Tình tiết bất ngờ vụ 'Quan điện" 'hành' doanh nghiệp suốt mấy năm

24/04/2013 13:31
Nhóm PV điều tra
(GDVN) - Sau khi bài báo “Quan điện” bắt doanh nghiệp nộp hàng trăm triệu đồng trong ngày nghỉ” được đăng tải, nhóm phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hiểu thêm những thông tin xung quanh vụ việc này.
Như đã đưa tin ở kỳ trước, chỉ trong 3 ngày nghỉ 19/4 – 21/4 (ngày Quốc giỗ và thứ bảy, chủ nhật), Điện lực Việt Trì đã liên tục “ép” Công ty Xi măng Hữu Nghị (gọi tắt là doanh nghiệp) phải nộp đủ số tiền mặt gần 700 triệu đồng, nếu không sẽ tiến hành cắt điện.

Hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ trong việc "hành" doanh nghiệp

Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp này bị Điện lực Việt Trì “chơi khó”. Sau khi bài báo “Quan điện” bắt doanh nghiệp nộp hàng trăm triệu đồng trong ngày nghỉ” được đăng tải, nhóm phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hiểu thêm và đã phát hiện ra nhiều tình tiết bất ngờ trong vụ việc này.

Văn phòng Công ty Điện lực Phú Thọ, đường Đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Văn phòng Công ty Điện lực Phú Thọ, đường Đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ

Theo thông tin của ông P. - Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Công ty Xi măng Hữu Nghị (xin được giấu tên) thì việc doanh nghiệp này bị “quan điện” Phú Thọ "hành" đã trở thành truyền thống. Nhưng qua những câu chuyện cười ra nước mắt mà chúng tôi sẽ đăng tải dưới đây thì thực sự là những câu chuyện kỳ lạ có lẽ chỉ có ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ mới có.

Với tâm trạng vô cùng bức xúc, ông P. đã dành thời gian gần một buổi sáng để kể cho phóng viên nghe về những “sự cố” đau lòng mà doanh nghiệp của ông đã phải hứng chịu trong mấy năm qua.
Ngày 28/8/2006, gần đến ngày Quốc khánh 2/9, khoảng 8 giờ sáng, một đoàn cán bộ của Điện lực Phú Thọ đến trạm biến thế của Nhà máy xi măng Hữu Nghị  để kiểm tra trạm biến thế. Do quan hệ chưa có “trục trặc” gì trước đó nên doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến cuộc kiểm tra của Đoàn. Đồng nghĩa với việc Đoàn kiểm tra ra vào tự do “như người nhà”, doanh nghiệp không có người đi cùng vào trạm biến thế.

Đoàn kiểm tra vào trạm biến thế 4500KVA của Nhà máy từ hơn 8 giờ sáng nhưng không có ý kiến gì. Cứ nghĩ là Đoàn vào kiểm tra và bảo dưỡng công tơ xong sẽ về cho nên doanh nghiệp cũng không để ý.

Không ngờ, khoảng hơn 16h chiều thì bỗng nhiên doanh nghiệp được Điện lực thông báo là phát hiện ra “ 4 đầu dây lạ” được đấu trong công tơ đo đếm điện. Lúc này doanh nghiệp mới cử người ra cùng xem nhưng cũng không hiểu gì về việc ´”4 đầu dây lạ” được đấu vụng về, chỏng trơ trong hòm công tơ.

Cũng xin lưu ý rằng, bình thường trước đó thì công tơ điện được niêm phong vô cùng cẩn thận với 7 loại niêm phong, bao gồm cả khóa, niêm phong khóa, niêm phong các nắp hộp bằng chì và giấy niêm phong riêng của ngành điện. Với 7 loại niêm phong trên một chiếc hộp thì không hiểu ai có tài mở để đấu 4 đầu dây vào trong lòng chiếc hộp khi mà tất cả các niêm phong vẫn còn nguyên vẹn.

Cũng theo qui định của ngành điện thì công tơ và cả hòm công tơ đều thuộc sở hữu của ngành điện, do ngành điện cung cấp và quản lý nhưng hòm công tơ sẽ đặt trong trạm biến thế của doanh nghiệp.

"Việc tự tiện mở 7 niêm phong của hòm công tơ, không có sự chứng kiến của doanh nghiệp đã là một việc không đúng qui định và sau một ngày làm việc mới thông báo có “4 đầu dây lạ” là một việc làm mà doanh nghiệp không thể chấp nhận. Đồng thời đứng trên phương diện luật pháp cũng không ai có thể chấp nhận một việc làm như vậy", ông P nói.

Ép doanh nghiệp nộp 1.766.911.850đ nhưng không phát hiện ra được lỗi gì
?

