Tổ chức chặt chẽ, chống thương mại hóa trong “Học kỳ quân đội"

19/03/2012 14:36
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
“Học kỳ quân đội” (HKQĐ) - một hoạt động giàu ý nghĩa được nhiều đơn vị, địa phương tổ chức vào kỳ nghỉ hè của học sinh.

“Học kỳ quân đội” (HKQĐ) - một hoạt động giàu ý nghĩa được nhiều đơn vị, địa phương tổ chức vào kỳ nghỉ hè của học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động HKQĐ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với cơ quan chức năng và khảo sát tại một số cơ sở để làm rõ.

Hiệu quả xã hội tích cực

Hoạt động HKQĐ được Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức thí điểm lần đầu tiên vào năm 2008 với 84 học viên, tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, thu được kết quả khá tốt, được dư luận xã hội đánh giá cao về giáo dục kỹ năng, hình thành nếp sống quân sự, kỷ cương cho học sinh.

Từ kết quả này, tháng 5-2009, Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các trung tâm thanh thiếu niên ba miền (Bắc-Trung-Nam) phối hợp với các đơn vị quân đội tổ chức HKQĐ cho học sinh, thanh niên.

Tháng 10-2009, Bộ Tổng tham mưu có Công văn số 1575 chỉ đạo các đơn vị toàn quân phối hợp thực hiện theo hợp đồng của các tổ chức đoàn. Sau 4 năm, HKQĐ đã được triển khai thực hiện ở 44/63 tỉnh, thành phố, với 153 lớp, cho hơn 12 nghìn học viên tham gia, đối tượng chủ yếu là học sinh, sinh viên tuổi đời từ 10 đến 19.

Hướng dẫn học viên gấp nội vụ trong chương trình Học kỳ quân đội tại Lữ đoàn 147 Hải quân
Hướng dẫn học viên gấp nội vụ trong chương trình Học kỳ quân đội tại Lữ đoàn 147 Hải quân

Theo dõi hoạt động HKQĐ từ những ngày đầu, Đại tá Dương Văn Nhị, Cán bộ phòng Giáo dục Quốc phòng (Cục DQTV), nhận xét:

“Là mô hình giáo dục sử dụng liệu pháp số đông, thông qua môi trường quân đội góp phần làm thay đổi nhận thức của học sinh, thanh niên về nếp sống tập thể, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội, nên hoạt động HKQĐ, được dư luận xã hội ủng hộ, đánh giá cao…”.

Theo kết quả khảo sát năm 2011 của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (Đại học Thái Nguyên) có: 82,1% học viên tham gia HKQĐ thấy mình trưởng thành, bản lĩnh, tự tin, trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội; 75,2% học viên có thể tự phục vụ nhu cầu cần thiết của bản thân; đặc biệt, hơn 90% phụ huynh cho rằng nội dung, phương pháp phù hợp với lứa tuổi và tin con mình sẽ đạt được kỳ vọng đặt ra...

Vẫn mạnh ai nấy làm

Cùng với kết quả đạt được, mô hình HKQĐ còn bộc lộ hạn chế về tổ chức, nội dung, phương thức tiến hành... Công tác quản lý nhà nước với hoạt động này chưa chặt chẽ, nên các đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Theo dõi hoạt động những năm qua chúng tôi nhận thấy: Đơn vị chủ trì tổ chức, gồm các đơn vị thuộc Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn và một số cơ quan, đơn vị như: Sở Ngoại vụ Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, Công ty cổ phần Tư vấn Giáo dục quân trường… ngoài ra còn có một số công ty khác.

Nếu các công ty tham gia tài trợ kinh phí thì rất đáng khuyến khích nhưng nếu vì mục đích thương mại thì cần xem xét, chấn chỉnh. Báo cáo thực hiện chương trình “Chúng em làm chiến sĩ” của lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (Đại học Thái Nguyên) nêu thực trạng: “Có cơ sở không có đề án hoặc đề án chưa phê duyệt đã chiêu sinh dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, tạo dư luận không tốt trong xã hội…”.

Với những tên gọi khác nhau như: "Học kỳ quân đội", "Hát mãi khúc quân hành", "Trải nghiệm quân ngũ", "Học kỳ 3", "Thép đã tôi thế đấy"… mục tiêu, nội dung HKQĐ ở mỗi đơn vị thời gian qua không thống nhất; chưa có chương trình khung (chuẩn) trên toàn quốc; ở một số đơn vị, nội dung giáo dục quốc phòng, rèn luyện kỹ năng sống còn ít mà chủ yếu là tham quan, du lịch.

Số lượng học viên của các lớp cũng khác nhau, có lớp chỉ tập trung 8 đến 10 học viên, nhưng có lớp tới hơn 250 học viên. Độ tuổi của học viên trong một lớp chênh lệch quá lớn (từ 10 đến 19 tuổi) dẫn đến không đồng nhất về tâm lý, khó khăn trong sinh hoạt, học tập.

