Trang bị trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc:

TQ giải thích lý do dùng xích màu hồng cột máy bay trên TSB Liêu Ninh

27/06/2013 14:52
Bình Nguyên
(GDVN) - Thời gian gần đây, trên các diễn đàn và trang mạng quốc phòng của Trung Quốc diễn ra tranh cãi khá gay gắt về sự xuất hiện của các dây xích sắt màu hồng....
Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn và trang mạng quốc phòng của Trung Quốc diễn ra tranh cãi khá gay gắt về sự xuất hiện của các dây xích sắt màu hồng mà Hải quân TQ dùng để cột các máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh sau khi những hình ảnh này xuất hiện trên mạng internet.

Về vấn đề này, truyền thông Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia của Viện nghiên cứu hải quân Trung Quốc nói rằng việc trang bị và sử dụng các dây cột màu hồng để cố định các chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh chỉ để dễ quan sát và tránh các rủi ro cần thiết.

Các dây cố định máy bay được sơn màu hồng
Các dây cố định máy bay được sơn màu hồng

Chuyên gia này cho hay, khi tàu sân bay Liêu Ninh di chuyển trên biển các máy bay J-15 chưa hoạt động đều phải cột lại (ngay cả khi chúng đang được lưu cất trong nhà chứa máy bay của tàu sân bay) để tránh xê dịch và va đập.

Báo Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc dẫn lời chuyên gia này cho biết, màu sơn hồng được lựa chọn với mục đích làm nổi bật vị trí và trạng thái của J-15 khi đang được neo giữ. Ông này cho biết màu hồng của dây xích bắt mắt hơn, dễ phát hiện hơn khi cáp đứt để nhân viên kỹ thuật kịp thời phát hiện và xử lý.

Chốt móc khá kiên cố trên mặt sàn tàu sân bay Liêu Ninh
Chốt móc khá kiên cố trên mặt sàn tàu sân bay Liêu Ninh

Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hạng nặng J-15. Giới chuyên gia quân sự nước ngoài từng nhận định rằng, trong quá trình cải tạo tàu sân bay Varyag thành tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cuối cùng đã từ bỏ hệ thống tên lửa chống hạm.

Như vậy, thủ đoạn tấn công duy nhất của tàu sân bay Liêu Ninh chính là tiêm kích J-15.


Chuyên gia Trung Quốc tuyên bố tự tin rằng, năng lực tính toán của máy tính trang bị cho J-15 phải cao hơn Su-33 (máy bay tiêm kích do Nga chế tạo) mấy lần. Tuy nhiên, nếu thiếu thiết bị đồng bộ có tính năng tương đương khác, tính năng của máy tính chưa chắc có thể được phát huy đầy đủ.

Trên thực tế nếu như đem J-15 ra so sánh với máy bay chiến đấu hải quân F/A-18 phiên bản mới nhất của Mỹ, thì J-15 chưa chiếm được ưu thế gì. 

Điều cần chỉ ra ở đây là, thời gian trang bị chính thức J-15 cho quân đội TQ sẽ không sớm hơn năm 2014, trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ không sở hữu máy bay chiến đấu hải quân có thể chống lại máy bay chiến đấu kiểu mới của các nước phát triển.





Bình Nguyên