Trăm dâu, xin đừng đổ đầu giáo viên chủ nhiệm

22/04/2019 06:26
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Giáo viên chủ nhiệm dù có “bám lớp, bám trường” như thế nào đi chăng nữa vẫn không thể giám sát hết hành vi của học trò, trong lớp học, bên ngoài trường học.

LTS: Vấn nạn bạo lực học đường đang làm nhiều người lo lắng. Theo thầy giáo Sơn Quang Huyến, vấn đề này cần sự chung sức giáo dục của cả xã hội chứ không chỉ riêng trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện xử lý bạo lực học đường, của một số địa phương đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nói riêng.

Giáo viên đã bắt đầu “giữ lời ăn, tiếng nói” trước học trò, phụ huynh; tâm lý “thu mình lại”, “một chữ nhịn, chín chữ lành”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào” đang xảy ra.

Phần lớn giáo viên đều “chột dạ” khi đọc thông tin trên báo chí, đình chỉ công tác hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp xảy ra bạo lực học đường.

Ở bậc trung học cơ sở, bạo lực xảy ra giữa trò với trò, nguyên nhân vô cùng đơn giản; không cho bạn nhìn bài, đánh; không nhắc bài cho bạn, đánh; vô tình nói tên cha, mẹ bạn, đánh v.v...

Ảnh minh họa: http://phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn
Ảnh minh họa: http://phapluatdansinh.phapluatxahoi.vn

Giáo viên chủ nhiệm dù có “bám lớp, bám trường” như thế nào đi chăng nữa vẫn không thể giám sát hết hành vi của học trò, trong lớp học, bên ngoài trường học.

Cô M. một giáo viên có nhiều năm chủ nhiệm lo lắng: “Thầy ơi, giáo viên đã chịu nhiều áp lực, nay lại thêm “áp lực học đường” này nữa, năm sau xếp giáo viên chủ nhiệm chắc nhiều người từ chối”.

Thầy N. có góc nhìn khác “Không công bằng, chuyện gian lận thi cử, do cán bộ trí thức vi phạm có tổ chức, Giám đốc sở, Chủ tịch tỉnh sao không bị đình chỉ công tác ngay? Đúng là dưới quá nóng, trên quá lạnh!”.

Chỉ có giáo viên chủ nhiệm, phòng chống bạo lực học đường được không? Khi mà gia đình và xã hội nhan nhản hành vi bạo lực, tấm gương cho học sinh noi theo!

Nói không thì dối lòng, nói có thì dối mọi người. Giáo viên chủ nhiệm có phương pháp tốt, giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ bạo lực xảy ra trong lớp mình.

Giáo viên chủ nhiệm gần gũi với học sinh sẽ nắm bắt được “mầm mống bạo lực”, kịp thời giải tỏa, giáo dục, dập tắt trong trứng nước các nguy cơ phát sinh bạo lực.

Một cánh én không làm nên mùa xuân, phòng chống bạo lực học đường cần chung tay của cả tập thể sư phạm, cả xã hội, gia đình, mọi người.

Vậy làm sao phòng bạo lực học đường xảy ra?

Trăm dâu, xin đừng đổ đầu giáo viên chủ nhiệm ảnh 2Bộ trưởng Nhạ: Bạo lực học đường, phòng hơn chống

Tạo môi trường học tập dân chủ, thân thiện với học sinh ngày từ đầu năm học, trên cơ sở minh bạch hóa với phụ huynh, học sinh, trong lớp và trong cả trường.

Minh bạch đầu tiên phải kể đến là tiền đóng góp, bất cứ khoản thu nào cũng phải đúng pháp luật! Phụ huynh chưa hiểu thì giải đáp, tuyệt đối không gây tâm lý “bức xúc” với bố mẹ học trò.

Chỉ cần phụ huynh có thái độ “bất mãn” với nhà trường, đèn xanh đã bật với con họ bộc lộ bản năng xấu và ngược lại. Các trường tư họ làm rất tốt vấn đề này, nhất trí đồng lòng với nhà trường thì gửi con học, không thì thôi!

Minh bạch kế đến là nội quy; phương thức, trách nhiệm xử lý học sinh vi phạm nội quy; trong nội quy có đầy đủ các hành vi cấm học sinh và cả giáo viên làm; có địa chỉ (điện thoại, mail tiếp nhận thông tin tố cáo vi phạm, đảm bảo các em bị bạo lực có thể tố cáo, chia sẻ với người có trách nhiệm), mọi vi phạm phải được xử lý, có lý, có tình, có giáo dục, có thử thách; yêu thương, tha thứ với học trò.

Với học sinh trung học phổ thông, cần nghiêm khắc hơn với học sinh trung học cơ sở. Kiên quyết với giáo viên, nhân viên.

Giáo dục nêu gương, lấy cái đẹp xóa mờ cái xấu. Hiệu trưởng phải là tấm gương sáng cho giáo viên và học sinh học tập; hiệu trưởng có tác phong chững chạc, chấp hành thời gian, nề nếp, quán xuyến công việc; hy sinh vì nhà trường, vì học trò; nói đi đôi với làm, có niềm tin, uy tín với học trò, đồng nghiệp; không độc đoán chuyên quyền, không bòn rút công quỹ … là hiệu trưởng tốt, truyền được đam mê, động lực hy sinh cho giáo viên; bạo lực học đường không có đất sống trong những ngôi trường này!

Căn cơ hơn nữa, phải thực sự coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đảm bảo giáo viên sống được bằng lương; đãi ngộ tương xứng với cống hiến, kì vọng.

Xử lý các tiêu cực trong giáo dục phải đúng theo hiến pháp, pháp luật, không có vùng cấm, làm gương, răn đe; lấy lại niềm tin cho người tốt.

Chỉ có yêu thương mới hóa giải hận thù, xua tan bạo lực, kết nối con người với con người;  học sinh đang cần tình yêu thương của thầy cô hơn bao giờ hết!

Sơn Quang Huyến