Tình yêu nơi rẻo cao Nậm Mười

26/10/2011 16:11
Ngọc Khánh
(GDVN) - Họ dám từ phố xá tấp nập, tiếng tàu xe công nghiệp để đến những bản xa xôi của Tổ quốc gieo mầm hi vọng cho tương lai. 
Theo vợ “gánh chữ” lên Nậm Mười 
“Nếu không có tình yêu thì mọi người không thể bám trụ được ở đây nổi một ngày”, cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Hường ở trường THCS Nậm Mười chia sẻ khi nói về cuộc sống của giáo viên nơi đây. 

Cô giáo Hường quê gốc ở Đông Hưng, Thái Bình, theo cha mẹ lên Yên Bái khai hoang từ năm 3 tuổi. Năm 2003, sau khi học xong sư phạm, chị đã tình nguyện lên Nậm Mười dạy học.
Nếu không có tình yêu thì mọi người không thể bám trụ ở đây nổi một ngày, chị Hường chia sẻ. Ảnh: Ngọc Khánh
Nếu không có tình yêu thì mọi người không thể bám trụ ở đây nổi một ngày, chị Hường chia sẻ.
 Ảnh: Ngọc Khánh

Ngày ấy, trường cấp 2 là những tấm gỗ ghép lại thành phòng học. Mỗi khi trời mưa, nước nhỏ giọt trên mái nhà khiến bùn đất dưới chân nhão nhoét. Mùa đông, sương núi trắng xóa bay vào phòng, cô dạy trò trong làn sương mờ mờ, cái lạnh tê tái khiến các em ngồi không vững.

Đã khó về trường lớp, học sinh vùng cao còn đói về miếng cơm, thiếu về manh áo, vì vậy thịt là một thứ xa xỉ phẩm, khó khăn đến nhói lòng!

Cô Hường cho biết, một tuần các em góp 3 kg gạo, 2 kg rau và 5 kg củi. Tiêu chuẩn eo hẹp ấy đã theo các em lớn lên từ năm này qua năm khác. Với đồng lương ít ỏi, hàng tháng các thầy cô là Đảng viên trích 30 nghìn VNĐ (đối với giáo viên là 20 nghìn VNĐ) để bữa ăn của các em “bớt mặn”. 

Bữa ăn khổ sở là vậy, học sinh còn thiếu cuốn vở, cây bút viết. Nhớ lại kỷ niệm đi mua vở cho học sinh, chị Hường kể: Đầu năm học trước, bố dẫn con đi bộ đường rừng xuống trường, ngoài túi quần áo thì chỉ có duy nhất cái áo mưa rách, thấy cô giáo hỏi vở viết thì bố chạy đi mua, một lúc sau về giúi vào tay con 2 quyển vở và không quên nhắc nhở viết thật tiết kiệm, khi nào hết thì mua tiếp. Chạnh lòng, chị Hường lại dẫn học trò đi mua thêm 10 cuốn vở nữa để dùng dần.

Nậm Mười khéo giữ chân người khi các thầy cô lên đây “gieo” chữ đã nên vợ nên chồng với nhau. Thật kỳ lạ, ở những nơi thâm sơn cùng cốc như Nậm Mười, tình yêu đôi lứa đã gắn kết với tình yêu nghề, tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, đồng chí. 

Chồng cô Hường là thầy giáo Vũ Quốc Công, là Phó Hiệu trưởng trường THCS Nậm Mười. Năm 1975, gia đình thầy Công chuyển từ Kiến Xương, Thái Bình lên Yên Bái khai hoang. Gặp nhau giữa núi rừng Tây Bắc, sự đồng điệu trong tâm hồn người giáo viên vùng cao cũng như tình đồng hương đã đưa 2 người đến bến bờ hạnh phúc. 

Tình yêu của họ đẹp như những đóa hoa rừng, trong lành như nước suối!

Để san sẻ nỗi khó khăn trong cuộc sống, công việc với vợ, thầy giáo Vũ Quốc Công đã xin thôi công tác quản lý giáo dục ở dưới thị xã, chuyển lên giảng dạy trường cấp 2 Nậm Mười. 