Thời gian tổ chức có lớp quá ngắn như ở Trường Sĩ quan Đặc công chỉ 2 ngày; Trường Quân sự tỉnh Bình Thuận 3 ngày... nên chất lượng, hiệu quả học tập, rèn luyện chưa đạt mục đích, yêu cầu...

Khắc phục tình trạng trên, Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng tham mưu) - Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương đang nghiên cứu, triển khai hướng dẫn, tổ chức lại hoạt động HKQĐ.

Đại tá Dương Văn Nhị cho biết: “Hướng dẫn tập trung vào các nội dung cụ thể về mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, tổ chức, phương pháp tiến hành; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia tổ chức HKQĐ.

Nội dung HKQĐ vẫn theo ba hướng: Giáo dục quốc phòng; rèn luyện kỹ năng và các hoạt động bổ trợ, nhưng sẽ có chương trình khung thống nhất, được xây dựng cơ bản, trong đó 50% chương trình bắt buộc (chương trình cứng), 50% chương trình do địa phương, đơn vị tổ chức xác định (chương trình mềm).

Thời gian mỗi lớp học từ 7 đến 10 ngày. Đối tượng tham gia là học sinh THCS đến THPT, độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi, mỗi lớp không quá 100 học viên…”.

Các học sinh hào hứng tham gia Học kỳ quân đội tại Lữ đoàn 147 (Hải quân) năm 2011
Các học sinh hào hứng tham gia Học kỳ quân đội tại Lữ đoàn 147 (Hải quân) năm 2011

Chống thương mại hóa

HKQĐ được tổ chức trên phạm vi cả nước, ở nhiều đơn vị, quân binh chủng đến nay chưa để xảy ra mất an toàn, song Hội đồng GDQP-AN Trung ương vẫn yêu cầu các đơn vị phải đặc biệt chú trọng làm tốt công tác này.

Khi tham gia HKQĐ phải có hợp đồng cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện chặt chẽ; lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên có năng lực sư phạm, kỹ năng giao tiếp, làm tốt công việc được giao.

Sức khỏe của học viên phải được bảo đảm tốt trong quá trình ăn, nghỉ tại doanh trại, hoạt động trên bãi tập...; sử dụng trang bị quân sự tuân thủ nghiêm các quy tắc an toàn, quy chế phòng gian, bảo mật.

Đơn vị thực hiện HKQĐ bảo đảm cho học viên có điều kiện, thời gian học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội; thực hiện nội dung giáo dục quốc phòng theo quy định; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, VKTB và không ảnh hưởng tới nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ khác được giao.

Nhiều phụ huynh băn khoăn về mức học phí còn cao so với thu nhập bình quân của xã hội. Đây là lý do khiến số lượng học viên tham gia còn ít, chủ yếu là con em của những gia đình có điều kiện. 

Theo quan sát của chúng tôi, những năm qua, có một số lớp học miễn phí hoặc thu học phí phù hợp; song nhìn chung các lớp còn lại thu học phí  khá cao.

Ví dụ như ở các tỉnh Gia Lai, Ninh Thuận, kinh phí do Tỉnh đoàn đảm bảo; ở tỉnh Vĩnh Long mức thu học phí là 350.000đồng/người/7ngày; ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương là 4,5 triệu đồng/người/10 ngày, cá biệt có nơi thu tới hơn 6 triệu đồng/người.

Việc thu học phí cao, tạo dư luận không tốt đến các đơn vị quân đội tham gia, mặc dù việc này không do đơn vị tiến hành. Trên thực tế, nhiều đơn vị như: Sư đoàn Phòng không 367, Bộ CHQS tỉnh Bình Định... ngoài việc cho mượn nơi ăn nghỉ, trang bị huấn luyện, chăn màn,… còn hỗ trợ thêm hàng chục triệu đồng để tổ chức HKQĐ.

Với ý nghĩa giáo dục tích cực, để HKQĐ tiếp tục được triển khai nhân rộng trên toàn quốc, chúng tôi cho rằng: Các tổ chức đoàn cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn kinh phí từ Nhà nước, địa phương, tài trợ của các tổ chức, cá nhân; tính toán chặt chẽ, tiết kiệm chi phí, chống thương mại hóa để mở rộng đối tượng, tạo điều kiện cho con em gia đình nghèo, gia đình chính sách tham gia.

Các đơn vị quân đội tham gia HKQĐ thời gian qua mới chỉ tham gia với tư cách là một bên phối hợp thực hiện. Trong khi nhiều đơn vị như các trường quân sự (tỉnh, quân khu), trung tâm giáo dục quốc phòng các địa phương có điều kiện thuận lợi có thể đứng ra chủ trì tổ chức HKQĐ.

Nếu những đơn vị này được giao nhiệm vụ, tổ chức hoạt động HKQĐ thì sẽ vừa đảm bảo về nội dung, chương trình, chất lượng học tập vừa có thể giảm được học phí.

 
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân