Triều Tiên hủy hiệp ước đình chiến: Thùng thuốc súng ở Bắc Á sắp nổ?

07/03/2013 07:45
Việt Dũng
(GDVN) - CHDCND Triều Tiên hiện đang lo ngại về một loạt các động thái quân sự của Mỹ và đồng minh nhằm vào nước này, nhất là các cuộc diễn tập.
Quân đội Mỹ-Hàn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp "Quyết tâm then chốt" thường niên
Quân đội Mỹ-Hàn tiến hành diễn tập quân sự liên hợp "Quyết tâm then chốt" thường niên

Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) ngày 5/3 phát đi tuyên bố của người phát ngôn Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên, cho biết, CHDCND Triều Tiên sẽ không còn thừa nhận “Thỏa thuận đình chiến Triều Tiên”.

Tuyên bố nhấn mạnh, Mỹ và Hàn Quốc giẫm đạp thô bạo lên “Thỏa thuận đình chiến Triều Tiên”, biến thỏa thuận này trở thành một tờ giấy vụn, CHDCND Triều Tiên quyết định từ ngày 11/3 sẽ không còn thừa nhận hiệu lực của thỏa thuận này.

CHDCND Triều Tiên sẽ không bị ràng buộc bởi thỏa thuận đình chiến, có thể tiến hành tấn công chính xác đối với bất cứ đối tượng nào vào bất cứ lúc nào. Đồng thời, CHDCND Triều Tiên sẽ chấm dứt toàn diện Ban đại diện Bàn Môn Điếm của Quân đội Nhân dân Triều Tiên và cắt đứt điện thoạt liên lạc quân sự giữa CHDCND Triều Tiên-Mỹ ở Bàn Môn Điếm.

Theo hãng AP, tuyên bố này của CHDCND Triều Tiên đúng vào thời điểm ngày 5/3 Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mở hội nghị bàn về vấn đề trừng phạt CHDCND Triều Tiên do họ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào ngày 12/2 vừa qua.

Có chuyên gia cho rằng, hành động này của CHDCND Triều Tiên không loại trừ có ý đồ gây sức ép với Mỹ, tác động lên quyết định của Hội đồng bảo an. Chính phủ một số nước có liên quan vẫn chưa bày tỏ thái độ đối với hành động này của CHDCND Triều Tiên.

Tàu khu trục Aegis Hàn Quốc hộ vệ tàu chỉ huy Mỹ trên biển Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis Hàn Quốc hộ vệ tàu chỉ huy Mỹ trên biển Nhật Bản

Tuyên bố của CHDCND Triều Tiên cho hay, để đối phó với chính sách của Mỹ-Hàn, CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng cho các biện pháp đáp trả thứ hai, thứ ba với cường độ cao hơn, Mỹ và Hàn Quốc không nên coi thường sự cảnh báo của CHDCND Triều Tiên.

Các lực lượng gồm lục, hải, không quân, lực lượng phòng thủ, lực lượng tên lửa chiến lược, lực lượng công nông, dân quân, đội cận vệ thanh niên đỏ đều đã làm tốt công tác chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến do nhà lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Jong-ul ký, triển khai cuộc chiến toàn diện bất cứ lúc nào.

Thỏa thuận đình chiến Triều Tiên được ký ngày 27/7/1953. Trước đây, CHDCND Triều Tiên cũng từng có động thái tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. Tháng 5/2009, Ban đại diện của Quân đội Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm tuyên bố, do Mỹ dung túng cho Hàn Quốc gia nhập “Sáng kiến phòng ngừa phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt” (PSI), vi phạm “Thỏa thuận đình chiến Triều Tiên”, vì vậy CHDCND Triều Tiên sẽ không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận đình chiến.

Tháng 8/2012, hãng KCNA tiếp tục tuyên bố, do Hàn-Mỹ tổ chức cuộc diễn tập quân sự liên hợp “Ulchi-Freedom Guardian” đã “thách thức và chà đạp” lên hòa bình bán đảo Triều Tiên, Ban đại diện Quân đội Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm ra tuyên bố cho biết, CHDCND Triều Tiên sẽ không còn chịu sự ràng buộc của thỏa thuận đình chiến.