Ông P tiếp lời, với thế độc quyền, Điện lực Phú Thọ đã cắt điện. Việc kiểm tra được tiến hành với sự chứng kiến của đại diện 2 bên liên quan và một số ban ngành chức năng trong suốt mấy ngày liền nhưng không phát hiện được điều gì vì “4 đầu dây lạ” chỉ có trong hòm công tơ chứ không được gắn vào bất cứ thiết bị nào khác.

Dư luận rộ lên sự ngờ vực về việc “4 đầu dây lạ” đã được đưa vào khi hòm công tơ được mở ra trong ngày 28/8 khi không có mặt người nào làm chứng và cũng không biết Điện lực đã tự ý mở hòm công tơ từ lúc nào. 

Nhưng sau đó, với việc kiểm tra sản lượng tiêu thụ điện tại trạm biến thế này của Nhà máy từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2006, Điện lực Phú Thọ đã đưa ra một “bằng chứng” sai lệch số điện và qui chụp ngay cho doanh nghiệp là “ăn cắp điện”.

“Bằng chứng” cụ thể là, sau khi so sánh sản lượng hàng tháng thì Điện lực “phát hiện” ra là sản lượng điện của tháng 01/2006 cao hơn trung bình của 7 tháng tiếp theo (từ tháng 2/2006 – 8/2006), là hơn 200.000KW/tháng. Mừng rỡ với kết quả phát hiện này, Điện lực ra ngay thông báo cho doanh nghiệp là Điện lực Phú Thọ sẽ truy thu 7 tháng chênh lệch đó  với số tiền 1.766.911.850đ. Nếu không nộp thì sẽ không có điện sản xuất.

Mặc dù doanh nghiệp đã chứng minh rõ ràng rằng tháng 1/2006 là tháng mà Nhà máy đang vận hành thử dây chuyền lò quay số 2 trong khi trạm biến thế số 2 (6500KVA) vẫn chưa hoàn thành nên chưa sử dụng được. Trong điều kiện đó Nhà máy đã sử dụng trạm biến thế số 1 để chạy vận hành thử dây chuyền lò quay số 2. Do vậy sản lượng tiêu thụ điện của tháng 01/2006 đã tăng vọt lên. Từ tháng 02/2006, sau khi Điện lực Phú Thọ kiểm nghiệm và cho phép vận hành trạm biến thế số 2 thì sản lượng điện tiêu thụ qua trạm biến thế số 1 đã giảm xuống mức bình thường.

Nhưng với thế “độc quyền”, Điện lực Phú Thọ đã ép doanh nghiệp phải nộp 1.766.911.850đ  “chênh lệc thiếu” thì mới cho phép đóng điện. Cực chẳng đã, để Nhà máy có thể vận hành, doanh nghiệp đã phải nộp số tiền trên cho Điện lực để có điện sản xuất với sự thỏa thuận của Điện lực là nếu không có sự “chênh lệch” thì sẽ hoàn lại tiền. Thời kỳ đó là thời kỳ khan hiếm xi măng. Nếu nghỉ một ngày thì doanh nghiệp bị thiệt hại hàng tỷ đồng cho nên doanh nghiệp đã phải nghiến răng để “đặt cọc” 1,7 tỷ đồng để chờ phân xử.

Để chứng minh là mình trong sạch, doanh nghiệp đã đồng ý cho Điện lực Phú Thọ vào kiểm tra giám sát việc vận hành tiêu thụ điện của Nhà máy. Trong suốt hơn 4 tháng giám sát chặt chẽ chưa từng thấy , với sự hiện diện của nhân viên điện lực kiểm tra chỉ số công tơ từng giờ trong ngày, Điện lực không phát hiện ra được lỗi gì. Việc giám sát chặt chẽ này kết thúc vào cuối năm 2006. Hai bên “thở phào nhẹ nhõm” khi không thấy “kẻ cắp”. Nhưng doanh nghiệp thì bị một phen “sang chấn thần kinh” vì một “cú” tấn công ngoạn mục của ngành điện.

Những tưởng, sau khi không phát hiện thấy sai lệch thì Điện lực sẽ nhanh chóng hoàn trả cho doanh nghiệp hơn 1,7 tỷ đồng số tiền đã đặt cọc trước đó. Tuy nhiên, cho đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được nhận lại số tiền đã nộp, mặc dù phía doanh nghiệp đã nhiều lần yêu cầu Điện lực hoàn trả số tiền đó, nhưng phía Điện lực vẫn “bặt vô âm tín”.  Không những không trả lại tiền, Điện lực lại tiếp tục tung ra những “chưởng mới” để đe dọa.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc thông tin về những trận “cuồng phong” của Điện lực ập xuống doanh nghiệp này trong suốt những năm vừa qua, sau “sự kiện 28/8”.
 
(Còn nữa
)
Nhóm PV điều tra