Hiện nay, anh chị đã có 2 con trong độ tuổi học mầm non và cấp 1. Khi chúng tôi hỏi lý do để các con học ở Nậm Mười, chị Hường nói “Bố mẹ các cháu là giáo viên vùng cao, mình để các cháu ở đây học muốn gia đình gần gũi nhau, hơn nữa các cháu hiểu rằng, thầy cô giáo miền cao cũng giỏi và nghị lực không thua kém thầy cô dưới xuôi”.

Trai bản ưng bụng, cô giáo thành “con ma” của người Dao

Nhà cô giáo Hường chỉ có hai chị em, nhưng năm 2003, cô em gái Nguyễn Thị Trọng cũng tình nguyện lên Nậm Mười làm cô giáo mầm non.

Chị Trọng cho biết, dạy học sinh cấp 1, cấp 2 đã khó khăn, dạy các bé mầm non ở đây còn khó hơn rất nhiều.

Hàng ngày bố mẹ địu con đến lớp, mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa. “Khoảng hơn 11h thì các cô giáo hâm lại cơm cho nóng rồi đút cho bé ăn, có nhiều bữa mở cặp lồng ra nhìn thấy muối ớt trộn cơm mà bọn mình cũng ứa nước mắt vì thương học sinh”. 

Chuyện các bé mầm non ăn cơm với muối ớt, gừng giã nát hay lá chanh trộn muối trắng là chuyện thường nhật ở Nậm Mười. Cứ thấy bố mẹ đưa con đến lớp, cô giáo lại khuyên nhủ không nên cho trẻ con ăn ớt vì rất nóng, dễ chảy máu cam nhưng khổ nỗi họ quá nghèo để có thể “đổi món” cho con.

Để bố mẹ già dưới thị xã Nghĩa Lộ, hai chị em cô giáo Trọng lên làm cô giáo bản Nậm Mười. “Bố mẹ mình hay ốm nên chị em ở trên này chỉ trông cậy vào láng giềng chăm nom giúp thôi. Bố mẹ hiểu nỗi khó khăn nên cũng động viên hai chị em yên tâm dạy học, đó là một động lực lớn để gắn bó với nơi này đấy!”, chị Nguyễn Thị Trọng chia sẻ.
Từ lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Trọng đã đến với Nậm Mười. Ảnh: Ngọc Khánh
Từ lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Trọng đã đến với Nậm Mười. Ảnh: Ngọc Khánh
Đã sống nơi núi rừng Nậm Mười 8 năm, chị Trọng đã trở thành “con ma” trong nhà người Dao khi kết hôn cùng chàng trai trong bản. Vợ chồng bảo nhau làm ăn nên cuộc sống hạnh phúc. Thời gian trước, chồng chị bị rắn cắn vào chân trong lúc dọn nhà nên phải đưa xuống Hà Nội chữa chân. Mặc dù để lại dị tật, đi lại có phần khó khăn nhưng ông xã chị vẫn đảm đương việc nặng cho vợ toàn tâm “gieo” chữ cho người dân trong bản.

Chuyến đi thiện nguyện lên rẻo cao Nậm Mười của báo Giáo dục Việt Nam và các nhà hảo tâm đã giúp chúng tôi biết thêm những cuộc đời cao cả. Họ dám từ phố xá tấp nập, tiếng tàu xe công nghiệp để đến những bản xa xôi của Tổ quốc gieo mầm hi vọng cho tương lai. 
Để kết bài này, tôi xin trích lời trong một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân thay lời tri ân tới các thầy cô nơi Nậm Mười heo hút: “Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ. Như chim bay về khắp miền em lên đường, tung bay xa nhiều thế hệ cháu Bác Hồ. Tự hào như em người chiến sỹ văn hoá, lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam”.
 
Chỉ có tình yêu mới làm nên những kỳ diệu như thế!

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Ngọc Khánh