Hạm đội liên hợp Hàn-Mỹ
Hạm đội liên hợp Hàn-Mỹ

Nhưng, tuyên bố lần này được cho là không bình thường. Hãng Yonhap cho rằng, do phía CHDCND Triều Tiên ra tuyên bố là người phát ngôn của Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội, vì vậy CHDCND Triều Tiên có khả năng áp dụng các hành động thực tế tiếp theo.

Trương Vinh Thạc, giáo sư Đại học Seoul cho rằng, tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến mới chỉ là khúc dạo đầu cho các hành động tiếp theo của CHDCND Triều Tiên. Bởi vì, từ ngày 11/3, Hàn-Mỹ bắt đầu tiến hành diễn tập quân sự liên hợp “Key Resolve”, vì vậy CHDCND Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến vào ngày 11/3.

Triệu Thừa Liệt, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng, với việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố giải tán Ban đại diện Bàn Môn Điếm và cắt đứt điện thoại liên lạc quân sự CHDCND Triều Tiên-Mỹ, cơ quan quản lý thỏa thuận đình chiến đã biến mất, kéo theo sẽ gây bất ổn tình hình, hành động này của CHDCND Triều Tiên phần nào muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thỏa thuận đình chiến.

Có phân tích cho rằng, CHDCND Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến có thể là vu hồi, phát đi tín hiệu yêu cầu đối thoại giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ để ký kết thỏa thuận hòa bình. Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba kết thúc, CHDCND Triều Tiên tuyên bố với bên ngoài về công nghệ tên lửa tầm xa và vị thế nước sở hữu vũ khí hạt nhân, qua đó muốn lập tức tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận hòa bình.

Hàn-Mỹ diễn tập đổ bộ quy mô lớn năm 2008
Hàn-Mỹ diễn tập đổ bộ quy mô lớn năm 2008

Có chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sắp đạt được nhất trí về nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên, hành động này của CHDCND Triều Tiên cũng có ý đồ đưa ra lời cảnh báo đối với cộng đồng quốc tế.

Hãng Yonhap cho rằng, cùng với việc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt và Hàn-Mỹ sắp chính thức tiến hành diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn, không loại trừ khả năng CHDCND Triều Tiên tiến hành “khiêu khích vũ trang”, bởi vì chỉ có tạo ra tình hình căng thẳng mới có thể làm nổi bật tính cần thiết phải ký kết thỏa thuận hòa bình.

Trương Vinh Thạc cho rằng, CHDCND Triều Tiên có thể sẽ không tiến hành thử nghiệm hạt nhân hoặc phóng tên lửa – những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, mà sử dụng vũ khí thông thường để khiêu khích. Trước đây, Quân đội Hàn Quốc đã nắm chắc dấu hiệu CHDCND Triều Tiên tiến hành diễn tập quân sự lục, hải, không quân quy mô lớn ở khu tuyến trước phía đông, trong khi đó lực lượng pháo binh ở tuyến đầu phía tây cũng đang tăng cường hoạt động.

Báo Hàn Quốc cho rằng, cuộc diễn tập “Key Resolve” Hàn-Mỹ diễn ra từ ngày 11-21/3 chủ yếu là diễn tập Sở chỉ huy, tham diễn có hơn 10.000 quân của Hàn Quốc, hơn 3.500 quân của Mỹ. Do đến năm 2015 Mỹ sẽ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến cho Hàn Quốc, vì vậy cuộc diễn tập lần này sẽ do phía Hàn Quốc chủ trì tiến hành.

Ngày 24/6/2012, Mỹ-Hàn diễn tập quân sự quy mô lớn, cách khu phi quân sự CHDCND Triều Tiên-Hàn Quốc chỉ 15 km.
Ngày 24/6/2012, Mỹ-Hàn diễn tập quân sự quy mô lớn, cách khu phi quân sự CHDCND Triều Tiên-Hàn Quốc chỉ 15 km.

