Tín nhiệm có từ công việc, không từ cái áo đẹp, nụ cười duyên lễ phép

22/11/2014 08:02
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Cựu quan chức Quốc hội cho rằng phải công khai việc kê khai tài sản và tránh việc người được lấy phiếu tín nhiệm lăng xê bản thân quá nhiều trước giờ G.

Liên quan tới một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Quốc Thuận- nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Quốc hội vừa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Ông nghĩ sao về hiệu quả của việc này và tính chính xác của kết quả đó?

Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Luật sư Trần Quốc Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lấy phiếu tín nhiệm là hình thức có người khen, kẻ chê. Cá nhân tôi cho rằng kết quả vẫn chưa phát huy được tác dụng thật sự của việc lớn này.

Chẳng hạn, việc kê khai tài sản của 50 chức danh chủ chốt đó phải công bố cho nhân dân biết chứ sao lại chỉ cho đại biểu quốc hội biết? Làm thế sao có thể kiểm chứng được họ kê khai có trung thực không? Chưa kể nhiều đại biểu quốc hội là những người có chức, có quyền. Nếu để mấy ông ấy tự giám sát lẫn nhau thì ai tin nổi?

Do vậy, theo tôi phải công khai việc kê khai tài sản đó cho nhân dân biết, cần thiết thì công khai trên báo chí, các phương tiện truyền thông để thúc đẩy việc giám sát của cử tri.

Theo ông, sau lần lấy phiếu tín nhiệm này, Quốc hội cần khắc phục những điểm hạn chế nào cho những lần tới?  

Ngoài công khai việc kê khai tài sản, Quốc hội phải làm sao để tránh tình trạng những người có chức có quyền sử dụng hệ thống thông tin để tuyên truyền, PR cho bản thân. Tôi thấy đang xảy ra tình trạng một số vị ký thỏa thuận hợp tác với các cơ quan báo, đài rồi nhân những dịp như thế này họ tuyên truyền cho nhau.

Nội dung tuyên truyền có thể đúng, nhưng cũng có thể sai lệch vì những việc tích cực thì họ làm rùm beng lên cho ai cũng biết còn chuyện tiêu cực, họ giấu tiệt, không đưa lên. Việc lăng xê rầm rộ như thế trước ngày bỏ phiếu sẽ làm nhận thức của nhiều người bị chi phối dẫn đến kết quả sai lệch.

Rồi việc viết bản kiểm điểm nếu cứ theo kiểu “phê tự phê” thì đó chỉ là bảng thành tích thôi.

Đa số các đại biểu Quốc hội đề xuất chỉ nên để 2 mức phiếu để tránh tình trạng chưa bỏ phiếu đã mặc định được tín nhiệm. Ông có đồng tình với đề xuất trên không?

Đúng là chỉ nên để 2 mức phiếu: tín nhiệm và không tín nhiệm chứ không nên để 3 mức như hiện nay bởi như thế các đại biểu sẽ chẳng biết lối nào mà lần cả. Với 3 mức phiếu như hiện nay, kiểu lấy phiếu tín nhiệm ở ta đang bị đánh giá là không giống ai trên thế giới. Tôi đoán là các vị ấy ngại đụng chạm tới nhau nên mới đưa ra 3 mức phiếu như vậy.

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như thế nào là phù hợp thưa ông?

Theo ông Thuận, chỉ nên để 2 mức phiếu tín nhiệm (Ảnh minh họa: Infonet)
Theo ông Thuận, chỉ nên để 2 mức phiếu tín nhiệm (Ảnh minh họa: Infonet)

Trên thế giới, người ta thường bỏ phiếu tín nhiệm khi có một sự kiện gì đó xảy ra. Chẳng hạn, ở Việt Nam có vụ Vinashin, Vinalines… Những người liên quan tới các vụ việc đó phải bị bỏ phiếu. Hoặc sau cuộc trả lời chất vấn gây ra tranh cãi ác liệt thì người ta cũng tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Bỏ phiếu định kỳ như đề xuất của một số đại biểu theo tôi là một ước lượng trừu tượng bởi như thế dễ xảy ra tình trạng người ta “tín nhiệm” nhau vì người đó có nụ cười đẹp, cái áo xinh hay thái độ cư xử mềm mại, lễ phép…

Nên nhớ khi lấy phiếu tín nhiệm, quan trọng hơn cả là chất lượng, hiệu quả công tác của các chức danh được lấy phiếu. Bao nhiêu % đại biểu quốc hội biết được điều đó hay họ chỉ mới biết được bề nổi của tảng băng chìm thôi?

Nói cách khác, bỏ phiếu định kỳ sẽ làm việc đó trở nên vô giá trị.

Sau lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, cộng số phiếu bầu của ba mức thì thấy rằng có Đại biểu Quốc hội không bỏ phiếu tín nhiệm cho các chức danh. Không biết vì sao lại vậy?

Tôi không nghĩ có chuyện “bấm nút hộ” ở đây. Làm sao bỏ hộ được? Còn chuyện có đại biểu không bỏ phiếu tín nhiệm cho các chức danh theo tôi là do họ chưa làm tròn trách nhiệm của mình và việc đó đáng bị phê bình.

Ông có nghĩ 50 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm là quá nhiều không?

Chuyện đó không quan trọng bằng việc phải xác định được Quốc hội nên lấy phiếu tín nhiệm trong trường hợp nào và thời điểm nào phù hợp để bỏ phiếu. Ngoài ra, Quốc hội cũng phải xác định được chức danh, nhiệm vụ, tiêu chí của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN