Tin thế giới đọc nhanh sáng 3/11/2011

03/11/2011 08:28
Đình Phương (tổng hợp)
Ấn Độ tăng quân ở biên giới;Lũ tiếp tục lan rộng tại Bangkok; Thủ tướng Israel vận động tấn công Iran; Hy Lạp có thể đẩy Eurozone vào nguy cơ sụp đổ...
1. Tòa Dân sự tối cao của London – Anh ngày 2-11 ra phán quyết sẽ dẫn độ người sáng lập trang web WikiLeaks Julian Assange về Thụy Điển để điều tra các cáo buộc quấy rối tình dục. Tại đây, các nhà chức trách sẽ điều tra về cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục 2 phụ nữ vốn là người hoạt động tình nguyện cho WikiLeaks trước đây. Bên cạnh chuyện pháp lý, Assange cũng đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa WikiLeaks do cạn kiệt tài chính. Tháng 10-2011, ông tuyên bố ngừng đăng tải các điện tín mật trên WikiLeaks để dùng chính trang web này gây quỹ tiếp tục hoạt động. (Reuters)
2. Lũ tiếp tục lan rộng tại thành phố Bangkok (Thái Lan) vì nước từ phía bắc vẫn đổ về thủ đô với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thủ đô Bangkok ngày hôm nay cảnh báo lũ ở một số khu vực trong nội thành và yêu cầu người dân di tản đến vùng cao hơn, trong đó có khu Bangkhen, Bangkhaen, Sam Wa, Lat Phrao. Tuy nhiên, cuộc chiến với lũ vẫn tiếp tục khiến cho người dân sinh sống tại đây thêm lao đao.
3. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đang nỗ lực vận động nội các nước này ủng hộ một cuộc tấn công Iran.  Tuy nhiên, những bộ trưởng khác vẫn kiên quyết phản đối và nhiều người cho rằng một cuộc tấn công Iran nên được phát động bởi Mỹ. Những người phản đối tấn công Iran bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Eli Yishai thuộc đảng Shas, Bộ trưởng Tình báo Dan Meridor, Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Moshe Yaalon và Bộ trưởng Tài chính Yuval Steinitz.
4. Ấn Độ đang có kế hoạch tăng cường sức mạnh quốc phòng ở các vùng biên giới trên bộ lẫn trên biển, đồng thời phát triển lực lượng biệt kích. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng cường không quân lẫn hải quân cho khu vực quần đảo Andaman và Nicobar của nước này trên Ấn Độ Dương, sau những diễn biến đáng quan ngại về an ninh biển gần đây trong khu vực. Kế hoạch này do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ cùng Công ty điện tử Bharat phối hợp thực hiện. (India)
5. Nga có thể sẽ phải phát triển các biện pháp an ninh riêng nếu Mỹ và NATO tiếp tục phớt lờ những quan ngại của Moscow về kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua (1/11) đã tuyên bố như vậy. Trước đó, hôm 31/10, Ngoại trưởng Lavrov thông báo, các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO về hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu đã bế tắc và chưa đạt được bất kỳ kết quả gì. (THX)
6. Sau 2 hội nghị cấp cao liên tiếp cùng các cuộc đàm phán suốt đêm, các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng mới đạt được một thỏa thuận về việc xóa 50% nợ cho Hy Lạp kèm theo điều kiện nước này thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, việc tuyên bố tổ chức trưng cầu ý dân để quyết định có nhận gói cứu trợ từ châu Âu hay không của Hy Lạp đang khiến cả châu Âu nổi giận và làm cho tình hình càng trở nên rối loạn hơn. Trong trường hợp người dân Hy Lạp nói không với gói cứu trợ, Hy Lạp có thể trở thành ngòi nổ thực sự, đó cũng là nguy cơ kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống đồng euro. (VOV)
7. Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) vừa công bố báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2011, theo đó, vào cuối tháng mười qua, công dân thứ bảy tỷ chào đời và dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên tới 9,3 tỷ người vào năm 2050 và hơn mười tỷ người vào năm 2100. LHQ kêu gọi, thay vì chỉ lo lắng dân số thế giới đạt mốc bảy tỷ người, thế giới nên suy nghĩ làm sao tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh dân số gia tăng hiện nay. Chính phủ các nước hợp tác chặt chẽ không chỉ trong việc giải quyết vấn đề này mà còn trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên có hạn. Trong bối cảnh thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau, sự đoàn kết, đóng góp của chính phủ các nước và các tổ chức xã hội là cần thiết để giải quyết vấn đề dân số.
8. Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Israel cho biết ngày 2/11, nước này đã thử thành công một hệ thống tên lửa đẩy tại căn cứ quân sự Palmachim. Cuộc thử nghiệm của Israel diễn ra trong bối cảnh đang dấy lên những đồn đoán rằng Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel đang cố thuyết phục nội các ủng hộ một cuộc tấn công Iran. Trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại khu vực Trung Đông, giới chức cấp cao Israel cho biết đang cân nhắc khả năng tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza.
9. Một quan chức Liên đoàn Arập (AL) ngày 2/11 cho biết tại cuộc họp của ủy ban cấp bộ AL ở thủ đô Cairo (Ai Cập), Syria đã hoàn toàn chấp thuận kế hoạch giải quyết khủng hoảng do AL đưa ra. Trước đó, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem tại Doha ngày 30/10, ủy ban cấp bộ trưởng của AL đã đề xuất kế hoạch chấm dứt khủng hoảng tại Syria, theo đó yêu cầu ngừng ngay các hành động bạo lực tại nước này, chính quyền của Tổng thống Bashar Al Assad tiến hành đối thoại với phe đối lập tại Cairo và rút binh sỹ khỏi các khu vực bất ổn.
10. Ngày 3/11, tại thành phố Cannes (Pháp) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu đến từ 23 quốc gia và tổ chức quốc tế. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang rối bời với căn bệnh nợ công đang lây lan, Hội nghị được đặt nhiều kỳ vọng có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ từ các nền kinh tế mới nổi cho các con bệnh trong khu vực đồng euro. Ngoài ra, tham dự hội nghị không thể thiếu đại diện của các thể chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cùng một số nước bên ngoài được mời như Tây Ban Nha, Hà Lan.
Đình Phương (tổng hợp)