Tranh cãi xung quanh "nghi án sữa rởm" gắn mác Pháp

21/02/2013 14:02
Bình An
(GDVN) - Thông tin sữa Danlait giả được tung lên mạng vào đúng dịp Tết Nguyên đán vừa qua khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng còn phía doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng đây là chiêu cạnh tranh không lành mạnh.

Chiêu cạnh tranh không lành mạnh
?
Những ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về nghi vấn sữa Danlait xuất xứ từ Pháp bị cho là làm giả. Theo giãi bày của chị Cao Ngân Hà với nickname Galaixie trên một trang mạng, nghi ngờ về sản phẩm sữa Danlait giả xuất phát từ việc trong suốt 6 tháng đầu đời, con chị luôn tăng trưởng vượt bậc nhưng từ khi con ăn dặm bắt đầu bị bón, chị Hà đổi sang dùng sữa dê Danlait nhập khẩu và phân phối độc quyền bởi Công ty TNHH Mạnh Cầm và phát hiện ra những dấu hiệu bất thường.
Sản phẩm sữa dê Danlait được nhập khẩu từ Pháp
Sản phẩm sữa dê Danlait được nhập khẩu từ Pháp
Theo đó, sau hơn 2 tháng dùng sữa dê Danlait, con chị không bị bón nhiều như trước nhưng không lên cân và còn sụt cân (trước cháu 7 tháng 12 kg, nay gần 9 tháng được 11,5 kg), mọc răng chậm. Cảm thấy lo lắng, chị Hà lên website của công ty in trên hộp sữa để kiểm tra thông tin và hỏi bạn bè bên Pháp tìm mua và gửi về cho yên tâm. Tuy nhiên bạn bè của chị Hà bên Pháp (cả người Việt và người Pháp) đều nói rằng chưa bao giờ nghe thấy tên sản phẩm này cũng như nhà sản xuất FIT mà Công ty Mạnh Cầm quảng cáo là “tập đoàn sản xuất sữa dê hàng đầu tại châu Âu”. Những nghi ngờ băn khoăn của chị Hà lên đỉnh điểm khi chị đọc được thông tin từ một người bạn bên Pháp về nguồn gốc sữa Danlait không hề có ở bên Pháp như quảng cáo trước đó. Hơn nữa, theo tìm hiểu của chị Hà, website http://www.danlait.fr/ khá “sơ sài”, có nhiều lỗi trong thiết kế mà một tập đoàn lớn không thể nào mắc phải. Chị Hà đã gọi điện đến Công ty Mạnh Cầm tìm hiểu sự việc nhưng vẫn không được người đại diện công ty giải đáp cụ thể. Nghi vấn sữa Danlait giả càng trở nên nóng hơn khi những ngày qua, thông tin về vụ việc được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, trả lời về sự nghi ngờ của chị Hà, trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Minh Sang - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Mạnh Cầm khẳng định: Đến thời điểm hiện tại công ty chưa nhận được phản hồi hay đơn thư chính thức của người tiêu dùng nào phản ánh về ảnh hưởng xấu của sữa dê Danlait sau hơn một năm nhập khẩu vào Việt Nam. Việc tung tin về sữa Danlait rởm lên các diễn đàn mạng phía Mạnh Cầm nhận định đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.  
Ông Đặng Minh Sang - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Mạnh Cầm khẳng định: Đến thời điểm hiện tại công ty chưa nhận được phản hồi hay đơn thư chính thức của người tiêu dùng nào phản ánh về ảnh hưởng xấu của sữa dê Danlait.
Ông Đặng Minh Sang - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Mạnh Cầm khẳng định: Đến thời điểm hiện tại công ty chưa nhận được phản hồi hay đơn thư chính thức của người tiêu dùng nào phản ánh về ảnh hưởng xấu của sữa dê Danlait.
Ông Sang cho biết hơn một năm qua, sản phẩm sữa dê Danlait đã chiếm được thị phần khá lớn với số lượng nhập về hơn 40 nghìn lon nhưng hiện chỉ tồn lại còn khoảng hơn 10 nghìn lon. Giải thích về trong thành phần sữa có chất chlorine (chất tẩy rửa) ông Sang cho rằng trong lô hàng đầu tiên, phía nhà sản xuất FIT đã in nhầm lẽ ra phải là chloride và từ lô hàng thứ hai trở đi hành phần có trong muối ăn này mới được in đúng. Công ty đã phản hồi lại phía nhà sản xuất.Bằng chứng của Công ty Mạnh Cầm có đủ sức thuyết phục? Trong cuộc trao đổi với PV, đại diện của Công ty Mạnh Cầm đã đưa ra đầy đủ các giấy tờ như: Phiếu kiểm nghiệm sản phẩm của nhà sản xuất đi theo lô hàng; Tờ khai hải quan điện tử đã được hoàn tất thủ tục Thông qua; Giấy chứng nhận lưu hành tự do của sản phẩm; Danh sách các mặt hàng nhập khẩu (có tên 03 sản phẩm trên); Chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ Pháp (CO) và đã được các cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng do Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng và Trung tâm Thú y vùng II kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đạt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo đúng quy định đối với từng lô hàng. Tuy nhiên, trong giấy xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu của Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng với lô hàng nhập khẩu với 7.220 hộp sữa nguyên lon nhưng tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 22.288,02 EUR. Theo tính toán mỗi lon sữa có giá 3,1 EUR tương đương với khoảng hơn 80 nghìn đồng. Nhưng trên thị trường Việt Nam, sữa Danlait 400 gr có giá từ 400 - 420 nghìn đồng. Khi đề cập đến vấn đề vì sao nhập khẩu rẻ mà giá bán đắt, đại diện của Mạnh Cầm không đưa ra lời giải thích. Ông Sang vẫn khẳng định sữa dê Danlait thực sự rất tốt dành cho những trẻ em có cơ địa nóng, hay táo bón.
Giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho sản phẩm sữa Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối.
Giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho sản phẩm sữa Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait của Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17/1/2012. Trong năm 2012, công ty đã nhập khẩu 4 lô hàng của 3 loại sản phẩm trên với tổng số 40.380 lon (1 lon là 400 gr). Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng và Trung tâm Thú y vùng II kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đạt về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo đúng quy định đối với từng lô hàng. Theo ông Trung, tất cả các sản phẩm nhập khẩu của Công ty Mạnh Cầm về Việt Nam đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đều đã có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng… Ông Trung xác nhận: Hiện tại Cục chỉ xác định nguồn gốc sản phẩm từ Pháp. Cũng trong giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của Cục này dành cho sản phẩm sữa dê Danlait, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chỉ chứng nhận chung về mặt chất lượng “Phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và được phép lưu hành nếu thương nhân đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn như đã công bố”? Chính việc chứng nhận sơ sài này khiến người tiêu dùng thêm hoang mang về chế độ hậu kiểm. Khi phóng viên đề cập đến tiêu chuẩn đã công bố như thế nào thì Công ty Mạnh Cầm “khất” vì hồ sơ gốc trong tủ của giám đốc công ty.

