Trăm phương ngàn kế để kéo học trò tới lớp sau nghỉ tết

12/02/2019 06:48
Mai Hoa
(GDVN) - Nói một cách “thương mại” học sinh đi hay nghỉ học cũng chẳng ảnh hưởng đến đồng lương tháng của mình. Đã thế, lại chẳng phải nhọc công, lao tâm khổ tứ làm gì

Sau kì nghỉ Tết khá dài, điều mà nhiều giáo viên lo lắng nhất là học trò vắng học nhiều, hoặc đi học nhưng tinh thần uể oải, không muốn học, thiếu tính hợp tác.

Nắm được tâm lý các em, nhiều giáo viên đã truyền nhau “bí kíp” kéo học trò tới lớp và tạo hứng thú học tập cho học sinh. Biến giờ học tưởng như nhàm chán trở nên sôi nổi, hào hứng và hiệu quả.

Giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng đến tận nhà, lì xì nhằm kéo học sinh khó khăn trở lại lớp học sau Tết Nguyên đán. Ảnh: M.Tr
Giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng đến tận nhà, lì xì nhằm kéo học sinh khó khăn trở lại lớp học sau Tết Nguyên đán. Ảnh: M.Tr

Nhiều cách “dụ trò”

 Cô Mai một giáo viên mẫu giáo ở Đồng Nai cho biết “Không chỉ ngày đầu tiên mà suốt cả tuần đầu tiên sẽ có khá nhiều học sinh quên luôn nền nếp trước đó.

Có em tới trường không chịu vào lớp mà cứ ôm cứng lấy ba, mẹ khóc thét lên.

Em không khóc nhưng mặt buồn rười rượi, vào lớp không chịu hoạt động.

Tụi em phải mang đồ chơi ra dụ các bé. Những món đồ chơi tự làm nhưng khá xinh xắn, dễ thương.

Trẻ nhỏ thường quên nhanh nên thấy cô cho đồ chơi, cho quà với thái độ nhẹ nhàng nên nhanh chóng hòa nhịp cùng các bạn”.

Cô Giáo Tuyền ở Bình Thuận nói rằng trước Tết mình đã thông báo cho các em “Ngày đầu tiên đến trường sau Tết cô sẽ lì xì bạn nào có mặt”. Thế là, cô giáo đã chuẩn bị vài chục cái phong bao đủ mệnh giá từ 5 ngàn đến 20 ngàn.

Trăm phương ngàn kế để kéo học trò tới lớp sau nghỉ tết ảnh 2Làm thế nào để học sinh hứng thú với học tập sau kỳ nghỉ tết dài?

Trước là lì xì tất cả học sinh đi học trong lớp bằng phong bao 5 ngàn đồng.

Tiếp đến, cô treo giải ai năng nổ trả lời câu hỏi, hết tiết học thống kê lại ai nhiều lần trả lời đúng sẽ nhận được lì xì từ 10-20 ngàn đồng.

Thế là khỏi phải nói, suốt tiết học khi cô vừa đặt xong câu hỏi lại cả rừng cánh tay đưa lên mong muốn được trả lời.

Vì thế mà chẳng thấy ai ủ rũ hoặc ngồi ngáp vặt (hình ảnh thường thấy khi trò chán học).

Thầy Hùng ở Đắk Lắk lại cho biết “Từ tối hôm trước ngày tựu trường, mình đã nhắn tin trên điện thoại cho phụ huynh thông báo việc học sinh đi học đúng giờ sẽ được cô lì xì đầu năm, cho ăn liên hoan, xem diễn văn nghệ, chơi trò chơi…thế là các em rất hào hứng.

Nhờ thế, lớp học không vắng một em nào hết”.

Một giáo viên ở Mường Lát Thanh Hóa cho biết, sau Tết học sinh thường chậm ra lớp khá nhiều. Thế nên các thầy cô giáo nơi đây thường áp dụng biện pháp “Vào tận nhà, rà tận nóc” vận động phụ huynh và các em học sinh trở lại trường.

Nhà trường tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi. Từng giáo viên dạy bộ môn cho biết cũng không căng thẳng trong việc kiểm tra, dò bài như thường lệ.

Trăm phương ngàn kế để kéo học trò tới lớp sau nghỉ tết ảnh 3Tết xong, học trò không đến lớp, nạn nhân là...cô chủ nhiệm!

Áp dụng kiểu kiểm tra khuyến khích, tặng thưởng là chính.

Một số thầy cô giáo ở Nậm Ngà cũng cho biết, dù học sinh lớn nhưng giáo viên vẫn phải vừa dạy vừa dỗ để học sinh vui vẻ đến trường.

Trong những trường nội trú, bán trú thầy cô cũng tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa, vui chơi thu để thu hút học sinh.

Ngoài ra còn tặng học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Dạy học bằng tình yêu thương sẽ không khó

Người viết bài khá tâm đắc với câu nói của cô giáo Đinh Tâm (Đắk Nông) “Nếu giáo viên dạy học bằng tình yêu thương thì chẳng việc gì là khó”.

Quả đúng như vậy, thầy cô nào mà có tư tưởng “Tối ngày đầy công” sẽ chẳng nặng lòng nghĩ ra cách để dụ trò tới lớp.

Bởi, nói một cách “thương mại” học sinh đi hay nghỉ học cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đồng lương tháng của mình. Đã thế, lại chẳng phải nhọc công, chẳng phải lao tâm khổ tứ nghĩ suy làm gì.

Thế nhưng những giáo viên có suy nghĩ thực dụng thế không nhiều.

Đa phần thầy cô giáo luôn dạy học trò bằng lương tâm trách nhiệm, bằng tình yêu thương của người mẹ, người cha.

Bởi thế, nhiều thầy cô giáo đã không tiếc công sức của mình để mang niềm vui, tạo hào hứng cho học sinh sau mỗi buổi đến trường.

Mai Hoa