Hãng Reuters cho rằng, đe dọa hủy bỏ thỏa thuận đình chiến là một sự leo thang rõ rệt trong “ngôn từ hiếu chiến” của CHDCND Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 bằng thỏa thuận đình chiến, không có hiệp ước hòa bình, hai miền Triều Tiên vẫn đang nằm trong trạng thái chiến tranh.

Theo hãng AP, trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên căng thẳng leo thang, phía CHDCND Triều Tiên thường phát đi những ngôn từ chiến tranh gay gắt. Gần đây, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, tiến hành thử nghiệm hạt nhân, vì vậy bị Liên Hợp Quốc trừng phạt. Những điều này tiếp tục làm trầm trọng thêm sự thù địch giữa CHDCND Triều Tiên với Mỹ và đồng minh Hàn Quốc.

Báo Hàn Quốc cho biết, chiều ngày 5/3, binh sĩ Quân đội Hàn Quốc phát hiện lưới dây thép gai thuộc đoạn giữa giới tuyến quân sự 38 vĩ độ bắc ở khu vực Yanggu, Gangwon, Hàn Quốc xuất hiện một lỗ hổng lớn 1 m, họ đã cấp báo lên trên, lực lượng có liên quan đã bước vào trạng thái khẩn cấp. Quân đội Hàn Quốc cùng ngày đã chứng thực, nhưng không phát hiện thấy dấu hiệu xâm lược của phía Quân đội Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc lập tức lập trạm kiểm tra ở khu vực lân cận, điều động lực lượng tiến hành lục soát.

Lữ Siêu, chuyên gia vấn đề Triều Tiên, Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh cho rằng, CHDCND Triều Tiên bây giờ đưa ra tuyên bố như vậy có gì đó hơi kỳ lạ. Hiện nay không phải là lúc tình hình bán đảo quá căng thẳng, Mỹ và Hàn Quốc hàng năm đều tổ chức diễn tập nhiều lần, lần này cũng không phải là lớn nhất, nên đây không phải là lý do để CHDCND Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến.

Máy bay trực thăng vũ trang Apache phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp thường niên "Quyết tâm then chốt" giữa Hàn Quốc và Mỹ.
Máy bay trực thăng vũ trang Apache phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp thường niên "Quyết tâm then chốt" giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Lữ Siêu cho rằng, đây là tuyên bố hiếm có của người phát ngôn Quân đội Triều Tiên trong những năm gần đây, có dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên quyết tâm bước vào trạng thái quân sự đối đầu – một tín hiệu gây tình hình căng thẳng.

Tuyên bố này rất có thể xuất phát từ sự tính toán trong nội bộ của CHDCND Triều Tiên, mở đường cho việc tiếp tục tuyên bố cả nước bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu khẩn cấp. Tạo ra trạng thái này có thể do 2 nguyên nhân, một là muốn gây chiến tranh với bên ngoài, hai là củng cố chính quyền trong nước, muốn có một số hành động.

Theo Lữ Siêu, thỏa thuận đình chiến tuy là thỏa thuận song phương giữa hai miền Triều Tiên, nhưng trước đây không phải do đại diện Hàn Quốc ký, mà lấy danh nghĩa Liên Hợp Quốc, do đại diện đàm phán của Mỹ ký.

Vì vậy, hiện nay, CHDCND Triều Tiên có thể muốn gây sức ép chính trị với Mỹ. Tháng 3, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên do thử hạt nhân lần ba, lúc này CHDCND Triều Tiên làm trầm trọng hơn bầu không khí căng thẳng, rất có thể là gây sức ép với Mỹ, muốn gây ảnh hưởng lên nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Diễn tập quân sự liên hợp "Quyết tâm then chốt" Hàn-Mỹ năm 2012.
Diễn tập quân sự liên hợp "Quyết tâm then chốt" Hàn-Mỹ năm 2012.


>> Follow us on Facebook
>> Tin mới nhất về tàu ngầm Kilo của Việt Nam
>> Báo Trung Quốc đăng ảnh các học viên tàu ngầm Việt Nam tại Nga
>> Nga thử nghiệm tàu ngầm Hà Nội cho Việt Nam

Việt Dũng