Công ty Mạnh Cầm cược 1 tỷ đồng nếu phát hiện sai phạm!

Trong buổi làm việc sáng nay, đại diện Công ty Mạnh Cầm cung cấp cho PV thông báo của công ty Mạnh Cầm về việc đặt cược 1 tỷ đồng cho nhưng ai chứng minh được “sữa dê Danlait với chứng chỉ y tế hình bầu dục in trên hộp (FR 85-133-01 CD) do công ty Mạnh Cầm phân phối tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Pháp và sữa này có nguy hại đến sức khỏe con người”.

Lãnh đạo công ty Mạnh Cầm cược 1 tỷ đồng cho ai chứng mình được chất lượng sữa Danlait có hại cho sức khỏe con người.
Lãnh đạo công ty Mạnh Cầm cược 1 tỷ đồng cho ai chứng
mình được chất lượng sữa Danlait có hại cho sức khỏe
con người.

Liên quan đến nghi vấn sữa Danlait giả, theo xác nhận của PV TTXVN tại Cộng hòa Pháp về nhà máy sản xuất sữa dê có sản phẩm xuất khẩu về Việt Nam. Liên minh sản xuất sữa Venise Verte (Union Laitière de la Venise Verte-ULVV) có lịch sử 120 năm, chuyên sản xuất phomát dê, các sản phẩm sữa bột từ sữa dê phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm và các loại sữa dê đóng hộp dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

ULVV đặt địa điểm sản xuất ở Maillezais (tỉnh Vendée thuộc vùng Pays de la Loire) được mệnh danh là Venise Verte bởi sự đa dạng về hệ sinh thái và nhiều đầm lầy, nơi đây còn được xem là một trong hai vùng nuôi dê lấy sữa lớn nhất của Pháp.

Liên hệ làm việc với công ty FIT, trụ sở ở thành phố Rennes-vùng Bretagne, Pháp, chuyên sản xuất, kinh doanh sữa dê, phomát bán trên thị trường châu Âu và xuất khẩu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty Hervé Lanoë cho biết sữa dê Danlait là sản phẩm sữa bột của FIT hợp tác với ULVV sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Pháp và châu Âu. (Theo VietQ).

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Bình An