căn cứ đầy đủ ở Nhật Bản, đảo Guam và Diego Garcia, củng cố liên minh bảo mật, truy cập và sửa chữa theo thỏa thuận với các nước thân thiện, bao gồm các cảng chiến lược ở Singapore và Malaysia.

Trong khi đó Trung Quốc không ngừng xây dựng công sự kiên cố trên một số bãi đá ở Trường Sa và sân bay trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp). Nhưng những địa điểm này không đủ khả năng phát triển thành 1 cảng làm bàn đạp cho hải quân Trung Quốc ngoài căn cứ trên đảo Hải Nam.

Khi có căng thẳng và nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc với một đồng minh của Mỹ ở Đông Á thì khó có khả năng tàu chiến Trung Quốc được phép tái truy cập các cảng của Úc, một nhà phân tích tại Bắc Kinh nhận xét.

Người Trung Quốc biết rằng thiếu hệ thống hải cảng khi lực lượng hải quân phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Hải quân Trung Quốc đã mở rộng đáng kể các chuyến thăm viếng đến hải cảng từ châu Á - Thái Bình Dương tới Trung Đông và Địa Trung Hải trong những năm gần đây, nhưng các cuộc thảo luận về "tiếp cận chiến lược dài hạn" các hải cảng này vẫn còn 1 khoảng cách nào đó.

Hoạt động triển khai lực lượng hải quân xa bờ như vụ tìm kiếm MH370 đã chứng minh tuyến hậu cần hàng hải là vô cùng quan trọng. Hoạt động này cũng là cơ hội tập dượt cho hải quân Trung Quốc để có thể dẫn đến 1 sự thúc đẩy phát triển khả năng tác chiến toàn cầu.

Hải quân Mỹ đã hiện diện trên các vùng biển chiến lược 100 năm qua hoặc lâu hơn và liên tục duy trì, nuôi dưỡng mạng lưới cảng chiến lược. Trung Quốc bây giờ đang làm việc này trong khoảng 15 năm, và Bắc Kinh không thể đuổi kịp người Mỹ chỉ trong 1 đêm, Richard Bitzinger, một nhà phân tíc quân sự Singapore nhận xét.

Hồng Thủy