Tôn vinh, ưu đãi nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục là lối thoát chính sách

29/01/2019 06:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng từ lâu, Nhà nước cũng đã có đầy đủ cơ sở pháp lý, nhưng rào cản vẫn đến từ nhận thức.

Trong bài viết trước, Xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng, sóng gió vì đâu?, chúng tôi đã nêu lên những băn khoăn của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng nhà trường. 

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được làm rõ về chủ trương, chính sách và cơ sở pháp lý của việc xã hội hóa, ngõ hầu góp thêm tiếng nói làm sáng tỏ các giải pháp chính sách trước những bất cập gần như không lối thoát của giáo dục công lập hiện nay.

Đảng đã xác định xã hội hóa là một giải pháp chính sách cho giáo dục từ lâu

Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng nêu rõ: “Các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. 

Ông Trần Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group ngày 12/1/2018 để tìm hiểu phương hướng xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: hiu.vn
Ông Trần Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group ngày 12/1/2018 để tìm hiểu phương hướng xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: hiu.vn


Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội.”.


Nghị quyết Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hóa, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội.”.

Đại hội X, XI của Đảng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục.

Đặc biệt, để cụ thể hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XI về xã hội hóa giáo dục, Nghị quyết số 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã ra đời, xác định rõ:

“Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học... Đối với các ngành đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích tài năng.”.

Trước thực tế xã hội hóa giáo dục vẫn chưa đạt kết quả xứng tầm kỳ vọng, Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục có Nghị quyết số 19/NQ-TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu, chỉ rõ hơn nữa:

"Đối với giáo dục đại học: Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.".

Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi cùng Hiệu trưởng, 2 Hiệu phó Trường Đại học Phạm Văn Đồng tham quan các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống Nguyễn Hoàng Group ngày 12/1/2018 để chuẩn bị cho phương án xã hội hóa. Ảnh: hiu.vn.
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi cùng Hiệu trưởng, 2 Hiệu phó Trường Đại học Phạm Văn Đồng tham quan các cơ sở giáo dục - đào tạo thuộc hệ thống Nguyễn Hoàng Group ngày 12/1/2018 để chuẩn bị cho phương án xã hội hóa. Ảnh: hiu.vn.


"Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.".

"Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.".
 
Cơ sở pháp lý của xã hội hóa giáo dục

Để triển khai hiệu quả việc thực hiện chủ trương của Đảng về xã hội hóa giáo dục và tạo hành lang pháp lý thuận lợi, ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia phát triển giáo dục, Chính phủ đã ban hành:

Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao ngày 18/4/2005.

Nghị quyết này có mấy điểm rất quan trọng, rất đáng lưu ý:

"Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân.".

"Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật Dân sự. Tiến tới không duy trì loại hình bán công.".


Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế...và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP, cụ thể hóa hơn nữa qua các điều sau:

"Nhà nước có nhiệm vụ giao đất, cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có chính sách hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực xã hội hóa đã tự thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.".

Hình ảnh đồ họa công viên mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong ngôi trường đại học mang tên ông tại Quảng Ngãi, do Nguyễn Hoàng Group xây dựng và trình bày trước lãnh đạo tỉnh. Ảnh: NHG.
Hình ảnh đồ họa công viên mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong ngôi trường đại học mang tên ông tại Quảng Ngãi, do Nguyễn Hoàng Group xây dựng và trình bày trước lãnh đạo tỉnh. Ảnh: NHG.


"Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo các hình thức:

a) Giao đất không thu tiền sử dụng đất;
b) Cho thuê đất và miễn tiền thuê đất;
c) Giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất...".

Đặc biệt, Luật Giáo dục Đại học 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã xác định rõ tại Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học:

"Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học.".

"Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ;

Hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục đại học tại địa phương;

Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học tại địa phương.”.

Gian triển lãm của Lễ hội truyền thống khoa Kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng, một thành viên thuộc hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group, thu hút sự chú ý của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: hiu.vn.
Gian triển lãm của Lễ hội truyền thống khoa Kiến trúc Đại học Quốc tế Hồng Bàng, một thành viên thuộc hệ thống giáo dục Nguyễn Hoàng Group, thu hút sự chú ý của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: hiu.vn.

Như vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng hoàn toàn đúng chủ trương của Đảng và có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Thiết nghĩ với những chủ trương, cơ sở pháp lý vững chắc này cũng đủ để trả lời cho những băn khoăn, thắc mắc về xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Thông qua sự việc xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng, chúng tôi xin chia sẻ vài lời với hy vọng những người trong cuộc hay ngoài cuộc, đều có cái nhìn thấu đáo trên cơ sở đặt lợi ích cộng đồng, quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, và dùng lăng kính pháp lý soi chiếu mọi khía cạnh trước khi đánh giá, nhận xét.

Phát triển hệ thống cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non đến đại học một cách lành mạnh, chúng tôi thiết nghĩ chính là giải pháp, là lối thoát ở tầm chính sách cho những vấn đề bất cập về giáo dục, từ quá tải sĩ số trường công ở đô thị, đời sống giáo viên, lạm thu trường công, bạo lực học đường trường công, tinh giảm biên chế và ngân sách...mới được giải quyết.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư vào giáo dục là lực lượng chính để làm nên những thay đổi lành mạnh cho nền giáo dục nếu nhận được sự ủng hộ từ chính sách lẫn dư luận, ngược lại, gây khó dễ cho họ một cách vô căn cứ chính là tự phế bỏ nguồn lực, sức mạnh của quốc gia.

Trước và sau xã hội hóa, Trường Đại học Phạm Văn Đồng vẫn là Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cái khác chỉ là thay thế một cơ chế quản trị mới, nâng tầm chất lượng và thương hiệu cơ sở đào tạo đại học này, chứ không có chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang bất động sản. 

Có thể thấy rằng xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng từ lâu, Nhà nước cũng đã xây dựng và ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý cho xã hội hóa giáo dục.

Sở dĩ vẫn còn những băn khoăn, tranh cãi như việc xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng vừa qua, chúng tôi thiết nghĩ nguyên nhân chính là do nhận thức của cả một số người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Nhưng dù thế nào đi nữa, xã hội hóa giáo dục là giải pháp chính sách đột phá tất yếu để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thành công. Quá trình ấy phụ thuộc vào sự trưởng thành về nhận thức xã hội và truyền thông đóng vai trò không nhỏ.

Do đó, để xã hội hóa thành công Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng như các cơ sở giáo dục khác, các lĩnh vực khác như y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ, chúng tôi thiết nghĩ cần lắm những diễn đàn trao đổi và làm rõ chính sách, cơ sở pháp lý cho xã hội hóa mà Đảng, Nhà nước đã dày công xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

Xã hội hóa giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, ThS Nguyễn Hoa Mai, Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, xem tại:

http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dao-tao-boi-duong/item/1860-xa-hoi-hoa-giao-duc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-va-hoi-nhap.html

Hồng Thủy