Trẩy hội chùa Hương: Vẫn ùn tắc cáp treo, thú rừng bị xẻ thịt la liệt

16/02/2013 08:01
Trọng Trinh
(GDVN) - Đến hẹn lại lên, mùng 6 tết âm lịch (15/2), hàng vạn du khách lại về chùa Hương để dự lễ khai hội và dâng hương lễ Phật. Trên dòng Suối Yến hàng nghìn chiếc thuyền to nhỏ buông mái chèo đưa dòng người về nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành. Mặc dù trời lạnh kèm theo mưa phùn nặng hạt nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười mãn nguyện.

Đây là  năm thứ 8, anh Đỗ Văn Phúc quê Hải Dương về chùa Hương lễ phật. Đoàn của anh có gần 20 người, cái mệt đều hiện rõ qua sắc mặt từng người nhưng trong ánh mắt của ai cũng hân hoan vui mừng khi hành hương đến nơi đất Phật.

Anh Phúc chia sẻ: “Gần 10 năm về dâng hương lễ phật ở chùa Hương nhưng đây là năm đầu tiên gặp trời mưa. Mọi người trong đoàn đều xác định, chặng đường đi sẽ khá vất vả vì trời mưa và lạnh. Chúng tôi xuất phát từ lúc 2 rưỡi sáng nay và đến đây là gần 5h sáng. Khi đến nơi mọi người trong đoàn khá mệt, chẳng thấy ai nói cười gì. Nhưng từ lúc lên thuyền có lẽ 1 phần do tâm trạng háo hức nên ai nấy đều tươi tỉnh trở lại để bắt đầu cuộc hành trình mới”.

Vẻ sốt ruột hiện rõ trên gương mặt từng người khi rất khó để nhích được bước chân trong hành trình trẩy hội chùa Hương của mình.
Vẻ sốt ruột hiện rõ trên gương mặt từng người khi rất khó để nhích được bước chân trong hành trình trẩy hội chùa Hương của mình.

Mưa càng lúc càng dày hạt hơn. Vẫn cảnh thuyền ngược xuôi sông Yến đưa dòng người vào hành hương nhưng năm nay từng dòng thuyền đi lại rất trật tự, không có chuyện tắc đò. Ý thức của những người lái đò đã được nâng cao và có tinh thần “nhường nhịn” trong quá trình chèo đò để không xảy ra va chạm.

Những chiếc gậy tre, trúc được bán khá chạy với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng. Từ lâu, đây được coi là “phương tiện” hỗ trợ người bộ hành lên động tránh bị trượt ngã vì đường rất trơn và bớt đi cảm giác mỏi mệt. Một chiếc chiếu trong các quán cóc ven đường đi để mọi người nghỉ ngơi cũng được “hét” giá lên mức 30 đến 40 nghìn đồng.

Khoảng 9h sáng, thời điểm lễ khai mạc chuẩn bị diễn ra, đây là lúc cao điểm nhất, người lớn, trẻ em chen nhau dịch từng bước trên đường lên chùa. Cụ bà Lương Thị Bích (Đống Đa, Hà Nội) năm nay đã ngoài thất thập nhưng cũng không thoát được cảnh chen lấn để lên tới cổng Thiên Trù. Cụ mỉm cười thỏa mãn với quãng đường mình vừa vượt qua mặc dù chiếc áo mưa mỏng khoác trên người đã không còn lành lặn, quần ống thấp ống cao…

“Mọi năm bà hay đi Chùa Hương cùng con cháu vào cuối tháng giêng. Năm nay được nghỉ tết nhiều nên cả nhà quyết định đi đúng vào ngày khai hội. Trời mưa nặng hạt và lại đông thế này không biết bà có đủ sức để lên đến Động Hương Tích nữa không ấy… ”, cụ Bích mỉm cười rồi tìm một nơi nghỉ chân để lấy lại sức tiếp tục cuộc hành hương. Con cháu bà cũng ngồi nghỉ ngay bên cạnh, họ tíu tít với những câu chuyện về những lần hành hương trước cũng là tìm về với chùa Hương.

Lượng người đổ về chùa Hương trong ngày khai hội rất đông.
Lượng người đổ về chùa Hương trong ngày khai hội rất đông.

Lượng người đổ về đây đúng ngày khai hội quá đông nên trẻ nhỏ không thể đi bộ được. Thấp thoáng trong dòng người đang xô đẩy nhau, là hình ảnh những đứa trẻ được bộ mẹ kiệu trên vai. Ai cũng nhích từng bước thận trọng.

Sau màn múa tứ linh “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt” ở sân chùa Thiên Trù để chào mừng lễ hội Chùa Hương, lễ hội chính thức bắt đầu. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý khu di tích thẳng cảnh Hương Sơn cho biết thì lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách hành hương về đất phật.

Dự kiến năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách.
Dự kiến năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách.

Sau khi tham gia lễ khai mạc, dòng người lại tấp nập đổ về các chùa, các động để lễ phật. Động Hương Tích luôn là tâm điểm trong hành trình của mỗi người. Nhưng dù lên được bằng đường bộ hay cáp treo thì quãng đường đi đều rất vất vả và phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ. Cảnh ùn tắc liên tục xảy ra. Nhiều người thở dài.

