"Tòa án có quyền khởi tố người mật báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn"

08/01/2014 07:16
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Theo LS Trần Đình Triển, khi tuyên án vụ án Dương Tự Trọng, HĐXX có quyền khởi tố thêm vụ án Cố ý tiết lộ bí mật công tác và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Viện Kiểm sát đề nghị khởi tố

Như đã đưa tin, ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã được đưa tới đối chất, làm chứng trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Trong phiên tòa này, HĐXX đã không “khống chế” lời khai của Dương Chí Dũng. Chính vì vậy, Dương Chí Dũng đã khai khá chi tiết liên quan đến người mật báo thông tin bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam để Dũng biết và bỏ trốn vào tháng 5/2012.

Theo đó, Dương Chí Dũng đã khai rằng, vào sáng ngày 17/5/2012, Dũng có gọi điện thoại cho một cán bộ nhưng ông này không bắt máy. Trưa cùng ngày, Dũng gọi điện lại thì được vi cán bộ kia cho biết chiều cùng ngày Chính phủ sẽ nghe báo cáo liên quan đến những sai phạm của Vinalines. Vì lo lắng, chiều ngày hôm đó, Dũng loanh quanh ở khu vực nhà riêng vị cán bộ kia trên đường Lý Thường Kiệt để đợi gặp vị cán bộ này.

Tới khoảng 17 – 18h00 cùng ngày thì vị cán bộ cấp cao gọi điện lại cho Dương Chí Dũng và thông báo: “...đã chấp thuận khởi tố, bắt tạm giam chú, chú tạm lánh đi một thời gian.” Sau đó vị cán bộ kia đã bảo Dũng tắt máy điện thoại. Thế rồi Dũng bỏ trốn.

Căn cứ vào lời khai nói trên của Dương Chí Dũng, Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX cần khởi tố thêm một vụ án về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” để điều tra làm rõ.

Luật sư Trần Đình Triển.
Luật sư Trần Đình Triển.

Liên quan đến tình tiết này, tối ngày 7/1, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Hà Nội).

Lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa là có giá trị

Ông Triển chính là một trong những luật sư bào chữa Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) diễn ra vào các ngày 12-13-14 và 16/12/2013 vừa qua.

Trao đổi với phóng viên, trước hết ông Triển nói: “Với tư cách là luật sư, chúng tôi có trách nhiệm động viên các bị cáo mà chúng tôi bảo vệ phải kháo báo trung thực, không dấu giếm bất cứ một thông tin gì để Đảng và Nhà nước có thể xem xét.”

Liên quan đến vị cán bộ đã “mật báo” để Dương Chí Dũng bỏ trốn, ông Triển cho biết, với vai trò luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng, ông đã nắm được tình tiết này trước đó.

Ông Triển cũng cho rằng, nếu như báo chí và công luận để ý thì đã phát hiện ra điều này ngay từ phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản xảy ra ở Vinalines.

Tại phiên tòa đó, Dương Chí Dũng cũng đã nói rằng có người đã gọi điện cho Dũng ngay trước thời điểm bỏ trốn. Khi tòa hỏi người đó là ai thì Dũng nói là đã khai với cơ quan an ninh điều tra.

“Với tư cách là luật sư bào chữa, chúng tôi đã nắm được thông tin này trước đó. Nhưng việc công bố thông tin đó, lời khai đó tại một phiên tòa như hôm nay là hợp lý hơn và có giá trị hơn,” ông Triển nói.

Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân tiết lộ thêm: “Chính Dương Chí Dũng khi khai ra tình tiết đó, Dũng cũng có nói luôn là điều này đã gây ra những bất lợi cho bị cáo trong quá trình điều tra vụ án.”

Ông Triển cho biết, ngay sau khi bị tuyên án tử hình tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua, Dương Chí Dũng đã làm đơn kháng cáo và khẳng định không tham ô tài sản. Dũng cho rằng có thể vì khai ra sự việc liên quan đến vị cán bộ cấp cao kia mà vị cán bộ đó đã có những tác động khiến cho quá trình điều tra vụ án có nhiều chi tiết thiếu khách quan.   

