Tới đây, vai trò hội đồng quản trị các trường tư thục sẽ chấm hết

15/06/2019 07:05
Trinh Phúc
(GDVN) - Việc chuyển thẩm quyền của Hội đồng quản trị sang Hội đồng trường tại các trường tư thục sẽ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày, 14/6, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua. Một trong những nội dung gây tranh luận lớn trước khi luật này được thông qua đó là những quy định xung quanh vai trò và thành phần của hội đồng trường của trường phổ thông tư thục.

Trong luật Luật Giáo dục 2019 mới được thông qua quy định những nội dung này tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 55.

Ngày 14/6, Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua với 414/453 đại biểu đồng ý tán thành chiếm 85,54% (ảnh quochoi.vn).
Ngày 14/6, Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua với 414/453 đại biểu đồng ý tán thành chiếm 85,54% (ảnh quochoi.vn).

Cụ thể Khoản 3: "Hội đồng trường của trường tư thục là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định của nhà đầu tư.

Thành phần của Hội đồng trường của trường tư thục do nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;

Thành phần của Hội đồng trường của trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, do nhà đầu tư trong nước đầu tư gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường. Thành viên trong trường gồm các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu. Thành viên ngoài trường đại diện lãnh đạo nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu".

Video: Nếu không giữ được quyền sở hữu, điều hành, tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long
Video: Nếu không giữ được quyền sở hữu, điều hành, tôi sẽ nhảy cầu Thăng Long

Khoản 4: "Thủ tục thành lập, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông được quy định cụ thể trong điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường.

Việc chuyển thẩm quyền của Hội đồng quản trị sang Hội đồng trường đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Như vậy, so với dự thảo trước đây thì các nội dung liên quan đến hội đồng trường của trường tư thục và tư thục không vì lợi nhuận không được quy định củ thể bằng các điểm a, b, c một cách rõ ràng mà nay quy định trong khoản 3.

Ngoài ra, tại Khoản 4 quy định rõ về việc chuyển thẩm quyền của Hội đồng quản trị sang Hội đồng trường của các trường tư thục.

Như vậy, tới đây khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì vai trò của Hội đồng quản trị tại các trường tư thục sẽ chấm dứt.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (12/4/2019), Khoản 3 của Điều 56 ghi:

“Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường bao gồm:

 a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;

 b) Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường;

Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu;

Thành viên ngoài trường là đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.

 c) Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường”.

Trinh Phúc