Anh Nguyễn Quốc Đạt quê Phú Thọ cùng vợ và hai con nhỏ vào đến chùa Thiên Trù từ lúc 8h sáng, không  tham dự lễ khai mạc mà đi thẳng lên động Hương Tích. Sau khi cầm trên tay tấm vé đi cáp treo nhưng phải đến gần 10h trưa anh và gia đình mới đến lượt. Chỉ 10 phút ngồi trên cáp treo là có thể tới được động Hương Tích nhưng khi có được tấm vé đi cáp treo trong tay, mọi người lại phải xếp hàng đợi đến 2 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình. Trung tâm bán vé liên tục thông báo tạm dừng bán vé để tránh tình trạng ùn tắc cục bộ trong động Hương Tích.

Phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi ở khu vực cáp treo, du khách mới được đi cáp.
Phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi ở khu vực cáp treo, du khách mới được đi cáp.

Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội trên địa bàn Thành phố dịp xuân 2013, lực lượng an ninh được huy động tối đa tại khu vực chùa Hương để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Trong ngày khai mạc không xẩy hiện tượng trộm cắp, móc túi hay một số trò cờ bạc… tại đây.

Thông tin trên báo thanhnien cho biết: Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng ngày khai hội chùa Hương, một số hình ảnh chưa được đẹp mắt vẫn còn tồn tại như tình trạng ùn tắc tại khu vực cáp treo, động Hương Tích; tiền lẻ, gạo, muối trắng bị rải ở nhiều nơi; thịt động vật được bày bán tràn lan trên đường lên chùa... Trước đó, trong các ngày mùng 3, 4 và 5 Tết, khách trẩy hội chùa Hương phải xếp hàng đợi khoảng 3 tiếng đồng hồ mới được đi cáp treo. Ông Bùi Đức Duẩn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải du lịch Hương Sơn cho biết, hiện đơn vị này có tất cả 45 ca bin cáp treo, mỗi giờ vận chuyển được 1.500 du khách. Ngày mùng 5, công ty mở cửa bán vé từ 4 giờ 30 phút sáng, tới 11 giờ đã phải ngưng bán vé vì quá tải. Hiện tượng các chủ đò "chặt chém" du khách đi đò trên suối Yến đã giảm đáng kể. Nếu một du khách phải trả 85.000 đồng (gồm 35.000 đồng tiền xuống đò, 50.000 đồng tiền vé thắng cảnh) thì người chèo đò chỉ dám "xin" thêm 15.000 đồng gọi là "tiền bồi dưỡng". Và điều này làm cả du khách cũng như người chèo đò đều rất vui vẻ. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, rất đông du khách phản ảnh về việc bị các quán, hàng ăn “chém đẹp”. Như một bát mì tôm trứng, hay một bát phở bò tái (thực chất là thịt lợn) có giá từ 55.000 - 60.000 đồng, một chai nước C2 cũng có giá từ 15.000 - 18.000 đồng, một quả trứng vịt lộn cũng có giá 15.000 đồng…
Thú rừng bị xẻ thịt
Thú rừng bị xẻ thịt

Nhiều năm qua các đài, báo đã lên tiếng khá nhiều về tình trạng động vật bị xẻ thịt rồi gắn mác thú rừng và treo ngược tại các hàng quán ở lễ hội chùa Hương đã để lại những hình ảnh phản cảm tại một lễ hội truyền thống văn hoá mang màu sắc tín ngưỡng hết sức thiêng liêng mỗi dịp tết đến xuân về.

Nhưng trong lễ hội chùa Hương năm nay, tình trạng rất nhiều những con thú đủ chủng loại khác nhau được cạo lông và treo lủng liểng trước cửa các quán ăn dọc theo đường về chùa Hương. Chỉ cần sự đồng ý của những vị khách thì thịt thú rừng sẽ được lên thớt...

Suốt dọc theo còn đường dẫn lên chùa Hương Tích, du khách vẫn được chứng kiến cảnh thú rừng vẫn bị xẻ thịt treo ngược tại các hàng quán… Mặc dù trước đó ít ngày, khi kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại chùa Hương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ thị cấm xẻ thịt thú rừng tại lễ hội chùa Hương...

Trước đó, ngày 3/2/2013, các cơ quan chức năng của Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại chùa Hương. Tại buổi kiểm tra này, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2013 cho biết: Ban tổ chức đã yêu cầu các hàng quán tại khu vực lễ hội chùa Hương phải niêm yết giá công khai, các cửa hàng phải có tủ kính để bảo quản thực phẩm và ký cam kết không treo thịt động vật…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái yêu cầu Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cần chú ý bố trí quy hoạch hàng quán tạo không gian thông thoáng, thuận lợi cho người dân tham gia lễ hội, quản lý chặt văn hóa phẩm độc hại. Đồng thời, nghiêm cấm các hàng quán treo thịt động vật gắn mác thịt thú rừng tại khu vực bến Thiên Trù...

Trọng Trinh