Tổng thư ký Vinastas: Chống hàng giả, hàng nhái phải "triệt tận gốc"

05/02/2013 07:03
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas): Để giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái điểm mấu chốt là triệt tận gốc nơi xuất xứ của loại hàng này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó
Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người
 tiêu dùng Việt Nam
Đến hẹn lại lên, dịp tết Nguyên đán khi nhu cầu hàng hóa của người dân tăng đột biến là lúc hàng nhái, hàng giả xâm nhập làm nhiễu loạn thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng và để lại hậu quả xấu. Việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái được các cơ quan chức năng rốt ráo thực hiện tuy nhiên có một thực tế hàng giả, hàng nhái như đuôi thằn lằn, “chặt đứt chỗ này, mọc chỗ khác”.
Với các mặt hàng tiêu dùng dịp tết thì thực phẩm như đồ hộp, rượu, bia, nước ngọt… thường dễ làm giả nhất. Gần đây, thông tin lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng trăm chai rượu Champagne, rượu các loại, nước cam và các loại nước có ga khác đang được làm giả tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Ngân (1980) trú tại La Phù, Hoài Đức, Hà Nội thực sự khiến người tiêu dùng giật mình vì để làm gia những loại nước uống, rượu này chủ cơ sở đã cho công nhân trộn hóa chất với nước, giá bán tại chỗ khoảng 1-2 nghìn đồng/chai. Chắc chắn con số hàng giả, hàng nhái đang trôi nổi trên thị trường sẽ còn rất nhiều và những cơ sở sản xuất hàng giả chưa bị phát hiện có lẽ cũng còn... vô số. Xung quanh chủ đề ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường đảm bảo gian hàng sạch phục vụ người dân dịp tết, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Xung quanh vấn đề hàng giả, hàng nhái ông Hùng bày tỏ: “Hàng giả, hàng nhái luôn là vấn đề nóng, đặc biệt mỗi dịp tết, bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Vấn đề ở chỗ phải tìm nguồn gốc và giải quyết tận gốc”. Vì thế, để giải quyết vấn đề hàng giả, hàng nhái điểm mấu chốt là triệt tận gốc nơi xuất xứ của loại hàng này. Ông Hùng cũng nhận định, hàng giả thường có 2 nguồnc chính: Từ nước ngoài vào và sản xuất, lắp ráp hàng giả ngay trong nước.
Hàng trăm chai rượu Champagne giả bị thu giữ khi cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất tại Hoài Đức (Ảnh TN).
Hàng trăm chai rượu Champagne giả bị thu giữ khi cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất tại Hoài Đức (Ảnh TN).
Với các loại hàng giả từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam, theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hùng chủ
yếu là từ con đường buôn lậu. Nhưng cũng có trường hợp hàng giả lại được nhập theo đường chính ngạch mà đã được cơ quan quản lý thị trường phát hiện. Hình thái của hàng giả được nhập vào nước ta cũng muôn hình, muôn vẻ, có thể là sản phẩm hoàn chỉnh, linh kiện, phụ kiện, bao bì, nhãn mác… tất cả được làm giả và mang về Việt Nam lắp ráp. Ông Hùng cho rằng, với loại hàng giả từ nước ngoài tuồn về thì cách ngăn chặn triệt để nhất là tăng cường kiểm tra từ trước khi loại hàng này vào thị trường. “Cơ quan quản lý cần phải ngăn chặn từ biên giới, cửa khẩu, bến cảng, những nơi làm thủ tục Hải quan thì sẽ hiệu quả hơn. Vì khi đã vào sâu và phân tán trong thị trường nội địa thì việc kiểm tra sẽ khó khăn hơn” – ông Hùng chỉ rõ. Trong khi đó, hàng giả được sản xuất, lắp ráp trong nước hiện nay diễn ra khá công khai có khi ngay tại chính các làng nghề. Vì thể để có thể ngăn chặn được việc sản xuất hàng giả ở đâu, theo ông Hùng chỉ có thể trông chờ vào chính quyền, cơ quan tại nơi đó. Một khi tại chính nơi sản xuất mà việc kiểm tra, ngăn chặn triệt để, hiệu quả thì sẽ tốt hơn nhiều so với việc kiểm tra trên khâu lưu thông khi hàng hóa đã trôi nổi trên thị trường. Vì vậy theo ông Hùng việc chống hàng nhái hàng, hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm của cả năm chứ không chỉ riêng dịp Tết khi nhu cầu hàng hóa trong dân tăng cao. Cũng vì lẽ đó nên để ngăn chặn thì phải trị tận gốc tránh “thả gà ra” để mất công phải đuổi.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hoàng Lực