Dương Tự Trọng.
Dương Tự Trọng.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm liên quan đến những sai phạm ở Vinalines, Luật sư Triển đã đưa ra nhiều lý lẽ, chứng cứ cho rằng Dương Chí Dũng không nhận tiền "ăn chia" từ cấp dưới, không phạm tội Tham ô tài sản. Cũng theo luật sư này thì Dũng đã "thiếu tinh thần trách nhiệm chứ không "cố tình làm trái" như trong cáo trạng đã nêu... Ông Triển cũng cho rằng có nhiều thiếu sót trong quá trình tố tụng và “đề nghị cơ quan công tố xem xét và trả hồ sơ để điều tra lại vụ án này.”

Tòa án có quyền khởi tố khi tuyên án

Trở lại với lời khai về nhân vật đã “mật báo” thông tin có lệnh khởi tố, bắt tạm giam để Dương Chí Dũng bỏ trốn và đề nghị khởi tố của Viện kiểm sát trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, ông Trần Đình Triển cho biết:

“Theo quy định của pháp luật, tại một phiên tòa, khi có tình tiết mới, có đủ dấu hiệu để khởi tố một vụ án mới thì trong bản án tại phiên tòa đó, HĐXX sẽ ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát để tiến hành điều tra làm rõ,” Luật sư Triển khẳng định.

Theo dự kiến, chiều nay phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm sẽ kết thúc và HĐXX sẽ tuyên án đối với các bị cáo. Như vậy, theo nhận định nói trên của Luật sư Trần Đình Triền thì nhiều khả năng chiều nay cũng là thời điểm HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án Cố tình tiết lộ bí mật công tác.

Ở một khía cạnh khác, Luật sư Triển cũng cho rằng, tại phiên tòa diễn ra và chiều ngày 7/1, Dương Chí Dũng còn khai đã 3 lần đưa tiền cho người đã mật báo thông tin và khuyên Dũng bỏ trốn. Trong đó, lần 1 Dũng đưa 10.000USD, lần 2 là 500.000USD. Lần thứ 3, Dũng chuyển cho vị cán bộ kia 1 triệu USD, đây là số tiền bà Lan (Công ty Vạn Thịnh Phát – PV) nhờ Dũng chuyển hộ. Ngoài ra, Dũng còn khai đã đưa tiền hối lộ cho một số cán bộ khác trong ngành công an.

Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử em trai.
Dương Chí Dũng tại phiên tòa xét xử em trai.

Với những tình tiết này, Luật sư Triển nhận định: “Ban đầu tòa có thể khởi tố vụ án về tội Cố tình làm lộ bí mật công tác. Trong quá trình điều tra, thu thập bằng chứng, nếu có sơ sở thì cơ quan chức năng có thể khởi tố thêm các tội danh khác như Tham ô, Nhận hối lộ.”  

Trước đó, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam liên quan đến phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ người đứng sau Dương Chí Dũng là ai?

Ông nói: “Qua phiên tòa này tôi lại có một suy nghĩ khác: Có nên xử tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc ngay không? Chết là hết! Tử hình như vậy thì đơn giản quá. Sai phạm của hai người này là ở lĩnh vực quản lý kinh tế, nó khác với tội phạm hình sự như giết người... Mặc dù luật của ta hiện nay chưa cho phép, nhưng tôi nghĩ là bây giờ cũng phải tính tới những tình huống mới cho thật phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước những năm tới đây. Điều quan trọng là không để cho Nhà nước (và nhân dân) chịu quá nhiều mất mát khi đương sự chịu án tử hình. 

Thí dụ, trường hợp của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thể tuyên án tử hình nhưng chưa thi hành án ngay, mà để một thời gian cho đương sự có điều kiện hợp tác với cơ quan chức năng khắc phục hậu quả, qua đó giúp tìm ra số tiền thất thoát từ Vinalines đã đi đâu? Ngoài Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và những người đã phải ra tòa lần này thì còn có ai được chia chác mà chưa bị đưa ra ánh sáng? 

Đứng sau Dương Chí Dũng có ai chỉ đạo không? Vai trò của các cơ quan quản lý trên Vinalines thế nào? Bây giờ tử hình hai người này rồi thì sẽ khép lại tất cả. Mọi chuyện bị chìm vào bóng tối, rốt cuộc nhà nước mất tiền, mà đây là tiền của dân. Vậy thì biết đâu đó còn những người khác có quyền lợi trong sai phạm của Dương Chí Dũng sẽ được bình yên vô sự”./.

Quyết Nguyễn