Tính toán của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

26/11/2015 10:22
Hồng Thủy
(GDVN) - Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Nga sẽ không cố gắng trả đũa quy mô lớn, bởi làm vậy sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột trực tiếp với châu Âu và NATO.

Nikkei Asian Review ngày 25/10 bình luận, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc chiến đấu cơ Su-24 của Nga có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng song phương và khu vực vốn đã mâu thuẫn trong mục tiêu can thiệp vào Syria, điều này có thể tạo ra rạn nứt trong liên minh chống lại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo IS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Politico.eu
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Politico.eu

Đến nay Ankara vẫn khẳng định máy bay Nga đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và nước này đã đưa ra cảnh báo 10 lần trong vòng 5 phút nhưng phi công Nga vẫn không rời khu vực mới dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn hạ, theo South China Morning Post. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên NATO tấn công máy bay Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.

Mâu thuẫn Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Syria

Vụ bắn hạ Su-24 xảy ra khi phương Tây và Nga vừa tiếp tục các hoạt động can thiệp quân sự vào Syria để chống lại IS. Tuy nhiên truyền thông phương Tây tin rằng việc Nga bắt đầu các cuộc không kích tại Syria chỉ là để hỗ trợ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại các phe đối lập dưới danh nghĩa tấn công khủng bố.

Các cuộc không kích của Nga được cho là chủ yếu nhằm vào phe đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phàn nàn về việc Nga ném bom người Turkmen ở Syria, một cộng đồng thiểu số có chủng tộc liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia những nỗ lực hỗ trợ phe đối lập Syria, tập trung nhiều hơn vào việc đối phó với Iran - một đồng minh khác của Bashar al-Assad, đồng thời đối phó với cộng đồng người Kurd Syria vốn có mâu thuẫn với chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chứ không tập trung tiêu diệt IS.

Ankara lo ngại rằng các cuộc tấn công khủng bố tại Paris sẽ cho Nga cơ hội hợp tác với châu Âu và Mỹ khiến hai bên đặt số phận của Bashar al-Assad sang một bên. Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Nga sẽ không cố gắng trả đũa quy mô lớn, bởi làm vậy sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột trực tiếp với châu Âu và NATO.

Tái lập quan hệ đổ nát

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố gắng để hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy hợp tác năng lượng và cùng nhau đưa tình hình hỗn loạn ở Syria về trạng thái được kiểm soát. Cân nhắc các khả năng khiến Moscow khó khăn hơn để có phản ứng trong sự kiện bất ngờ này.

Putin gọi vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là "cú đâm sau lưng của kẻ đồng lõa với khủng bố". Ông cảnh báo hậu quả nghiêm trọng với quan hệ song phương, và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ trục lợi từ tuyến đường buôn dầu bất hợp pháp - nguồn cung cấp tài chính chủ yếu của IS.

Erdogan và Putin đã gặp nhau trong tháng này để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria bất chấp sự khác biệt của hai phía đối với vấn đề tiền đồ chính trị của Bashar al-Assad. Hai nhà lãnh đạo này cũng thảo luận về một đường ống đưa khí đốt Nga sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Erdogan đã lên kế hoạch thăm Nga trong tháng 12.

Việc lên án gay gắt hành động của Thổ Nhĩ Kỳ từ phía Putin có một phần nguyên do từ việc lo ngại hành động này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của mình. Theo Nikkei Asian Review, Putin dường như muốn bảo đảm một lợi thế ngoại giao bằng cách gieo nghi ngờ rằng Ankara đang hợp tác với IS - kẻ thù của cộng đồng quốc tế.

Nhưng sự suy giảm nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể cản trở các cuộc không kích của Nga tại Syria.

Theo VOA ngày 26/11, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nói các cuộc không kích do Nga thực hiện đánh trúng một đoàn xe cứu trợ của Thổ Nhĩ Kỳ tại thị trấn Azaz gần biên giới với Syria vào ngày 25/11, giết chết 7 người. Chưa có phản ứng ngay tức thì từ Nga về những vụ tấn công. 

Hồng Thủy